Vùng quê Ngọc Lặc xứ Thanh vốn nghèo từ bao đời và gia đình tôi cũng vậy. Hai vợ chồng và 2 con nhỏ chỉ trông vào 3 sào ruộng khoán, lúc nông nhàn phải đi phụ hồ, xách vữa mà tiền công chẳng được là bao. Năm 2007, để các con lại cho chồng chăm, tôi theo một số người làng bắt xe ra Hà Nội tìm việc.
Từ nông thôn ra phố quả không dễ sống, chật vật đổi việc ở không ít các quán cơm, rồi đến làm tạp vụ, nhưng số tiền tôi kiếm được dù dè sẻn chi tiêu hết mức cũng chỉ để ra được vài trăm nghìn đồng. Rồi thật may, một người đồng hương giới thiệu cho vào làm chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Với tiền công ổn định lại cùng ăn uống, sinh hoạt với bệnh nhân, mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng giúp chồng ở nhà nuôi 2 con ăn học.
Chị Lê Thị Liên
Nhưng tai họa lại ập xuống đúng lúc cuộc sống của chúng tôi tưởng chừng tạm ổn. Chồng tôi trong một lần dựng dàn giáo công trình xây dựng đã vô tình để sập làm một người bị thương nặng phải bồi thường mấy chục triệu đồng. Số tiền quá lớn, chúng tôi phải đôn đáo vay nợ khắp nơi, gia đình lại rơi vào cảnh túng quẫn.
Đúng vào thời điểm bí bách, tôi được một người trong bệnh viện gợi ý "đẻ thuê". Mới nghe tôi phát hoảng, nhưng khi người ta giải thích rằng, mình chỉ đóng vai trò "cho thuê tử cung" để đặt phôi thai của vợ chồng người ta vào, hơn nữa khoản tiền 50 triệu đồng của hợp đồng thực sự rất cần thiết với gia đình mình. Sau mấy đêm suy nghĩ, tôi đã ký tên vào bản hợp đồng đẻ thuê...
Khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày mang thai thuê của tôi trôi qua thật nặng nề. Không dám về quê, giấu kỹ mọi chuyện, nhớ chồng con, tôi chỉ liên lạc qua điện thoại. Ngày đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, tôi hạnh phúc khôn tả, nhưng cảm giác ấy chỉ trong giây lát bởi phía gia đình thuê đã đón con họ ngay lập tức. Nhận số tiền đúng như trong hợp đồng trên tay, tôi đau xé lòng bởi biết chắc chắn rằng vĩnh viễn sẽ không bao giờ được gặp lại đứa con dù không phải của mình nhưng đã mang nặng đẻ đau ra nó...
Tôi vội vàng rời Hà Nội về quê như trốn chạy... Phải mất một thời gian rất dài, tôi mới lấy lại được cân bằng. Cùng chồng lao vào làm ăn, thật may mắn cuộc sống của gia đình tôi giờ đã khấm khá, 2 đứa con đều chăm ngoan, học giỏi, căn nhà cũ của tôi cũng đã được sửa sang lại.
Nếu ai hỏi về điều mong ước lớn nhất, với tôi chính là được gặp lại, được ôm vào lòng đứa con mình đã thai nghén thuê năm nào. Mong sao sẽ không có ai lâm vào hoàn cảnh như tôi để lòng mình luôn được thanh thản bên mái ấm gia đình...
Chị Lê Thị Liên - xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.