Lời đồn trên những cây cầu sông Hàn

Sau ngày khánh thành cầu Rồng, nhiều người đã mượn cầu để gieo mình tự vẫn. Lợi dụng điều này, những người mê tín càng phát tán những câu chuyện hoang đường.

Đà Nẵng có sáu cây cầu bắc qua sông Hàn, ba cầu bắc qua sông Cẩm Lệ (không phải là chín cầu như một số người nhầm tưởng vì sông Hàn độc lập với sông Cẩm Lệ).

Lên ruột vì mê tín

Ngồi quán cà phê cóc trước khách sạn Bảo Quyên, đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), tôi thấy cầu Rồng sừng sững nối với quận Hải Châu, nơi có đường Bạch Đằng lộng gió và những tòa nhà cao tầng.

Đang ngắm nhìn phố xá thì tôi nghe hai người đàn ông khi tranh luận về hàng loạt vụ tự tử vừa qua tại hai cây cầu “mới toanh” là cầu Rồng và cầu Thuận Phước. Họ bảo cầu Thuận Phước hình thành trên “thủy huyệt” của Hàn giang và vịnh Đà Nẵng nên thủy thần mỗi năm đều hung dữ, đòi người nộp mạng nên tự tử mới nhiều như vừa qua.

Sang phía bên đường xem những chiếc thuyền đang vào tránh bão, tôi cũng được anh Tú (50 tuổi), một ngư dân đi bạn cho chủ tàu, đánh bắt gần biển Đông nói đầy vẻ tâm linh: “Thành phố này đã xây bốn chùa, làm chín cầu bắc qua sông Hàn và sông Cẩm Lệ, là công đức vô lượng, nhưng không hiểu sao vẫn nhiều người mượn cầu để trốn chạy sự sống như ri”.

Theo lời anh ngư dân này thì các chùa gồm chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà, chùa trên đỉnh Ngũ Hành Sơn, chùa trên khu du lịch Bà Nà... Chín cây cầu thì gồm cầu: Trần Thị Lý chạy cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu quay sông Hàn...

Khi đến chợ Hàn, một trong những ngôi chợ nhiều tuổi, lớn nhất xứ Quảng, chuyên bán đặc sản cho du khách muôn nơi, khi nhắc đến chuyện tự tử trên các cây cầu mới xây dựng, Thủy, một cô gái đứng ở quầy hàng bán khô mực ngào, cá khô, chả giò liến thoắng: “Suốt thời gian qua, nhiều vụ tự tử ghê hồn lắm anh ơi. Không hiểu vì sao mà họ lại rủ nhau lên cầu rồi làm cái việc dại dột đó! Chắc là linh hồn của người chết còn ám ở đây đó mà”.

Giải mã lời đồn

Nơi xảy ra vụ tự tử tối 28/10.

Theo Công an TP.Đà Nẵng, từ đầu năm 2013 đến nay, trên các cây cầu bắc qua sông Hàn đã xảy ra 11 vụ tự tử. Mới đây nhất, tối 28/10, trên cầu sông Hàn (cây cầu quay duy nhất Việt Nam, được đưa vào sử dụng năm 2001 -  P.V), một người phụ nữ đã gieo mình xuống dòng sông lạnh giá.

Tên nạn nhân mau chóng được xác định là N. (nhà ở đường Điện Biên Phủ, nằm ở cửa ngõ của thành phố), do giận chồng nghiện cá độ đá banh nên mới tìm cách kết thúc cuộc đời mình.

Trước đó, ngày 22/9, trên cầu Thuận Phước (cầu treo dây võng dài nhất Việt Nam bắc qua eo biển Đà Nẵng với vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, làm “bừng sáng” bán đảo Sơn Trà - P.V), ông Võ Ngọc P. (45 tuổi, ngụ phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) đã treo cổ tự tử.

Nhớ về việc cũ, bà Nguyễn Thị Lắm (50 tuổi, bán xăng dưới cầu) kể: “Trước khi ra đi vào sáng 22/9, tối hôm trước, tui thấy ổng đi qua cầu Rồng rồi vòng qua cầu Thuận Phước để tìm chỗ ra đi”.

Ngày 14/8, cũng trên cầu Thuận Phước, một thanh niên đã trèo qua lan can cầu, nhảy ùm xuống sông giữa thanh thiên bạch nhật. Thông tin ban đầu, chàng thanh niên tên L. (SN 1991, quê Bình Định, sinh viên một trường cao đẳng tại Đà Nẵng). Nguyên nhân tự tử đang được làm rõ.

Anh Nguyễn Văn Sang, công tác tại TAND quận Liên Chiểu, cho biết, đó là những tin đồn vô căn cứ. Trong một lúc nghĩ quẩn không có lối thoát, họ mới chọn cách nhảy từ trên cầu chứ có ma quỷ gì đâu. Thực tế thì không phải đến bây giờ, dân mê tín dị đoan mới thêu dệt nên những câu chuyện éo le trên các cầu mới của sông Hàn.

Thời gian trước, ở cầu Đa Cô (quận Liên Chiểu) cũng có nhiều “bà tám” bàn tán về cái chết của một nữ sinh viên văn khoa của trường CĐSP tên Hoàng Thị Nh. (quê huyện Hòa Vang) tại đây, trở thành oan hồn là do cô này nhảy cầu tự tử. Thực ra, cái chết xảy ra cách đây... 23 năm và nạn nhân cũng không phải nhảy cầu mà bị tai nạn giao thông, nhưng không hiểu sao trong dân gian lại rộ lên tin đồn quanh cây cầu Đa Cô.

GS.TS Vũ Gia Hiền (Hội tâm lý giáo dục TP.HCM) cho rằng, do kinh tế khó khăn, cuộc sống gia đình xảy ra xung đột nên nạn tự tử thời gian qua tăng lên, không chỉ riêng Đà Nẵng mà còn tại một số địa phương khác. Một số bạn trẻ do chia tay, buồn tủi hay nợ nần do ăn chơi, cá độ... cũng tự tìm cách giải thoát nhưng hậu quả để lại cho người còn sống là rất lớn.

Giữa một xã hội văn minh như hiện nay, vì ngu muội và bị xúi giục mà nhiều người phớt lờ khoa học, chỉ tin vào những lời đồn thổi có cánh.