Nhiều người có thói quen loại bỏ phần hạt đu đủ khi ăn nhưng theo các nghiên cứu, hạt đu đủ có thể ăn được và chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ khi ăn hạt đu đủ mà bạn cần cân nhắc trước khi ăn.
Hạt đu đủ giàu dinh dưỡng
Hạt đu đủ chứa nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, loại hạt này cũng chứa nhiều polyphenol và flavonoid, 2 hợp chất thực vật hoạt động như những chất chống oxy hóa giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Theo đó, chất chống oxy hóa giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa tình trạng stress oxy hóa (sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể) và các bệnh mạn tính.
Hơn nữa, hạt đu đủ chứa một lượng lớn axit béo không bão hoà đơn, trong đó có axit oleic. Một nghiên cứu trên những người bệnh tiểu đường loại 2 cho thấy một chế độ ăn giàu axit béo không bão hoà đơn có thể làm giảm 19% mức triglyceride và giảm 22% nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao trong máu.
Ngoài ra, hạt đu đủ cũng cung cấp một lượng chất xơ dồi dào. Tăng cường tiêu thụ chất xơ có thể giúp làm giảm huyết áp và mức cholesterol xấu trong máu. Thêm vào đó, ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ như hạt đu đủ cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và béo phì.
Ngoài cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, hạt đu đủ cũng có một số lợi ích tiềm năng đối với sức khỏe.
Hạt đu đủ giàu chất chống oxy hoá. Ảnh minh hoạ
4 lợi ích sức khỏe của hạt đu đủ
1. Chống nhiễm trùng
Các nghiên cứu cho thấy hạt đu đủ có thể tiêu diệt một số loại nấm và ký sinh trùng.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy uống chiết xuất từ hạt đu đủ với mật ong có thể tiêu diệt 3 loại chủng nấm. Một nghiên cứu nhỏ khác đã chỉ ra rằng uống hợp chất làm từ hạt đu đủ khô và mật ong có hiệu quả tiêu diệt ký sinh trùng đường ruột cao hơn so với uống giả dược.
Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn để khẳng định rằng ăn hạt đu đủ có thể chống lại nấm và ký sinh trùng trên người.
2. Cải thiện chức năng thận
Thận đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Cơ quan này hoạt động như một chiếc máy lọc loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Theo đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn hạt đu đủ có thể cải thiện sức khỏe và chức năng của thận.
Ngoài ra, chất chống oxy hoá trong hạt đu đủ có thể ngăn ngừa quá trình oxy hóa các tế bào và bảo vệ sức khỏe của thận.
Tuy nhiên, các nghiên cứu về hạt đu đủ đối với chức năng thận chỉ dừng lại trên động vật, do đó vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu trên người hơn để xác nhận chính xác điều này.
3. Tăng cường hệ tiêu hoá
Cũng như các loại hạt khác, hạt đu đủ là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Trên thực tế, một đánh giá dựa trên 5 nghiên cứu cho thấy tăng cường ăn các thực phẩm giàu chất xơ như hạt đu đủ có thể giúp cải thiện các vấn đề thường gặp về hệ tiêu hoá chẳng hạn như táo bón.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ giúp ngăn ngừa viêm nhiễm liên quan đến đường ruột như giảm các triệu chứng của bệnh trĩ và viêm loét ở ruột.
Hạt đu đủ bổ dưỡng không kém gì phần thịt. Ảnh minh hoạ
4. Ngăn ngừa ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ có đặc tính chống ung thư nhờ chính các chất dinh dưỡng và đặc tính chống oxy hoá của nó.
Một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất hạt đu đủ có thể giúp giảm viêm nhiễm và bảo vệ chống lại sự phát triển của ung thư. Tương tự, một nghiên cứu trong ống nghiệm khác đã chỉ ra rằng hạt đu đủ có thể giảm sự phát triển của các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, những kết quả đầy hứa hẹn này chỉ là một phần của nghiên cứu và vẫn chưa đủ để kết luận hạt đu đủ có thể giảm sự phát triển ung thư trên người. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để làm rõ điều này.
Tác dụng phụ tiềm ẩn khi ăn hạt đu đủ quá nhiều
Mặc dù hạt đu đủ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng vẫn có một số lo ngại về tác dụng phụ của chúng nếu ăn quá nhiều.
Trong hạt đu đủ có chứa benzyl isothiocyanate, một hợp chất cũng được tìm thấy trong nhiều loại rau họ cải. Chất này có một số lợi ích nhất định nhưng khi dùng với số lượng lớn có thể sẽ gây hại cho sức khỏe.
Ví dụ, một nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy việc sử dụng benzyl isothiocyanate trực tiếp lên các tế bào riêng lẻ gây ra tổn thương cho ADN. Tuy nhiên, các tác giả lưu ý rằng sử dụng benzyl isothiocyanate cho chuột sống không có tác dụng tương tự.
Ngoài ra, nghiên cứu này sử dụng liều lượng benzyl isothiocyanate rất đậm đặc. Do đó, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác để hiểu hơn về tác động này của một khẩu phần ăn hạt đu đủ thông thường.
Một số nghiên cứu trên động vật khác chỉ ra rằng hạt đu đủ có thể làm giảm khả năng sinh sản. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy khi cho khỉ sử dụng liều lượng lớn chiết xuất hạt đu đủ sẽ gây ra tình trạng azoospermia (tình trạng thiếu tinh trùng trong tinh dịch).
Một nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất hạt đu đủ làm giảm cả số lượng và khả năng di chuyển của tinh trùng. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra những thay đổi này đã được đảo ngược trong vòng 45 ngày sau khi ngừng ăn hạt đu đủ.
Lưu ý rằng những nghiên cứu này sử dụng liều lượng hạt đu đủ cao hơn nhiều so với lượng tiêu thụ của hầu hết mọi người. Các nghiên cứu về tác dụng phụ của hạt đu đủ cần thực hiện nhiều hơn trên người để có thể đưa ra khẳng định chắc chắn.