Điều chỉnh 4 lần/năm, nhà đèn đòi tăng cỡ nào?
Cho rằng việc điều chỉnh như vậy, giá điện sẽ có nguy cơ chỉ điều chỉnh tăng, mà khó giảm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá: "Giá điện trước nay chỉ một chiều tăng mà không giảm, bất kể các yếu tố đầu vào có giảm thế nào”.
Một trong những mặt hàng thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc là xăng dầu, khi mức tăng có thể lên tới trên 2.000 đồng/lít, nhưng khi giảm thì chỉ 300 – 700 đồng/lít.
“Tôi cho rằng, câu hỏi đặt ra là liệu có lợi ích nhóm và trách nhiệm xã hội của ngành điện như thế nào?”, ông Phong đặt câu hỏi.
Ngành điện là ngành “nhạy cảm”, giá điện tăng có thể ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất và giá của nhiều sản phẩm. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện cần được cân nhắc kỹ.
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Trọng Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thạch Bàn cho biết, thời điểm hiện tại, giá của xăng dầu và các mặt hàng khác đang đi xuống, nền sản xuất thì đang đình trệ, vì vậy việc tăng giá điện sẽ càng làm cho gánh nặng khó khăn đè nặng lên vai doanh nghiệp hơn.
Theo ông Kiên, giá thành các nguyên liệu sản xuất gạch từ đầu năm đến nay đã tăng 10% giá thành sản phẩm, trong đó điện chiếm 5,3% giá thành, nên việc tăng giá điện cũng sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho sản xuất gạch.
Đặc biệt, do đầu ra của sản phẩm đang bế tắc, vì vậy, mặc dù chi phí tăng, nhưng doanh nghiệp cũng không thể tăng giá sản phẩm được.
“Kế hoạch kinh doanh năm nay của chúng tôi là chấp nhận lỗ và cố gắng hòa vốn ở một số nhà máy, để cầm cự chờ thị trường tốt lên”, ông Kiên cho biết.
Theo ông Phong, điều đáng nói là việc tăng giá điện đầu tháng 7 vừa qua rất bất hợp lý. Bởi lẽ, đây là thời điểm mà người dân và doanh nghiệp đều đang rất khó khăn, nhưng “nhà đèn” vẫn bất chấp để tăng giá điện.
“Không biết đến khi điện được phép điều chỉnh 4 lần/năm, thì "nhà đèn” sẽ đòi tăng giá đến mức nào”, ông Phong đặt câu hỏi.
Ám ảnh giá xăng, dân lo giá điện tăng phi mã
Trong khi đó, việc lý giải tăng giá của EVN cũng chưa hợp lý. TS. Nguyễn Minh Phong thẳng thắn: Việc giá điện tăng vào đầu tháng 7 là không có sơ sở vì giá nguyên liệu đầu vào đang giảm như: Giá xăng dầu giảm, nguồn nước cho thủy điện năm nay cũng chưa xảy ra tình trạng khan hiếm.
Lý do thứ 2 là để bù lỗ cho năm trước cũng không thuyết phục. “Năm ngoái do phải chạy bằng nhiều xăng dầu nên bị lỗ, giờ tăng lên để bù lại, nghe qua cũng có vẻ đúng nhưng không điều đáng nói là “nhà đèn” lại không đưa ra con số cụ thể”, ông Phong nói.
Với những lý do thế này, điều khiến nhiều người lo lắng là liệu rằng khi điều chỉnh giá điện theo quý, EVN sẽ lại mượn những cái “cớ” hết sức vô lý để đè gánh nặng giá điện lên người dân và các doanh nghiệp sản xuất.
Điều đáng nói, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thì giá điện dù chưa tăng vẫn có lãi.
Ông Ngãi cho biết, giá điện hiện nay đang được EVN đang mua trung bình chỉ có 700 đồng/kWh, trong khi, giá bán bình quân lên tới 1.400-1.500 đồng/kWh, tương ứng 7 cent. Trong đó, giá mua của thủy điện chỉ tầm 500-600 đồng/ kWh, nhiệt điện có đắt hơn một chút.
"Năm nay là thừa điện, ngành điện không phải đến mức chạy dầu. Cộng với phí truyền tải, các phần phụ trợ nữa, vốn chiếm tỷ trọng không quá 30% trong giá thành thì giá điện dù chưa tăng vẫn có lãi", ông Ngãi đánh giá.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu giá điện thực hiện theo thị trường, thì phải có tăng, có giảm một cách minh bạch. Hiện nay điện không thiếu, tăng giá là chưa ổn.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng bày tỏ, EVN thông báo tăng với lý do giá than tăng 10-11,5%, rồi đưa ra các mức giá của dầu, khí đốt và tỷ giá làm cơ sở. Nhưng rõ ràng, giá của khí đốt là trong thời gian gần đây là giảm xuống, giá dầu cũng đã mấy lần điều chỉnh giảm.
Ở câu chuyện này đang có một nghịch lý lớn, mỗi khi giá dầu mỏ tăng thì ngành điện cũng đòi tăng ngay, giờ giá dầu giảm thì vẫn đòi tăng tiếp là bất hợp lý. Mấy năm trước, vì tỷ giá tăng nên ngành điện kêu lỗ, nhưng năm nay, tỷ giá ổn định, còn điện chạy bằng than tỷ trọng không lớn.
"Tất cả những điều đó cho thấy đề xuất của ngành điện còn nhiều bất cập", bà Lan nói.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, ngành điện kêu lỗ nhưng phải làm rõ lỗ do đâu và mặc dù lỗ nhưng lương của cán bộ, nhân viên vẫn rất cao.
“Nhà đèn” kêu lỗ nặng, nợ đầm đìa, kêu gọi người dân chia sẻ gánh nặng với ngành điện, nhưng thực tế lỗ là do chi phí tăng, hay do đầu tư ngoài ngành, làm ăn không hiệu quả? Và nếu cứ đòi tăng giá để bù lỗ thì không biết đến bao giờ ngành điện mới có lãi để hạ giá? Câu chuyện giá xăng tăng ào ào, giảm nhỏ giọt đã khiến không ít người dân bị ám ảnh, nghi ngại”, ông Doanh nói.