Mới đây, tôi có đọc được điều lệ mới tại một cuộc thi Hoa hậu là không cho phép các thí sinh "sống thử" được đăng ký dự thi. Như vậy, tổng kết lại các cuộc thi “ngàn năm hương sắc”: Thí sinh đã lập gia đình: Phạm quy. Thí sinh chưa đăng ký mà đã làm đám cưới: Phạm quy. Thí sinh “sống thử”: Phạm quy.
Ngoài ra, đang có một luồng ý kiến cho rằng, thí sinh dự thi Hoa hậu phải còn trinh tiết. Đây là cam kết bắt buộc nhằm bảo đảm hình ảnh của tân nữ hoàng phải hoàn hảo trong mắt khán giả. Nếu đó đúng là suy nghĩ của những người đứng đầu, tôi xin đề xuất một vài phương án để đảm bảo các bông hoa đẹp một cách đầy nguyên vẹn.
1. Ngoài đo đạc chỉ số cơ thể phải có thêm khâu kiểm tra trinh tiết
Ai cũng biết, yếu tố tiên quyết để giúp một cô gái đăng quang chính là số đo ba vòng và tỷ lệ khuôn mặt có hợp nhãn với các nhà nhân trắc học không. Tuy nhiên, giờ đây để đảm bảo chân xác quy chế cuộc thi, ban tổ chức nên tiến hành thêm khâu kiểm tra trinh tiết.
Với tinh thần luôn tôn sùng và trân trọng cái đẹp (đặc biệt là cái đẹp vẹn nguyên), tôi tin các vị bác sĩ tại Việt Nam sẽ không tiếc chút thời gian, công sức tham gia công cuộc kiểm tra này cùng ban tổ chức. Ngoài ra, chúng ta cũng nên thử nghiên cứu và tìm cách phát minh ra máy kiểm tra trinh tiết. Thiết bị này có thể phát sáng thành hai màu xanh và đỏ. Nếu đứng trước cô gái còn trinh, nó sẽ bật đèn xanh (ngụ ý cho đi tiếp). Còn nếu gặp phải thí sinh đã qua "quan hệ", thiết bị tự động bật đèn đỏ (ngụ ý dừng lại và khẩn trương quay về nhà).
Công đoạn này đảm bảo cho nữ hoàng sắc đẹp tương lai không bị dính những tin đồn thị phi như là “gà nhà”, “mồi ngon” của đại gia nọ, thiếu gia kia.
2. Trong hồ sơ dự thi hoa hậu phải kèm theo giấy chứng nhận còn trinh
Theo đó, bất cứ thí sinh nào đến đăng ký tham dự, ngoài hồ sơ thông thường như bằng tốt nghiệp cấp 3, giấy khai sinh... phải xuất trình thêm giấy chứng nhận còn trinh. Tờ giấy này sẽ đóng vai trò “giấy thông hành” cho toàn bộ các cô gái suốt cuộc thi. Mất nó là xem như công sức giữ gìn nhằm chờ tới ngày thi hoa hậu cũng đổ sông đổ biển. Do đó, yêu cầu các cô gái phải gìn giữ giấy chứng nhận như chính phẩm hạnh và nhan sắc của bản thân. Cũng như giấy chứng nhận sức khỏe, "hạn sử dụng" của tờ giấy này chỉ kéo dài trong 6 tháng.
Việc bổ sung tờ giấy này vào hồ sơ dự tuyển sẽ giúp công đoạn chọn lọc hồ sơ, lựa chọn ứng viên thêm chuyên nghiệp, nhanh chóng. Ban tổ chức cũng không cần lo ngại sự ăn nên làm ra của các cơ sở sản xuất giấy tờ giả. Bởi dù sao vẫn còn một khâu kiểm tra trực tiếp và chúng ta càng có cơ hội được phạt các thí sinh gian dối (nếu có).
Nghiên cứu lại phương pháp đánh dấu thủ cung sa: “Thủ cung sa” là một biện pháp mà người cổ đại ngày xưa thường sử dụng để kiểm tra trinh tiết của phụ nữ. Mặc dù vẫn có nhiều người xem nó là trí tưởng tượng chỉ có trong truyền thuyết nhưng các điển tích lịch sử đã chứng minh phương pháp này vẫn được áp dụng triệt để.
Nếu ban tổ chức cuộc thi sắc đẹp đã quyết chí phải lựa chọn ra một nữ hoàng sắc đẹp còn trinh thì nên cân nhắc “khai quật” lại thủ pháp này. Chúng ta có thể thay đổi, nâng cao, cải tiến biện pháp này để nó có tính khoa học cao hơn.
Các thiếu nữ nào đã ôm mộng thành hoa hậu từ nhỏ cũng phải sớm chấm thủ cung sa lên tay để chứng minh mình còn trinh tiết. Trong trường hợp không thể bắt buộc tất cả các cô gái phải có thủ cung sa thì thí sinh nào chịu “hy sinh thân mình” thử nghiệm công thức này cần được đặc cách tuyển thẳng vào vòng chung kết.
Ngoài những đề xuất trên, ban tổ chức cần mở rộng các điều lệ như: Yêu cầu các nữ hoàng sắc đẹp vẫn phải giữ trinh trong suốt một năm tại vị (tránh cho tiếng xấu chân dài – đại gia); Phạt nặng các thí sinh “dám” vá trinh lừa dối ban tổ chức (thậm chí phạt nặng hơn cả việc gian dối về học vấn, bằng cấp)…
Trên đây là một vài đề xuất của tôi nhằm bổ sung, mở rộng thêm cho điều luật mới “Cấm thí sinh sống thử” tại các cuộc thi hoa hậu. Hy vọng, những người đứng ra tổ chức và các nhà tài trợ có thể sớm tìm ra những “thánh nữ trong sạch” để đeo vương miện và tôn vinh.