Lao động khốn đốn vì bị trục xuất

54 người lao động tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) lâm vào cảnh nợ nần, khốn đốn vì bị trục xuất về nước, sau khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.

Là huyện miền núi thuộc dạng nghèo nhất Quảng Nam, từ năm 2009 huyện Nam Trà My chọn phương án xuất khẩu lao động (XKLĐ) để cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Theo Phòng LĐ – TB&XH huyện này, hơn 400 lao động, phần lớn là người dân tộc thiểu số đã XKLĐ sang các nước, chủ yếu là Malaysia. Đến nay, 54 người bị trục xuất về nước. Trong đó, xã Trà Cang có 11 người, Trà Tập 9 người, Trà Vân 8 người...

Anh Khối làm thuê đủ việc để kiếm tiền trả nợ.  (Ảnh: Nguyễn Thành)

Ở làng Tu Gia (thôn 2, xã Trà Tập), gia đình ông Trần Đình Noa có 2 hai người con là Trần Thị Diêm (SN 1989) và Trần Đình Khối (SN 1991) bị trục xuất về nước với số nợ ngân hàng 48 triệu đồng. Chị Diêm và anh Khối đi xuất khẩu lao động theo chương trình XKLĐ giải quyết việc làm theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Theo cam kết ban đầu của Cty Châu Hưng (đơn vị tuyển chọn đưa thanh niên đi xuất khẩu), mỗi tháng mức lương đạt từ 6- 7 triệu VND/người.

Tuy nhiên, đến ngày19/10/2010, khi làm việc được 7 tháng, anh Khối bị trục xuất về nước, trong khi hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm với lý do hộ chiếu hết thời hạn.

“Trong hợp đồng ghi rõ mức lương mỗi người được nhận là 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng khi qua đó, chúng tôi lại chỉ nhận được khoảng 3 triệu mà thôi. Nhưng giờ thì hết rồi, mất cả. Số tiền nợ ngân hàng không biết đến khi nào trả được”, anh Khối nói.

Chị Diêm được công ty Liên Việt đưa sang làm việc tại Malaysia vào ngày 1/6/2011. Tuy nhiên, đúng 2 tháng sau, ngày 31/7/2011, chị bị trục xuất với lý do không đảm bảo được sức khỏe.

Chị Diêm nói: “Ở bên Mã Lai, tôi làm việc trong công ty sản xuất điện tử. Mới nhận lương được 1 tháng thì họ bảo về nước. Tôi hỏi lý do thì họ cho biết là do không đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc, nhưng họ không nói là đau bệnh gì. Tôi cảm thấy rất khỏe, vẫn có thể làm việc tốt, trước khi đi, họ đã kiểm tra sức khỏe rất kỹ rồi”.

Hầu hết 54 trường hợp lao động bị trục xuất về nước đều lâm vào cảnh khó khăn, vì vay ngân hàng. Ông Nguyễn Xuân Ba, quyền Trưởng phòng LĐTB & XH Nam Trà My nói: “Theo các công ty, những đối tượng này bị trục xuất về nước với nhiều lý do khác nhau: không đảm bảo sức khỏe, nhà máy ở nước bạn bị giải thể, phá sản, không đảm bảo được tác phong công nghiệp như vi phạm giờ giấc, tay nghề chưa đạt… Huyện cũng chỉ có thể nắm thông tin theo báo cáo và phản ánh của người dân”.

Chờ hỗ trợ

Việc XKLĐ của huyện Nam Trà My do 2 công ty đầu mối là Châu Hưng và Liên Việt đảm nhận. Trong số lao động bị trục xuất, có 35 trường hợp thuộc công ty Liên Việt và 19 trường hợp của công ty Châu Hưng.

Tại buổi làm việc với huyện, công ty Liên Việt cam kết sẽ hoàn trả và hỗ trợ 100% phí môi giới và 100% phí quản lý (đối với lao động mới sang làm việc không quá 3 tháng) đối với trường hợp bị trục xuất về nước vì lý do sức khỏe.

Đối với số lao động về nước do vi phạm kỷ luật lao động, trong năm 2012 được ưu tiên học nghề, học ngoại ngữ và công ty sẽ chịu 100% chi phí bao gồm: đào tạo, học tiếng, mua vé máy bay, chi phí làm visa…

Nhưng 19 trường hợp của công ty Châu Hưng vẫn phải chờ đợi. “Sau khi tiếp nhận các hồ sơ lao động bị trục xuất, chúng tôi đã liên hệ với phía công ty để làm rõ nguyên nhân và tìm cách để giải quyết, nhưng họ chưa hề đến làm việc. Mọi liên hệ chỉ bằng điện thoại.

Thậm chí, chúng tôi đã cử người ra Hà Nội (trụ sở chính của công ty) để xin gặp mặt trao đổi nhưng cũng bị từ chối. Người lao động vẫn đang trông chờ, nhưng họ lại không chịu gặp mặt để đối chất nên đến giờ vẫn chưa có cách giải quyết”, ông Ba nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch UBND xã Trà Cang, cho biết :“Chúng tôi đã tổng hợp các hồ sơ các trường hợp bị trục xuất về nước và đã gửi ra Cục Lao động xuất khẩu nước ngoài từ tháng 9/2011, nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi đáp”.