Lãnh đạo nào 'giúp sức' Huyền Như?

Ngày xét xử ngày thứ 5, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng.

Kêu oan

Tại phiên tòa, bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên, nguyên Phó trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng kêu oan, cho rằng mình không phạm tội mà bị Huyền Như lừa. Bị cáo Tiên khẳng định, bản cung tại cơ quan điều tra là do điều tra viên tự làm rồi bắt kí. “Khi đọc bản cung, bị cáo thấy có những điểm không đúng sự thật nên yêu cầu làm lại. Lúc này tinh thần bị cáo hoảng loạn do cha mới mất nên kí vào”, bị cáo Tiên trình bày. HĐXX “vặn” lại: “Tinh thần bị cáo hoảng loạn sao yêu cầu điều tra viên làm lại bản cung, đọc xong rồi mới kí vào?”. Bị cáo Tiên vẫn cho rằng tinh thần mình hoảng loạn nên mới kí.

HĐXX đã sử dụng hồ sơ gốc để đối chứng với lời khai của bị cáo Tiên tại tòa. Theo hồ sơ, ông Tiên là người đã kí phê duyệt hồ sơ tín dụng và kí giải ngân đối với 6 khoản vay, tổng số tiền 33 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là 5 thẻ tiết kiệm có tổng trị giá 34,3 tỷ đồng mang tên 3 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB và Ngân hàng Navibank. Tại phiên tòa, bị cáo Tiên khẳng định khi ký duyệt 6 khoản vay trên, kiểm tra hồ sơ đều có đầy đủ chữ ký; không làm trái quy trình nghiệp vụ trong việc cho vay các khoản tiền này. “Việc Huyền Như ký giả chữ kí của người vay, người bảo lãnh bị cáo không biết”, bị cáo Tiên nói.

Tòa hỏi các bị cáo khác, cũng là cán bộ - nhân viên Vietinbank để đối chất, các bị cáo này cho rằng Tiên kí giải ngân thì có hồ sơ không có chữ kí của khách hàng, 6 hồ sơ vay đều không có chữ kí của người bảo lãnh. Cuối cùng đưa hồ sơ cho Huyền Như kí để hoàn tất hồ sơ vay.

Bị cáo Huyền Như thừa nhận tại phiên tòa, đã gian dối với các đồng nghiệp để cầm cố thẻ tiết kiệm của các nhân viên ACB và Navibank tại phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng, không đảm bảo quy định của ngân hàng này. “Các đồng nghiệp tin tưởng bị cáo nên mới bị dẫn đến hoàn cảnh này”, bị cáo Huyền Như nói.

Ngoài ra, bị cáo Bùi Ngọc Quyên, nguyên Phó phòng giao dịch Điện Biên Phủ, kêu oan cho rằng bản án sơ thẩm không đúng. Bị cáo chỉ làm sai quy chế của Vietinbank, không  biết rõ mình vi phạm pháp luật. Các bị cáo khác đều xin giảm nhẹ hình phạt.

Lãnh đạo nào “giúp sức” Huyền Như?

Theo bản án sơ thẩm, từ ngày 13/5/2011 đến tháng 10/2011, khi được Huyền Như đặt vấn đề giải quyết cho khách hàng của Như vay tiền bằng hình thức thế chấp thẻ tiết kiệm gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TPHCM, nhưng khách hàng không có mặt do bận, bị cáo Đoàn Lê Du (nguyên Trưởng phòng giao dịch Đinh Tiên Hoàng) đã chỉ đạo nhân viên lập 51 hồ sơ tín dụng cho vay đứng tên 16 cá nhân vay tổng cộng 239,94 tỷ đồng.

Việc này được thế chấp bằng 37 thẻ tiết kiệm trị giá 246,85 tỷ đồng mang tên 12 cá nhân là nhân viên Ngân hàng ACB; Nam Việt có tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh TPHCM. Trong đó chỉ có 6 cá nhân được Như nhờ đứng tên vay trên 13 khoản vay 70,44 tỷ đồng là có mặt tại phòng giao dịch để ký trong hồ sơ tín dụng, còn lại đều không có mặt người vay, người bảo lãnh.

Trình bày trước HĐXX, bị cáo Đoàn Lê Du cho rằng không biết hành vi gian dối của Huyền Như nên nghĩ đó là giao dịch bình thường. Bị cáo Du cho rằng vì lòng tin với Huyền Như nên khi Như đưa hồ sơ thì biết đây là khách hàng của Như, và Như đã tiếp xúc rồi.

Theo hồ sơ, ngày 17/9/2011, Trần Thanh Thanh (nguyên Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ) được Huyền Như đề nghị giải quyết cho Phạm Công Hoàng là khách hàng của Như vay 25 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là 5 thẻ tiết kiệm trị giá 26 tỷ đồng mang tên chính Phạm Công Hoàng gửi tiền tại Vietinbank chi nhánh TPHCM.

Trần Thanh Thanh đã chỉ đạo thực hiện việc lập 6 hồ sơ tín dụng cho vay, giải ngân theo yêu cầu, để Huyền Như chiếm đoạt tổng cộng 25 tỷ đồng. Tại phiên tòa, bị cáo Thanh cho rằng việc này là do Huyền Như nhờ vì mình mới chuyển công tác về, lúc đó còn chưa kịp nhận nhiệm vụ tại phòng giao dịch Điện Biên Phủ.

Trước HĐXX, bị cáo Huyền Như khai rằng vì cần tất toán số tiền trên nên đã gọi điện cho lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TPHCM, đề nghị cho Thanh tất toán số tiền trong hồ sơ vay này. Bị cáo Thanh cũng thừa nhận trước HĐXX là có nhận điện thoại chỉ đạo từ lãnh đạo Vietinbank chỉ đạo làm hồ sơ tất toán cho khách hàng của Huyền Như. Khi được hỏi lãnh đạo nào gọi điện chỉ đạo thì bị cáo Thanh im lặng không trả lời.