Từ chối quyền nuôi con khi ngoại tình
Trong căn nhà khang trang, người đàn ông ngồi lặng im buồn bã. Vì thất bại trong hôn nhân mà anh Lê Hoàng Quân (31 tuổi), từ một chàng trai hiền lành, giờ bén mùi rượu.
Ngay từ nhỏ bố mẹ đã ly hôn, bố Quân lấy vợ mới, sống ở vùng đồi núi Bàu Bàng. Năm 16 tuổi, Quân được bố đưa về sống cùng để phụ làm nương rẫy. Đến tuổi lập gia đình, chàng trai “cảm nắng” với Vân, cô gái xinh đẹp gần nhà.
Sau ngày tổ chức đám cưới, vợ chồng trẻ được bố Quân cho một căn nhà dựng tạm dưới mé vườn cao su. Hàng ngày vợ chồng lên rẫy trông nom, lấy mủ cao su. Năm 2011, “công chúa” nhỏ ra đời. Từ ngày có con, Quân càng yêu chiều vợ nhiều hơn. Mọi việc trong gia đình anh đều thay vợ làm cả. Sáng sáng anh dậy từ rất sớm nấu nướng, giặt tã cho con rồi mới đi làm, chiều muộn lật đật về nhà để được âu yếm vợ con. “Với tôi, vợ con từng là tất cả”, anh nói.
Khi con gái được 2 tuổi, Bích Vân đi làm lại. Thấy vợ làm công việc lấy mủ cao su độc hại, Quân thuê một mặt bằng cho vợ bán hàng. Ai ngờ tan vỡ bắt đầu từ đây. Sau một thời gian ngắn không làm việc cùng, anh thấy vợ có nhiều biểu hiện bất thường: Cài mật khẩu điện thoại, thường lén lút nói chuyện, nhắn tin. Người chồng nảy sinh nghi ngờ, nhiều lần tra hỏi, Vân đều cho rằng: “bạn bè thôi mà”. Nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, Quân đau đớn đọc được những tin nhắn Vân nhắn cho người tình.
Từ ngày phát hiện bị vợ “cắm sừng”, tính Quân thay đổi hẳn: ít nói, suốt ngày uống rượu say khướt mới về nhà. Người vợ ngoại tình đã không biết lỗi, còn cằn nhằn, la mắng chồng. Một ngày mưa tầm tã, Vân đưa cho Quân tờ giấy ly hôn đã ký sẵn. Khi ấy con gái chưa đầy 3 tuổi.
Ngày 25/5/2014, TAND huyện Bàu Bàng ra phán quyết cho hai người ly hôn. Vân làm đơn yêu cầu giao quyền nuôi dưỡng con cho chồng, mình được quyền thường xuyên đến thăm con. Toà và người chồng chấp thuận yêu cầu này.
Vừa làm trên rẫy vừa chăm con, cuộc sống anh Quân tất bật suốt ngày. Những khi vào vụ mùa, vì chuyển nơi ở liên tục, anh phải gửi con cho nhà nội chăm sóc. Vân thì xuống một khu công nghiệp tại Bình Dương làm công nhân, sống chung với người tình. Thỉnh thoảng Vân cùng người tình công khai về thăm con.
Mẹ bắt cóc con đẻ
Đầu tháng 11/2014, bác của cháu bé từ Mỹ về quê chơi sau hơn 5 năm xa gia đình. Thương hoàn cảnh em trai, chị này mang bé Ni về nhà ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (TP.HCM) chăm sóc. Trong thời gian này, Bích Vân thường xuyên xuống nhà thăm con. Không thích người em dâu cũ từ trước, người phụ nữ phản đối: “Giờ em đừng xuống đây thường xuyên như vậy nữa. Tháng sau chị về Mỹ thì tha hồ mà thăm con”. Nghe nói vậy, Vân bất mãn, cự cãi lại, cho rằng nhà chồng không cho thăm con. Ngày hôm sau, Vân lại tiếp tục đến nhà chị dâu thì nghe được tin chồng cũ và gia đình đã quyết định, sắp tới sẽ làm thủ tục đưa bé Ni xuất cảnh sang Mỹ sống.
Cho rằng gia đình chồng cố tình chia cắt tình mẹ con, Vân trở về phòng trọ khóc lóc, than thở với người tình tên Hiếu (22 tuổi). Sau một hồi suy nghĩ, Hiếu bàn tính với Bích Vân lập kế hoạch bắt cóc bé Ni về nuôi. Để chắc chắn, Bích Vân rủ thêm em trai là Huỳnh Văn Hiền (19 tuổi) và 3 người bạn thân là Nguyễn Thị Thanh Trà (21 tuổi), Lê Trọng Đức, Ngô Hảo Quý (20 tuổi) hỗ trợ “hợp đồng tác chiến”.
Nhóm 6 người do Bích Vân cầm đầu đi trên 3 xe máy từ Bình Dương lên TP.HCM. Đến 3h30 ngày 16/11, tất cả “phục kích” quanh ngôi nhà cháu bé đang sống để chờ thời cơ. Đến 7h, thấy bác gái dắt bé Ni ra quán tạp hoá trước nhà mua hàng, chúng triển khai “kịch bản”. Bích Vân và người tình trực tiếp ra tay, những người khác có nhiệm vụ đứng từ phía xa quan sát, hỗ trợ nếu có người can thiệp.
“Khi tôi đang đứng đợi mua sữa cho cháu Ni thì có chuông điện thoại. Bốc máy lên nghe thì có một nam thanh niên với ánh mắt hung hãn chạy lại túm lấy tóc và bạt tai tôi 1 cái. Từ phía sau, Bích Vân chạy nhanh ra bế bé Ni lên xe để cùng người tình bỏ trốn. Quá bất ngờ, tôi ú ớ la: “Có người bắt cóc con tôi bà con ơi”. Hiếu quay lại bảo: “Đây không phải là con của bà” rồi định đánh tôi tiếp. Cũng may chị bán hàng tạp hoá báo công an nên Hiếu thôi đánh. Hắn liên tiếp buông lời chửi tục rồi phóng xe chở Vân và bé Ni đi”, bác cháu bé thuật lại.
Sự việc được trình báo lên công an quận Thủ Đức. Ngày 19/11, công an bắt được Bích Vân cùng đồng bọn tại Bình Dương. Các đối tượng khai, bé Ni sau khi bị bắt cóc, được đưa về xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang nhờ bà ngoại nuôi.
Huỳnh Thị Bích Vân tại cơ quan công an.
Ngay trong ngày, một tổ trinh sát đã lên đường về Hậu Giang đưa bé Ni về TP.HCM giao lại cho bố tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng theo quyết định của toà án.
Lẽ ra Bích Vân nên làm gì?
Tại cơ quan công an, Vân khai: “Chỉ vì tôi nhớ, thương con không muốn gia đình chồng đưa con ra nước ngoài nên mới phải làm như vậy. Tôi không biết hành động của mình là vi phạm pháp luật”.
“Gia đình tôi chưa bao giờ ngăn cấm Bích Vân đến thăm con. Chia tay rồi nhưng tôi biết Quân vẫn yêu vợ cũ nhiều lắm. Lâu lâu không thấy Vân lên thăm con, Quân đều gọi điện bảo “con nhớ em lắm, em lên thăm con đi”. Nhiều lần thăm con nhưng nó chẳng bao giờ mua cho bé Ni hộp sữa. Khi nào bé đi chơi với mẹ cả ngày thì bố nó phải chuẩn bị sữa, đồ ăn sẵn cho con mang theo. Mẹ có nói yêu con, mà sao yêu kiểu gì kỳ cục vậy?”, người thân bên nội cháu bé cho hay.
Ngày mẹ bị bắt, bé Ni khóc oà: “Mẹ làm việc xấu bị công an bắt đi rồi. Giờ con muốn gặp mẹ. Con nhớ mẹ lắm”. Vợ cũ bị bắt, Quân lẳng lặng bế con về nhờ cha mẹ nuôi dưỡng, ngày ngày anh lầm lũi lên rẫy làm việc.
Ngày 27/11, Công an quận Thủ Đức đã khởi tố vụ án, tạm giam Huỳnh Thị Bích Vân cùng các đối tượng khác để điều tra hành vi “bắt người trái pháp luật”.
Trong trường hợp cho rằng quyền thăm nuôi con của mình bị cản trở, Bích Vân để bảo vệ quyền lợi của mình, có thể khởi kiện chồng cũ và bác của con gái mình ra Toà. Điều 93 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định: “Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên”.
Trong trường hợp chứng minh được Vân có thể chăm sóc và nuôi dưỡng con tốt hơn chồng cũ, Vân hoàn toàn có thể được Toà án ra phán quyết được nuôi con. Cách xử sự của Vân chứng tỏ sự thiếu hiểu biết pháp luật nghiêm trọng.
“Trong vụ án này, theo quan điểm của tôi, công an khởi tố là chính xác, vì các đối tượng gây án có tổ chức, có sự bàn bạc chặt chẽ từ trước, thể hiện thái đội coi thường pháp luật, phải xử lý nghiêm để làm bài học cho người khác. Đây cũng là một trong những vụ án đầu tiên trong lịch sử tố tụng Việt Nam mà người mẹ bị khởi tố về tội bắt con, chống lại phán quyết của toà án trong lĩnh vực hôn nhân”, luật sư này nói.