Thương con vì mẹ cũng mồ côi
Hơn 20 năm trước, cô gái trẻ Phạm Túy Hiền đến xin việc làm tại Làng thiếu niên Thủ Đức. Mồ côi từ thuở lên 5, Hiền cùng 2 người anh em được Làng trẻ em SOS (quận Gò Vấp, TPHCM) cưu mang. Đến lượt mình, Hiền tình nguyện trở thành mẹ của những mái đầu trẻ thơ không nơi nương tựa.
“Mẹ” Hiền năm nay 48 tuổi rồi, đôi tay mẹ đã nuôi nấng hơn 20 đứa con ở ngôi nhà số 9, mang tên “Cẩm chướng”. Các con khôn lớn, rời khỏi Làng đi lập nghiệp rồi kết hôn… cho nên mẹ Hiền cũng đã lên chức bà nội, bà ngoại.
Công việc của mẹ Phạm Túy Hiền cũng như bao bà mẹ ở ngoài, chỉ khác là đông con hơn nhưng không có bờ vai người đàn ông cùng gánh vác
Một ngày của mẹ bắt đầu từ 5h, nấu bữa sáng cho các con, đưa chúng đến trường. 10h lo cơm trưa, rồi giặt giũ… Quá 23h mẹ mới được nghỉ ngơi, sau khi các con đã học bài xong.
“Hồi tôi mới về, có nhận nuôi một đứa bé 2 tháng tuổi bị bỏ ở cổng Làng. Bấy giờ chưa có Tổ sơ sinh, tôi thì không có con nên chẳng biết chăm trẻ nhỏ. Thế là phải đi hỏi người này người kia, rồi đọc thêm sách báo… Mà đứa bé ấy cứ hay ói, cho ăn vất vả lắm. Dạo ấy tôi sút mất vài ký. Giờ cháu đã 13 tuổi rồi đấy” - mẹ Hiền nở nụ cười tự hào.
Mẹ Hiền cũng không thể quên 4 đứa con quê ở Kiên Giang, cha chúng giết mẹ nên công an đưa cả 4 đứa về Làng. Tấn bi kịch để lại vết thương nặng nề trong tâm hồn non nớt khiến cả 4 đứa tâm trí phát triển chậm hơn bình thường. Mẹ Hiền kèm cặp chúng vất vả vô cùng: mẹ đọc từng chữ, con học từng chữ. Giờ chúng đã có gia đình riêng, chuyện xưa không ai nhắc lại nhưng mẹ biết vết thương ấy vẫn lẩn khuất đâu đó trong lòng các con của mẹ.
Tuổi xuân, sức khỏe, hạnh phúc của mẹ đánh đổi lấy nụ cười của các con
Hàng trăm đứa con lớn lên qua bàn tay các mẹ, con nào cũng đáng thương: đứa này bị bỏ rơi ở bệnh viện, ở cổng Làng, đứa kia cha mẹ vừa qua đời vì bệnh AIDS, đứa nọ không có cha, mẹ mới bị bắt vì buôn bán ma túy… Cảm thương hoàn cảnh của các con nên mẹ dành tất cả tình yêu thương để bù đắp, chỉ mong sao các con luôn vui khỏe.
Đưa con đến trường là trong tay các mẹ phải có đầy đủ số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, giám thị, bảo vệ… của ngôi trường ấy. Chỉ cần ở trường báo tin các con vắng mặt không rõ lý do là các mẹ nháo nhào đi tìm. Mẹ sợ lắm cái gọi là "game online", sợ các con sa ngã vào những tệ nạn xã hội rồi lại hỏng cả đời.
Chị Mùi, chị Điệp lớn lên từ Làng thiếu niên Thủ Đức, nay trở thành cô bảo mẫu ở Tổ sơ sinh
Gian nan tìm người kế tục
Chị Võ Thị Tươi, Trưởng phòng Quản lý nuôi dưỡng giáo dục, cho biết: hiện tại Làng thiếu niên Thủ Đức có 14 mẹ ở các gia đình và 4 dì (người thay thế khi các mẹ nghỉ phép), 26 cô ở Tổ sơ sinh. Lương được tính theo ngạch bậc của giáo viên mầm non: 3-4 triệu đồng, thêm 220.000 đồng trợ cấp độc hại mỗi tháng. Công việc vất vả nên hàng tháng họ có 6 ngày phép để về thăm nhà hay đi khám, chữa bệnh.
Khi vào đây, các chị phải cam kết 10 năm độc thân, cũng có một vài chị đã lập gia đình nhưng hôn nhân không được vẹn toàn. Có thể nói, đã theo công việc này là các chị xác định “ở vậy nuôi con”. Hiện tại, đa số các mẹ trong Làng trên dưới 50 tuổi, ngấp nghé về hưu nhưng việc tìm lớp người kế tục là một bài toán nan giải. Cũng có những em gái lớn lên, ra ngoài xã hội rồi quay về làm việc tại Làng nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Các cô bảo mẫu ở Tổ sơ sinh luôn tay luôn chân từ sáng tới khuya
Bản thân chị Võ Thị Tươi cũng từng 10 năm làm mẹ ở gia đình, 5 năm ở Tổ sơ sinh và 5 năm gần đây làm cán bộ quản lý. Sau 20 năm gắn bó với Làng, chị rất trăn trở về lớp người kế tục: “Công việc này đòi hỏi các chúng tôi phải theo đuổi bằng cả trái tim, hi sinh hạnh phúc riêng và tuổi thanh xuân… Cho dù lương hay trợ cấp có tăng lên thì cũng rất ít cô gái trẻ chịu theo nghề này”.