“Lò” – con buôn giang hồ, có từ đâu?
Vào những năm 30 thế kỷ trước, hoạt động phạm pháp của các băng nhóm Kèo Xanh – Kèo Vàng – Kèo Đỏ, cần các con buôn cùng bang hội để tiêu thu của nả trộm cướp, tống tiền thành thứ có thể tiêu xài ngay trước mũi chính quyền thuộc địa. Hoạt động mở rộng dần đến việc tiêu thụ hàng hóa trộm cướp của các băng đảng người Việt như băng Cánh Buồm Nâu, Đơn Hùng Tín, Càng Cua Vàng,…
Thời Ngô Đình Diệm, đặc quyền mua bán đồ gian vẫn thuộc về Hoa Kiều Chợ Lớn, thông qua mối quan hệ với Tín Mã Nàm, một đại ca ngang thời với Đại Cathay. Đến khi Mỹ qua, việc mua bán đồ gian phát triển mạnh, chẳng còn ranh giới phân biệt giữa gian và chính, cứ có lãi là mua là bán!
Sau ngày giải phóng, hoạt động mua bán đồ gian chia làm nhiều khu với nhiều đầu nậu riêng biệt và bắt đầu xuất hiện cụm từ “lò quận 1, lò quận tư, lò Tân Bình, lò quận 5…”
Thuở ấy, đồng hồ là một thứ có giá trị cao, hệt như điện thoại di động bây giờ. Có hẳn một khu chợ mua bán đồng hồ gian ở ngay bến xe Hàm Nghi với những cái tên như Mạnh “dơi”, Dũng “trắng”. Việc mua bán diễn ra cấp kỳ và không hề phải cò kè giá cả khi kẻ bán là một giang hồ nhẵn mặt.
Cái đồ điện tử như tivi, đầu máy JVC, máy chụp ảnh… cứ ra chợ trời Huỳnh Thúc Kháng sẽ bán được ngay mà chẳng ai buồn hỏi vì sao có và ở đâu ra. Lúc ấy trùm mua bán đồ gian là thầy trò Lâm Chín Ngón, Mười Đen. Ngay cả Hồ Việt Sử, vua ô tô lậu ở miền Nam cũng khởi nghiệp từ đây. Sử cho biết “Thoạt đầu, tôi buôn bán đầu máy JVC ở An Giang mang lên, mỗi chuyến lãi được vài ba chỉ vàng. Rồi có người hỏi tôi mua xe ô tô và cho luôn giá mua cụ thể. Cú đầu tiên tôi lời gần 4 cây vàng. Thế là tôi chuyển nghề”!
Nhưng đa phần hiện nay, các loại chủ “lò” đều xuất thân từ cánh “hàng xáo” tức bọn cho vay, mua bán cầm cố trong những sòng bạc đại bàng. Từ công việc hàng ngày quen thuộc, bọn chúng chuyển qua mua thêm hàng gian bên ngoài và nhận ra lợi nhuận khủng khi mua bán loại hàng trộm cướp.
Gia đình Luông Điếc – Hà Trề và cặp con “quý” của Trang Chùa, Dũng Liều, trở thành giàu sụ nhờ sòng bạc hoạt động suốt ngày đêm ở hẻm 82 và mua bán đồ gian cho hầu hết giang hồ Bình Thạnh. Tất nhiên những miếng “chẳng bõ dính kẽ răng” thì gia tộc này ưu ái quay đi các “lò” nhỏ hơn “làm việc”.
Kiếm tiền kiểu …“luộc”
Hỏi giá chiếc Dream Tàu thường chỉ khoảng 3 – 5 triệu, nhưng Hiền tay thợ quen cho biết giá 10 triệu, tôi không khỏi tròn xoe mắt ngạc nhiên. Hiền bắt đầu giải thích tỉ mỉ. Hóa ra, chỉ trừ khung sườn và lốc máy có liên quan đến thẻ đăng bộ xe, còn tất tần tật được thay bằng “hàng Nhật chính hãng”. Cũng vậy, chiếc Dylan Hàn Quốc có giá 35 triệu trong khi giá trị thực chỉ có khoảng 20 triệu đồng. Nhưng khi chạy, bảo đảm không thua gì xe Nhật có giá cả trăm triệu đồng.
Đào đâu ra các loại phụ tùng xịn? Câu trả lời đến từ các “lò” “luộc” và “mổ” Cầu Sắt Đa Kao, Bình Thạnh.
Ngọc, vợ bé của một đại gia ngành cao su, một hôm cho em trai mượn chiếc SH150i đi… tán gái. Khi nhận lại xe, cô hết sức ngạc nhiên khi có cảm giác xe không còn “ngon” như trước nữa. Mang xe đến thợ, Ngọc nhận được câu trả lời: “Xe chị đồ dởm nhiều quá!”.
Thì ra, thằng em trai mang đến “lò” ngay sau khi mượn xe. “Lò” phán: “Luộc còn nguyên con hay luộc 10 phút?”. Luộc 10 phút có nghĩa thằng em quý hóa của Ngọc sẽ có 5 triệu đồng chỉ sau khi đưa xe vào bãi đúng… 10 phút. Còn “luộc” nguyên con với giá 15 - 20 triệu đồng, cũng chỉ cỡ 45 phút, đảm bảo chiếc xe sẽ được “Tàu hóa” từ A đến Z!"
Hải So Đũa, Hải Lai, Ngọc Tề… những cái tên không xa lạ gì với công an TP. HCM và càng quen thuộc với giới “quái xế” Sài Gòn, có thể rã một chiếc xe cho bọn trộm đưa đến chỉ không quá nửa giờ đồng hồ. Giang hồ gọi là rã món. Để bán nguyên con xe rất nguy hiểm, chúng tháo sạch và ném đi sườn cùng lốc máy xuống ao rau muống. Số phụ tùng bán lại, lãi chán mà chẳng có chút nguy hiểm nào vì chẳng ai buồn hỏi ở đâu và của ai? Chính vì vậy, trong một chuyên án triệt phá bọn quái xế, cơ quan chức năng thu hồi được gần 20 bộ khung sườn xe ở một khúc rạch!
Những chiếc xe máy có nguồn gốc trộm cướp thường được dân giang hồ "luộc" hết phụ tùng chỉ còn trơ khung (Ảnh minh họa)
Những chiếc laptop, Ipad, Iphone, máy ảnh kỹ thuật số… còn tiêu thụ dễ hơn nữa. Có thể nói, những thứ lặt vặt này, giang hồ bạ đâu bán đó và chẳng ai buồn hỏi thăm.
Tuy nhiên, một hệ thống khép kín của giang hồ khiến các hoạt động mua bán “phồn thịnh” của các “lò” gần như vô hình trước mắt người lương thiện.
Lấy đêm làm ngày…
Thuở trước có khu vực rộn ràng hoạt động mua bán đồ gian ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Đó được coi là Tin Chữ. Mụ Xề, là pê đê già chuyên mua đi bán lại những thứ bọn tiểu yêu móc túi mang đến. Những thứ đắt tiền lại có hệ thống lái buôn giang hồ khác, trong đó có mụ Vân.
Từ 21 – 22 giờ khuya, mụ Vân đạp xe lòng vòng chợ Bến Thành. Gặp gã giang hồ cóc cáy nào, mụ cũng tấp xe đon đả: “Hôm nay có “ăn” được cái gì bán cho chị không cưng?”. Những tên tiểu yêu như Đen Bố Lá, Tài Ngọng, Sinh Gấu, Tâm Ba Ke, Đông Nam Bộ, Sơn Ca… đều trưởng thành ở những nơi như thế trước khi là một giang hồ số má. Chính vì vậy, khi đã trở thành “có máu mặt” chúng vẫn thi thoảng bán lại vài ba thứ không giá trị lắm cho mụ Vân để “giữ mối”!
Sau khi mụ Xề chết, khu Tin Chữ mất hẳn công năng là chợ mua bán đồ gian của lưu manh bụi đời. Nhưng nếu xuất hiện ở khu này khoảng 2 – 3 giờ sáng “vai vác túi, mắt láo liên”, lập tức có ngay “lò” đến hỏi mua hàng. Trả giá cũng coi chừng vì nếu dạng chuyên nghiệp như mụ Vân mà không mua được hàng thì tên lưu manh đó chưa tìm được mối bán cũng bị bắt ngay về đồn công an phường.
Những lái buôn giang hồ không bao giờ đi ngủ trước 6 giờ sáng. Đặc biệt, giờ mua bán tấp nập nhất là từ 2 – 4 giờ, đấy là giờ vừa “tan ca” của bọn trộm cướp.
“Lò” của những băng cướp cạn…
Buổi sáng ngồi ở quán cà phê cóc trên đường Trần Xuân Soạn, khu Cầu Đá quận 7 hoặc quanh chợ Phạm Thế Hiển, Âu Dương Lân quận 8, sẽ thấy ngay hoạt động mua bán đồ gian, nếu chịu khó quan sát.
Từ sợi dây chuyền một mẩu ngắn ngủi đi kèm mặt tượng Phật, điện thoại Iphone, Ipad… có tất tần tật. Quán càng vắng khách bao nhiêu càng có nguy cơ bị lưu manh giang hồ chọn làm nơi giao dịch bấy nhiêu.
Điều hài hước nhất là chủ quán hoặc vài cô nhân viên sau một hồi cảnh tượng mua đi bán lại hàng cướp giật một cách sợ hãi, quen dần bèn nổi lòng tham cũng lao vào mua rẻ ít hàng cướp giật!
S. Già, một giang hồ gốc Mả Lạn quận 1, lấy vợ quận 8, nay là một trong những “lò” liều mạng nhất thành phố. Lão mất cho đời mình sơ sơ 3 khóa tù với tổng cộng gần 20 năm, toàn là tội trộm cắp và tiêu thụ tài sản do người phạm tội mà có.
“Nghề “lò” này kiếm khá nhưng dễ thua!”, gã rầu rĩ cho biết. Thực vậy, có những món hàng gã mua được rẻ, bán qua hàng chục tay tiêu thụ, nhưng khi công an phá xong một vụ án, gã bị gọi ra túm đầu. Nghề “lò” như thế là thường xuyên! Khi được hỏi vì sao không tìm nghề khác lương thiện mà làm, gã hồn nhiên: “Nghĩ sao vậy? Mình đã hoàn lương rồi mà… Có đi đâm chém trộm cướp gì đâu? Mua đi bán lại kiếm lời chút đỉnh của bọn em út ngày xưa thôi!”. Quan niệm mua bán đồ gian của kẻ cướp là “tử tế”, đấy là suy nghĩ phổ biến của một số giang hồ Sài Gòn hiện nay.
Thực ra giang hồ có nhiều cách để tồn tại và lẩn tránh sự trừng trị của pháp luật. Thế nhưng, nếu các “lò” tiếp tay cho chúng trong việc tiêu thụ những thứ có được từ phạm pháp bị triệt phá, thì nguy cơ để chúng bị bắt sẽ tăng lên rất cao khi bọn giang hồ lưu manh phải đích thân đi tiêu thụ hàng gian ở những nơi không thân thuộc một cách thường xuyên. Bọn quái xế ngu ngơ bị bắt liên tục ở chợ mua bán xe đường Lý Tự Trọng, quận 1 là một minh chứng!
Có lẽ, để rốt ráo hơn trong công tác phòng chống tội phạm, việc lên danh sách các “lò” giang hồ chuyên tiêu thụ hàng gian, là một điều không thể không làm. Đồng thời, cũng cần có sự giúp đỡ chuyển hóa một số đối tượng đã làm lò “kinh niên”. Được như vậy, việc giảm đi con số tội phạm và vụ việc phạm pháp đang rất cao như hiện nay sẽ có nhiều hiệu quả.