Tính đến nay, Lã Thị Kim Oanh đã có 13 năm cải tạo ở trại giam số 5 Bộ Công an. Phạm nhân này từng lĩnh án tử hình vì tội Tham ô nhưng được Chủ tịch nước ân xá, giảm xuống chung thân.
Trải qua thời gian dài tù tội và đau khổ, người đàn bà 58 tuổi ấy còn khá mặn mà, ăn nói lưu loát, có thể nhớ rõ được những công việc của mình ở ngoài. “Khi bị tòa tuyên án tử hình, tôi gầy rộc đi vì lo nghĩ. Tôi đã nghĩ đến chuyện hậu sự, căn dặn các bạn tù là nếu mình có đi trước, xin thắp cho nén hương. Còn nếu được ân xá, tha tội chết, nếu có một ngày được ra tù, tôi sẽ đến tận nhà thắp hương cho họ”, Oanh kể.
Đến tháng 6/2006, theo chính sách khoan hồng của Nhà nước, Oanh được ân giảm xuống thành án chung thân, sau đó được chuyển vào Trại 5. Khi được hỏi trong thời gian làm việc lúc nào vất vả nhất, Oanh trả lời: “Đó là khi thành đạt. Khi tôi làm giáo viên ở Trường THPT An Dương dưới Hải Phòng, công việc nhàn hạ và thanh thản. Làm giám đốc là vất vả và khổ nhất vì suốt ngày phải chạy vạy, lo hết dự án này đến dự án khác. Xong dự án này thì đã có dự án kia gối đầu. Có vậy mới có tiền chi trả anh em công nhân. Nếu không có các khu nhà để kinh doanh thì tôi làm sao kiếm ra tiền. Cho nên làm doanh nhân là đau đầu nhất”.
Theo hồ sơ vụ án, 5 năm làm Giám đốc của Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn, Oanh đã gây thiệt hại cho Nhà nước 75 tỷ đồng và khoảng 113.000 USD. Trong đó, một mình Oanh tiêu hết 72 tỷ đồng và 70.000 USD. Số tiền Oanh chi mỗi ngày là 40 triệu đồng.
Nhớ lại chuỗi ngày trước đó, Oanh băn khoăn: “Tôi không hề chối tội, thực sự là tôi có tội. Nhưng tội của tôi không phải là tham ô, mà chỉ là vi phạm luật kế toán thống kê. Mọi người đều biết là tôi chưa được học qua một lớp nào về kinh tế hay quản lý kinh tế, cho nên sai sót là chuyện dễ hiểu. Khi sai rồi, mọi người cũng nên nhìn những thành quả mà chúng tôi đã tạo dựng, tài sản hàng mấy trăm tỷ".
Điều khiến bà day dứt nhất là hai cô con gái phải chịu nhiều tai tiếng từ người mẹ phạm tội. Người ta thường nói người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp sẽ không giỏi quán xuyến gia đình. Lúc này, cùng với nỗi ân hận về những việc làm sai trái, bà Oanh còn một nỗi ân hận ngày đêm ám ảnh đó là không chăm lo cho gia đình tử tế.
Khi được hỏi mọi người có hay đến thăm không, Oanh cười cay đắng: “Không có ai cả. Chỉ có hai đứa con thôi. Tôi vào đây rồi, cũng chẳng dám oán thán những người trước đây từng là cộng sự, vì miếng cơm manh áo nên người ta chẳng dám dính dáng đến tôi nữa. Có thể trong thâm tâm người ta vẫn nhớ vẫn thương”.
Bà Oanh nghĩ nhiều đến chồng và hai con. Chồng vốn là một công chức mẫn cán và nghiêm túc ở cơ quan Bộ Y tế, hai cô con gái ngoan và học giỏi. Phạm nhân này kể, sau khi nhập trại được mấy tháng thì nhận được tin chồng gửi đơn ly dị. "Khi nhận lá đơn ly hôn, tôi không giận chồng, chỉ buồn và khóc. Tôi xin gặp quản giáo nhờ nói giúp để chồng rút đơn vì thương hai đứa con, vì để chúng đỡ mang tai tiếng, chúng còn phải lấy chồng. Chúng đã mang tiếng bởi có một người mẹ tù tội, tôi không muốn chúng tiếp tục phải chịu cảnh bố mẹ bỏ nhau. Thế nên khi ban giám thị đưa tờ đơn đề nghị ly hôn của chồng thì tôi đã thực sự rất sốc. Dù phạm tội, dù đang là một phạm nhân nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ chồng mình sẽ bỏ để đi lấy một người phụ nữ khác", bà Oanh trải lòng.
Phạm nhân này mong muốn nếu được làm lại, bà sẽ chăm lo đến thiên chức của người làm mẹ và làm vợ. Ở hai chức năng này, bà Oanh thấy mình đều làm thiếu hụt và vô trách nhiệm. “Mọi chuyện với tôi là quá muộn rồi. Tôi có tỉnh ngộ thì cũng không giúp được mình nữa. Tôi mong những người phụ nữ khác không giẫm vào vết xe đổ của mình”, bà nói.