Bệnh nhân Văn Viết Điền 42 tuổi, ở xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, đột ngột mắc một căn bệnh lạ khiến toàn thân bị lột da, đen sạm từ cuối năm 2011. Bệnh nhân được điều trị nhiều bệnh viện khác nhau nhưng chưa nơi nào có kết luận chính thức nguyên nhân gây bệnh.
Kết quả xét nghiệm mới đây tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) cho thấy bệnh nhân dương tính với 4 ký sinh trùng: Amip E.Histolytita, giun đũa chó mèo, giun lươn, sán dải heo. Hiện ký sinh trùng đã "ăn" vào phổi.
Da của bệnh nhân sau hơn một năm phát bệnh. Ảnh: Chế Bắc
Tuy nhiên thạc sĩ - bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn kiêm Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM, cho rằng cả 4 loại ký sinh trùng là Amip E.Histolytita, giun đũa chó mèo, giun lươn, sán dải heo đều không gây những biểu hiện ra da như bệnh nhân đang mắc phải.
Theo bác sĩ Mẫn, amip không bao giờ gây biểu hiện ngoài da, còn giun lươn chủ yếu gây bệnh ở đường tiêu hóa. Đặc biệt bệnh nhân này đã được điều trị tiêu diệt ký sinh trùng nên giun lươn không thể còn tồn tại để gây bệnh. Ngoài ra, cả sán dải heo và giun đũa chó mèo nếu có vào phổi thì cũng đều không gây những biểu hiện bệnh qua da như vậy.
"Rất nhiều người khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với các loại ký sinh trùng, bởi ký sinh trùng có rất nhiều trong môi trường. Những người bị chứng rối loạn miễn dịch thì cơ thể họ có thể dương tính với bất kỳ loại ký sinh trùng nào", ông Mẫn nói.
Từ lập luận trên, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cho rằng, da bệnh nhân bong tróc khó có thể do ký sinh trùng gây nên. "Ông Điền có thể mắc chứng bệnh khác. Người dân không nên quá hoang mang", bác sĩ Mẫn nói.
Nói về các loại ký sinh trùng có trên cơ thể vật nuôi, bác sĩ Mẫn cho biết, giun sán chó hoặc mèo là hai loại ký sinh trùng có thể gây bệnh. Trong đó, giun đũa chó mèo là loại ký sinh trùng thường gặp nhất. "Tầm soát trên người bệnh, chúng tôi thấy tỷ lệ dương tính với giun đũa chó là rất cao. Dương tính với ký sinh trùng không có nghĩa là bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm", bác sĩ Mẫn cho biết.
Về cơ chế gây bệnh, trứng giun đũa chó có trong phân của loài vật này. Từ phân chó, trứng phát tán trong môi trường. Trứng giun ủ vài tuần trong đất sẽ thành ấu trùng. Ấu trùng giun đũa chó chỉ vào cơ thể người qua đường miệng chứ không qua da hay qua không khí. Bác sĩ Mẫn cũng cho hay, người tiếp xúc với phân tươi hoặc trứng giun khi trứng chưa thành ấu trùng thì không bị nhiễm ký sinh trùng. Lý do là trứng giun chó mèo không thể nở thành ấu trùng trong cơ thể người.
"Một trong những ngộ nhận thường gặp của các bệnh nhân đến khám là nghĩ rằng giun đũa chó khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi phát triển và đi khắp nơi trong cơ thể để gây bệnh. Số khác sợ loại giun này hút máu gây suy dinh dưỡng. Những điều này không thể xảy ra", bác sĩ Mẫn nói.
Theo bác sĩ Mẫn, ấu trùng giun chó mèo phần lớn chết trên đường di chuyển trong cơ thể người. Số ít theo máu đi vào một số bộ phận bất kỳ của cơ thể. Nếu đến não thì gây viêm não, đến mắt thì gây mù mắt nhưng khả năng này hiếm gặp. Ấu trùng dừng lại đóng kén nhiều nhất là ở mô cơ.
Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM cũng khuyến cáo, người bệnh không nên quá lo lắng khi xét nghiệm cho kết quả dương tính với ký sinh trùng. "Với môi trường sống chưa thật tốt như hiện nay, nếu xét nghiệm thì chắc ai cũng nhiễm ký sinh trùng", ông Mẫn nói.
Bác sĩ Mẫn khẳng định khả năng phát bệnh, gây biến chứng nguy hiểm do ký sinh trùng sống trên vật nuôi là không quá cao, nhưng vẫn khuyến cáo mọi người nên có thức phòng bệnh. "Dù có tiếp xúc với chó mèo hay không, mọi người vẫn nên rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi cầm thức ăn hoặc để tay chạm vào miệng. Chó mèo nên đưa đến cơ sở thú y để được tiêm phòng các bệnh ký sinh trùng", bác sĩ Mẫn nói.