Ông Lê Minh Thưởng cũng là chủ nhân của 5 cây thị già được vinh danh "Cây di sản Việt Nam". Ảnh: Nguyên Khoa.
Tốt nghiệp trường Trung cấp Công an, năm 1960 chiến sĩ Lê Minh Thưởng được điều về Hà Nội bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ ba. Sau đó, một số lính trẻ được lựa chọn ở lại làm cận vệ cho Hồ Chủ tịch, trong đó có Lê Minh Thưởng.
Nhiệm vụ đầu tiên của chiến sĩ Thưởng là túc trực 24/24h trên con đường dẫn vào nhà sàn nơi Hồ Chủ tịch ở, tuyệt đối không để xảy ra bất cứ sự cố nào. Đêm đến, ngồi dưới nhà sàn canh giấc ngủ cho Chủ tịch, để khi cần Người chỉ cần gọi "cúc cu" (cách gọi quen thuộc của Chủ tịch khi cần gọi cận vệ từ thời ở ATK) là sẵn sàng có mặt.
Ông Thưởng kể, hàng đêm Hồ Chủ tịch thường ngủ rất ít vì phải thức rất khuya để làm việc, nhưng sáng hôm sau lại dậy rất sớm để cổ vũ, nhắc nhở mọi người tập thể dục. Hằng ngày Chủ tịch sang Văn phòng Trung ương làm việc, tiếp đón khách và các đoàn đại biểu, tối về tiếp tục làm việc đến khuya. Thời gian rỗi Chủ tịch đọc sách, câu cá. Đội cảnh vệ 7 người liên tục túc trực bên cạnh.
Đã bước qua tuổi 70, nhưng người cận vệ năm xưa vẫn nhớ như in cảm xúc lần đầu tiên được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hôm đó, đúng vào ca trực của Lê Minh Thưởng, trời mưa gió sấm chớp, vừa nghe "cúc cu, cúc cu...", ông liền đi như chạy đến chỗ Chủ tịch đang làm việc, trống ngực đập liên hồi. "Khi tôi bước vào chào, Bác quay lại nhìn. Tự nhiên mọi sự hồi hộp tan biến, thay vào đó là cảm giác gần gũi, tự tin như mình đang nói chuyện với người thân vậy", ông Thưởng nhớ lại.
Ông Thưởng (áo trắng, ôm bé gái ngồi cạnh Hồ Chủ tịch) trong bức hình chụp chung với Chủ tịch và Bộ chính trị. Ảnh tư liệu.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của người công an xứ Nghệ với Hồ Chí Minh là lần được đi chợ Đồng Xuân vào dịp Tết. Để tìm hiểu đời sống của đồng bào và việc đảm bảo hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết của nhà nước, một tuần trước Tết Quý Mão (1963), Hồ Chủ tịch nhắc Văn phòng Chủ tịch nước báo cho Bộ trưởng Công an Trần Quốc Hoàn rằng Tết này Người muốn thăm chợ Đồng Xuân - khu thương mại sầm uất, nhộn nhịp nhất Hà Nội.
Lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) lên các phương án bảo vệ tuyệt đối an toàn khi Hồ Chủ tịch đi chợ Tết Đồng Xuân. Sau khi nghiên cứu, Cục Cảnh vệ lựa chọn phương án hóa trang Chủ tịch thành người công nhân đi sắm Tết.
30 Tết năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui và bảo cận vệ hóa trang cho mình. Người đeo kính trắng mắt tròn, mặc quần áo cũ đã sờn màu bạc, khoác chiếc áo mưa vải bạt có vài chỗ đã sờn, cổ quàng chiếc khăn len màu tối để che bớt chòm râu, đầu đội mũ trắng, chân mang tất màu cỏ úa, dép cao su đen như một người công nhân già đang cùng 2 người con, cháu xách làn đi chợ sắm đồ Tết.
Thong dong vào chợ, đến trước cửa hàng lương thực, thực phẩm có đề hai tấm biển "tem phiếu" và "tự do", Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng lại suy nghĩ một chút rồi bước tới tấm biển có đề chữ "tự do" và hỏi cô bán thịt "mánh thịt ni răng nấy?". Người bán thịt ngạc nhiên không hiểu, anh em cận vệ vội vàng chen ngang không để người bán hàng kịp nhận ra tiếng Hồ Chí Minh.
Sau đó Hồ Chủ tịch và các cận vệ tiếp tục đi xem các quầy hàng phục vụ Tết. Đến khu vực bán hoa tươi cạnh mấy ông đồ già đang ngồi viết câu đối, Chủ tịch ngồi xuống hỏi giá một bó huệ trắng. Sau khi cô bán hàng đáp 5 hào, các cảnh vệ phải chạy đến trả giá 2 hào với mong muốn cô ấy sẽ không bán bó hoa huệ để Chủ tịch và mọi người đi khỏi chợ. Khi Chủ tịch đi rồi, ông Vũ Kỳ nói Lê Minh Thưởng lại mua bó hoa huệ trắng mang về.
Về đến nhà, vừa xuống xe Hồ Chủ tịch nở nụ cười rất tươi và nói: "Hôm nay bác cháu ta đi chợ Tết xem được nhiều, hiểu được dân tình ăn Tết sung túc, vui vẻ mà không bị lộ, nhưng lại không mua được gì…". Ông Vũ Kỳ vội báo cáo mua được bó hoa huệ trắng. Lúc đó, ông Thưởng nhanh nhẹn mang bó hoa lại, nhìn thấy Chủ tịch cười vui và khen: "Các chú sáng tạo đấy, như thế là trọn vẹn!".
Hồi tưởng lần đi chợ Tết Đồng Xuân, ông Thưởng tâm sự: "Nếu để Bác mua hàng thì nhiều người tinh ý sẽ nhận ra Bác Hồ với chất giọng Nghệ và đôi mắt sáng cùng chòm râu bạc. Khi đó người dân đi chợ sẽ chạy đến để được ngắm nhìn Bác, gây náo loạn".
Ông Thưởng luôn nâng niu những kỷ vật thời kỳ làm cận vệ của Hồ Chủ tịch. Ảnh: Nguyên Khoa.
Ông Thưởng còn nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cận vệ không được làm náo loạn bằng việc chạy môtô dẹp đường mà chỉ cần hóa trang cho thật tự nhiên và tốt nhất là đi bộ, nói chuyện. Với anh em cận vệ, Hồ Chủ tịch luôn xưng chú: "Các chú là công an, biết thì nói không biết thì hỏi, đừng làm thinh". Và Người thẳng thắn phê bình, chỉ ra những gì được và chưa được để anh em rút kinh nghiệm.
Nhắc đến những kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ánh mắt người công an năm xưa ánh lên vẻ tự hào rồi ngấn lệ: "Được làm cận vệ của Bác là niềm vinh hạnh lớn nhất đời tôi. Gần Bác, tôi cũng như các chiến sĩ học được rất nhiều điều về cuộc sống, đó là sự kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, chịu khổ, biết quan tâm đến mọi người. Bác mất, cả dân tộc, cả thế giới tiếc thương, còn với mỗi người cận vệ chúng tôi thì như mất đi một cái gì đó quá lớn".
Sau khi Hồ Chủ tịch mất, vẫn với vị trí là chiến sĩ cảnh vệ, ông Lê Minh Thưởng và đồng đội đã cùng tôn tạo, mở rộng thêm ao cá Bác Hồ. Mặc dù sau đó được chuyển về làm ở nhiều địa phương, nhưng năm nào ông Thưởng cũng ra Hà Nội để được đến ngôi nhà sàn năm xưa.