20 tỉnh, TP trên cả nước đã xuất hiện các ổ bọ xít với số lượng ấu trùng dày đặc; có rất nhiều người bị loại côn trùng này hút máu. Tuy nhiên, cho đến nay loài côn trùng này vẫn là “ẩn số” bởi các nhà khoa học chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của nó.
Vẫn là con số 0
Đây là chia sẻ của PGS-TS.Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. TS. Lam cho biết, bọ xít hút máu có thời gian sinh sản cao điểm vào khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Lúc này, chúng có nhu cầu cao về thức ăn (máu người và động vật) nên ồ ạt “tấn công” vào nhà dân để hút máu. Từ tháng 4 đến nay, hầu như ngày nào phòng làm việc của ông cũng nhận được điện thoại thông báo có người bị bọ xít hút máu cắn.
Theo TS. Lam, ngoài ruồi, muỗi thì bọ xít hút máu là côn trùng đáng lo ngại nhất cho sức khỏe người dân đô thị. Tuy nhiên, nghiên cứu về loại côn trùng đáng sợ này cho đến nay gần như vẫn là con số 0. Đường lây truyền và cách nào đối phó với loài côn trùng hút máu này vẫn là câu hỏi lớn.
Chung chia sẻ này, GS-TS. Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, bọ xít hút máu là thủ phạm gây ra bệnh kí sinh trùng ở khu vực Mỹ La tinh, mang tên Chagas. Đây là một căn bệnh nhiệt đới do ký sinh trùng truyền vào cơ thể con người khiến người có biểu hiện rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe và dẫn tới tử vong. Từ khu vực Mỹ La tinh, đến nay bệnh này đã lan rộng ra nhiều khu vực trên thế giới một cách âm thầm. Tại Việt Nam, đến thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của loài bọ xít hút máu người. Do vậy, câu hỏi loài vật này có truyền bệnh hay không vẫn là ẩn số. Cùng đó, người dân và nhiều nhà khoa học vẫn ít có kiến thức về loại ký sinh trùng này.
Mặc dù chưa có cơ sở để khẳng định loại bọ xít này tại Việt Nam có truyền bệnh Chagas hay không (do chưa có thiết bị xét nghiệm chuyên biệt mà chỉ dựa vào quan sát) nhưng các nhà khoa học vẫn tỏ ra nghi ngại bởi những người bị bọ xít hút máu tại Việt Nam có tình trạng khởi phát tương tự những người bị nhiễm bệnh Chagas do bọ xít hút ở các nước trên thế giới.
Tuy vậy, theo tổng kết của Tổ chức Y tế Thế giới, loài bọ xít hút máu-trong đó có loài ở Việt Nam có khả năng truyền ký sinh trùng đơn bào Trypanosoma cruzi gây ra bệnh Chagas. Đã từng có 7,8 triệu người Mỹ La tinh từng mắc căn bệnh này vào thập niên 60. Đến nay đã có 19 nước ngoài Mỹ Latinh ghi nhận ca mắc Chagas, trong đó có Nhật và Úc.
Kinh dị… bọ xít làm ổ trong tủ quần áo
Hiện nay, tại nước ta có 20 tỉnh, TP ghi nhận sự xuất hiện của bọ xít hút máu, trong đó tập trung nhiều ở các TP lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Huế… và đặc biệt nhiều là ở Hà Nội. Đáng sợ hơn là loài côn trùng này thường chọn những nơi kín đáo để làm tổ, sinh sôi.
Tháng 10/2012, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cán bộ của Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã phát hiện ra ổ bọ xít ở tủ quần áo của gia đình bà K.L. Tại Hà Nội, qua điều tra thu mẫu ở 14 quận, huyện trong các năm 2011 và 2012 cho thấy: Tỉ lệ xuất hiện ở đồ đạc trong phòng ngủ cao nhất, lên đến 53%; trên giường ngủ 29%; vị trí khác chiếm hơn 17%.
Tại huyện Từ Liêm đã phát hiện ổ bọ xít với số lượng cá thể lên đến 1.300 con. Tương tự, ở quận Long Biên đã phát hiện ra nhiều ổ với số lượng khoảng 700-800 con. Các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ đều phát hiện ra các ổ bọ xít với số lượng 50-200 con. Đặc biệt có các huyện đạt “kỷ lục” về số địa điểm phát hiện nhiều bọ xít hút máu như: Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Ba Vì, Đan Phượng, Đông Anh, Ứng Hòa.
Gần đây nhất là trường hợp gia đình anh Đ, ở huyện Hoài Đức đã phát hiện ở các thanh củi gần chuồng chăn nuôi nhà mình có nhiều bọ xít nên mang đến Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật để kiểm tra thì phát hiện đó là bọ xít hút máu.
Chị Hòa, trú ở huyện Sóc Sơn cho biết: “Nghe tin bọ xít hút máu làm tổ trong các thanh củi mục và đẻ ra một ổ nhan nhản những bọ xít con mà tôi thấy quá hãi hùng. Nhà tôi cũng có chuồng lợn bằng gỗ, mái lợp bằng tre nên chỉ sợ cả ổ trong ấy “xông” ra cắn lũ trẻ thì khổ nên sau khi bán lứa lợn con đi tôi đã “tổng vệ sinh” và dùng khói… hun khắp xung quanh, may ra diệt được chúng”.
Gia đình có 2 con nhỏ nên khi nghe tin khu vực nhà mình nằm ở “điểm đen” về số lượng bọ xít, anh Hải ở huyện Đan Phượng liền quét dọn giường, giũ chiếu thật kỹ. Thế nhưng, “hễ đêm nằm ngủ mà chạm phải cái gì nhột nhột tôi lại giật mình vùng dậy bật điện đi tìm xem có phải bọ xít hút máu không. Đêm nằm ngủ cũng không ngon giấc, sợ lỡ chúng xuất hiện bất thình lình và tấn công 2 đứa bé đang ngủ ngon. Chính vì thế mà cả tuần nay sáng nào tôi cũng trong tình trạng mệt mỏi vì thiếu ngủ”.
Những nỗi lo lắng, những sự cảnh giác ấy cũng không phải là thừa bởi theo cảnh báo của TS.Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, trong những năm gần đây, thông tin về bọ xít hút máu có xu hướng lan rộng và tấn công người tại nhiều nơi ở nước ta. Khi đốt, chúng gây rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe. Bởi vì các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cơ chế truyền bệnh của chúng nên chưa thể biết loài bọ xít này có truyền bệnh hay không. Vì thế, người dân cần cảnh giác đối với bọ xít hút máu người này.
TS.Trương Xuân Lam cho biết, mỗi cá thể bọ xít hút máu có thể sản sinh ra 200-250 trứng/năm, cá biệt có những cá thể đẻ tới 500 trứng/năm. Số lượng trứng đẻ ra đã nhiều, lại thêm tỉ lệ trứng nở cao (khoảng 80%-85%) nên kết quả là mỗi cá thể bọ xít hút máu sản sinh ra khoảng 160-220 cá thể mới/năm. Đặc biệt, các cá thể mới có khả năng hút máu ngay khi mới sinh ra.
Theo chia sẻ của TS. Phạm Thị Khoa, Trưởng khoa Hóa thực nghiệm, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, chỉ với 1 con bọ xít hút máu, sau 7 tháng đã đẻ ra 327 con khác.
Như vậy để thấy được tốc độ sinh sôi nảy nở nhanh đến chóng mặt của loài côn trùng này là vô cùng đáng ngại. Không những thế, chúng không hề “kén chọn” nơi làm tổ, mà bất cứ nơi nào cũng có thể sinh sôi dễ dàng. Từ các khu nhà ẩm thấp, tối tăm cho đến những khu nhà cao tầng sáng sủa với các vị trí như gầm giường, trần nhà, khe tường, nơi chứa củi… là nơi chúng sinh sống.
Ông Jean Pierre, chuyên gia về côn trùng, Viện Nghiên cứu phát triển Pháp nhận định: Khi nghiên cứu tại Việt Nam, tôi nhận thấy tốc độ lan rộng của loài bọ xít này. Trước đây, nó thường xuất hiện ở các vùng ven bờ biển, nhưng càng ngày nó càng đi sâu vào đất liền và phát triển nhanh ở các vùng nhiệt đới. Đồng thời, ông Jean Pierre cũng bày tỏ lo ngại sự xuất hiện của loại bọ xít này dễ dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh dịch Chagas tại Việt Nam qua con đường du lịch.
Ông Jun Nakagawa, đại diện Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cho rằng cần nghiên cứu và quan tâm hơn đến bệnh Chagas bởi gần đây bọ xít hút máu không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn xuất hiện tại Thái Lan, Philippines. Bệnh Chagas có nguy cơ cao trở thành một vấn đề sức khỏe ở Tây Thái Bình Dương.
Âm thần tấn công người lúc nửa đêm
PGS-TS.Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: Bọ xít hút máu đang sống rất tự do. Chúng không bị con gì ăn và con người chưa có cách đối phó hữu hiệu nên khả năng sinh sản và tồn tại rất ổn định. Một cá thể bọ xít có thể sinh ra trên dưới 200 cá thể/năm ở bất cứ nhiệt độ, môi trường nào. Chúng là loài sống rất dai, chỉ cần hút máu 2-3 lần/năm là có thể sống cả vòng đời. Chúng thường hoạt động về ban đêm, tấn công người khi đang ngủ. Ban ngày, chúng lẩn trốn vào các khe tối hoặc nơi ẩm thấp, ban đêm mới ra ngoài chủ động tấn công người, cắn và hút máu. Trước khi hút máu ,chúng thường gây tê nên con người khó nhận biết sự có mặt của chúng và rất khó phòng vệ.