Không cần vốn đầu tư, chỉ cần chịu khó, công việc bán bánh cam dạo mang lại thu nhập 800.000-900.000 đồng mỗi ngày.
15 tuổi, chưa thể đi làm ở các khu công nghiệp, cô bé Trung từ Bình Định vào Sài Gòn lập nghiệp cuối năm 2012 đành chọn công việc bán bánh cam dạo để làm tạm, chờ đủ tuổi xin làm công nhân may. Mỗi ngày, Trung tới lò nhận 120 bánh với giá 120.000 đồng rồi bê đi bán dạo. Giá mỗi chiếc bánh lãnh tại lò là 1.000 đồng được Trung bán ra 4.000 đồng, hôm nào ế lắm mới chịu bán 10.000 đồng/3 cái. Bán hết 120 cái bánh trong 1 buổi sáng, Trung có ngay tiền lời 300.000-350.000 đồng, trong khi vốn đầu tư cho việc kinh doanh này chỉ có… chiếc thau nhôm giá hơn 100.000 đồng.
Việc làm tạm nhưng thu nhập ổn khiến khu vực gần ngã tư An Sương, quận 12, TP HCM từ cuối năm ngoái đến nay luôn nhộn nhịp vì người tham gia bán, mở lò làm bánh cam ngày càng đông. Hàng ngày tầm 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa tấp nập người nhận bánh rồi tỏa đi bán tại các khu công nghiệp, trường học, các khu dân cư lao động nghèo. Phụ nữ chỉ bê được thau bánh 120-150 cái, nhưng đàn ông thì người nào cũng đội thau bánh cao ngất từ 250-300 cái, vì bán càng nhiều lãi càng cao. Thau bánh 250-300 cái giúp những người đàn ông có thu nhập ròng 80.000-900.000 đồng chỉ trong một ngày làm việc.
Theo lý giải của anh Hòa, chủ một lò bánh cam tại khu vực này, cũng là người có kinh nghiệm 1 năm bê bánh đi bán dạo, do thu nhập ít nên rất nhiều công nhân, bảo vệ, người lao động thủ công… chọn ăn sáng, ăn giữa bữa bằng loại bánh này. Một phần vì giá rẻ, một phần vì bánh làm bằng bột nếp, lại có nhân đậu xanh rồi chiên với dầu, ăn no rất lâu nên người nghèo chuộng.
Cũng theo anh Hòa, bán bánh cam dạo thì không sợ cạnh tranh, vì nhiều người “mắc cỡ”, không làm được. Chỉ những ai chịu khó mới có thể lượm bạc triệu từ công việc này.
Càng khó khăn, người dân càng nghĩ ra nhiều cách để sinh nhai. Do tâm lý tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu giữa lúc khó khăn nên người tiêu dùng thường chọn các dịch vụ kinh doanh nhỏ. Từ nhu cầu đó mà buôn bán ven đường, vỉa hè ngày càng mọc lên nhiều và ăn nên, làm ra. Từ hàng ăn như bún, xôi, bánh mì… giải khát như cà phê, nước mía, nước dừa…đến nhậu bình dân, tất cả đều cóc-vỉa hè và đều rất hút khách, vì giá rẻ.
Trong khó khăn, những "thương hiệu" kinh doanh vỉa hè nhỏ lẻ với chi phí vốn ít nhưng mang lại lợi nhuận đáng mơ ước.
Chị Vân, chủ xe bánh mỳ, cà phê trước chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), cho biết vốn ít , chị quyết định mở xe bán bánh mỳ kiêm thêm cà phê cóc. Ban đầu bỏ ra chỉ 2 triệu đồng mua tủ kính cũ và mấy dụng cụ pha chế đơn giản. Mỗi ngày 2 người bán từ 5-10 giờ sáng khoảng 300-400 ổ bánh mỳ với giá 12.000-15.000 đồng/ổ và chừng 20 ly cà phê giá 8.000-10.000 đồng/ly, trừ chi phí, chị có lời khoảng 1.300.000 đồng. Đó là chưa kể buổi chiều, vợ chồng chị lãnh thêm áo cưới về kết cườm, kết hoa kiếm tiền chợ.
Xe chè trên vỉa hè đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức) của chị Kế mới thực sự là nguồn thu nhập đáng mơ của nhiều người. 7 ngày trong tuần, ngày nào cũng 14 nồi chè (14 loại) bán từ 9h sáng đến 3-4 giờ chiều hết sạch. Hầu hết khách mua mang đi nên chị không tốn mặt bằng, chỉ bỏ 1 bộ bàn ghế nhựa trên vỉa hè nhưng hiếm khi có khách ngồi lại, vì nắng nóng.
Chị Kế khoe, bán chè hơn 2 năm nay, từ xe chè vài loại đơn giản đã lên hơn 10 loại phong phú và chị đã tích cóp mua được mảnh đất nho nhỏ ở Dĩ An-Bình Dương, giáp ranh với Thủ Đức, nơi hàng ngày chị vẫn buôn bán. “Vốn bỏ ra ban đầu chỉ vài triệu đồng, cực là suốt ngày phơi mình ngoài nắng. Nếu không có sức khỏe, không chịu khó thì không làm nổi đâu. Nhưng thời buổi khó khăn, làm việc gì mà hiệu quả mang lại tốt thì khổ mấy cũng làm thôi”, chị tự tin.