Khoảng 1/4 số sàn bất động sản Hà Nội đã đóng cửa

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có báo cáo tình hình hoạt động của thị trường bất động sản trên địa bàn tính trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.

Theo cơ quan này, trên địa bàn Hà Nội sau khi hợp nhất, sát nhập có tới 29 quận, huyện. Tuy nhiên, tình hình giao dịch bất động sản lại không phân bố đều trên các quận, huyện mà chỉ tập trung vào một số nơi có hạ tầng đồng bộ hoặc có định hướng và quy hoạch phát triển tốt trong tương lai gần. Cùng với đó, số lượng giao dịch khảo sát cũng chưa tổng hợp được các giao dịch thực tế đã phát sinh, nhưng không qua sàn giao dịch, không hoặc chưa qua cơ quan thuế.

Ngoài ra, các giao dịch về cho thuê văn phòng của tổ chức, cá nhân cũng chưa có đầu mối để tổng hợp giao dịch.

Ngay cả số lượng giao dịch tổng hợp từ các sàn và cơ quan thuế cũng chưa khẳng định được tính chính xác do nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như: số liệu kê khai chưa được kiểm chứng, độ trễ của số liệu, có qua sàn nhưng chưa nộp thuế…

Theo tổng hợp của Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng giao dịch nhà chung cư trên địa bàn trong năm 2011 không qua sàn khoảng 1.040 căn, số qua sàn chỉ có 46 căn. Tương ứng với những tháng đầu năm 2012 này là 842 căn và 37 căn.

Còn với nhà riêng lẻ, biệt thự liền kề, giao dịch qua sàn trong năm 2011 chỉ là 41 trường hợp, so với 5.694 trường hợp không qua sàn. Những tháng đầu năm 2012 tương ứng là 27 và 2.203 trường hợp.

Khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, phần lớn giao dịch bất động sản trên địa bàn đều không qua sàn.

Đáng chú ý, tỷ lê giao dịch diễn ra không đồng đều giữa các khu vực trên địa bàn, có những quận trong hơn 1 năm qua, không có giao dịch nào được báo cáo, chẳng hạn như quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Quốc Oai…Trong khi giao dịch chủ yếu tập trung tại 4 quận là: Cầu Giấy, Đồng Đa, Thanh Xuân và Hà Đông.

Khảo sát của Sở Xây dựng Hà Nội, tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản trong thời gian qua nhìn chung là ảm đạm. Với hơn 500 sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội, từ năm 2011 đến nay thì có tới 122 sàn ngừng hoạt động, trên 200 sàn không có giao dịch thành công, sàn có giao dịch thì số lượng cũng rất khiêm tốn, chỉ một vài sản phẩm được giao dịch thành công.

Theo ông Trần Hợp Dũng, Trưởng phòng Quản lý kinh tế (Sở Xây dựng Hà Nội), ngoài nguyên nhân thị trường ảm đạm, việc các sàn phải đóng cửa hâng loạt cũng xuất phát từ việc các giao dịch bất động sản hiện nay vẫn chủ yếu là giao dịch ngầm giữa người bán và người mua.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ khi hợp nhất Hà Tây vào Hà Nội đã tạo làn sóng đầu tư bất động sản ở khu vực phía Tây, kéo dài từ cuối 2007 đến giữa năm 2010. Ở các khu vực như Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng…giá bất động sản tăng cao đến vài chục lần. Các khu vực khác trên địa bàn như Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy cũng có mức tăng khá mạnh. Còn lại các khu vực như Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm có mức tăng không đồng đều.

Ngoài ra, theo Sở Xây dựng, việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau như môi giới tự do, thông tin trên báo chí, internet, qua người than, chủ đầu tư, đầu tư thứ cấp… nên giá giao dịch thu thập được qua cơ quan thuế hoặc qua sàn giao dịch phản ánh rất khác so với các kênh thông tin trên.