Trong giới chơi tiền cổ hiện nay, ông Nguyễn Văn Thạo - phường Suối Hoa, thành phố Bắc Ninh được biết đến như một “Vua tiền cổ” xứ Kinh Bắc. Không chỉ sở hữu khá đầy đủ đồng tiền Việt cổ qua các thời kỳ lịch sử; bộ sưu tập của Nguyễn Văn Thạo còn thể hiện những nét khái quát bức tranh kinh tế xã hội nước Việt qua các triều đại phong kiến cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước ngày nay.
Từ năm 1993, khi còn làm việc tại công ty xây dựng Thủy lợi 1 Bắc Ninh, niềm đam mê gắn bó với tiền cổ đã giúp Nguyễn Văn Thạo khám phá ra nhiều điều lý thú. Quyết định xin nghỉ việc không lương để dành thời gian cho việc sưu tầm, học hỏi nghiên cứu, anh đã dần kiến tạo cho mình một “gia tài” đồ sộ lên tới hàng tấn và có đầy đủ mệnh giá từ thời triều đại đầu tiên tới cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Trong bộ sưu tập của ông có đầy đủ các mệnh giá tiền theo dòng chảy lịch sử Việt Nam từ đồng tiền đầu tiên Thái Bình Hưng Bảo của triều đại nhà Đinh đến đồng Bảo Đại Thông Bảo của vua Bảo Đại triều nhà Nguyễn - ông vua cuối cùng của thời kỳ phong kiến Việt Nam. Ngoài ra, bộ sưu tập của ông còn có bộ tiền giấy qua các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ chống Mỹ và bộ tiền thẻ, tiền thỏi bằng vàng, bạc quý giá khác.
Từ đồng tiền đầu tiên thời Đinh đến đồng xu cuối cùng thời Bảo Đại đều được ông Thạo sưu tầm đầy đủ.
Thậm chí, tiền xu từ các triều đại khác Đinh, Lê, Lý, Trần cũng được ông Thạo sưu tầm đầy đủ, kể cả đồng xu “Bảo Đại Thông Bảo” - đơn vị tiền tệ cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam. Bộ sưu tập của ông Thạo tiếp tục được mở ra với các đồng tiền giấy của nước Việt Nam mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Những hóa đơn tem phiếu thời bao cấp cũng được ông Thạo in ép cẩn thận. Trong đó, đặc biệt quý và khó tìm là tem phiếu mua hàng cưới. Những tem thư ở vĩ tuyến 17 cũng được ông Thạo sưu tầm.
Trong bộ sưu tập khổng lồ của mình, ông Thạo đặc biệt thú vị với những đồng tiền thời kỳ kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Khi đó, do sự đô hộ của thực dân song song tồn tại chế độ phong kiến và cuộc đấu tranh âm thầm bền bỉ của quân dân kháng chiến nên các loại tiền trên thị trường vô cùng phong phú và đa dạng.
Theo thống kê của riêng ông, đã có hơn bốn mươi loại tiền cùng tồn tại và có giá trị sử dụng, gọi chung là tiền kháng chiến. Việt Minh đánh chiếm đến đâu, sẽ mang theo tiền riêng để lưu hành ở vùng mình đã giải phóng. Tiền loại này thường được đóng dấu riêng của Ủy ban kháng chiến. Tiền có dấu mới có giá trị sử dụng, còn những loại tiền khác đều mang tiêu hủy để khẳng định chủ quyền của vùng được tự do.