Bộ Tư pháp vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị nhắc nhở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) chỉ đạo các đơn vị thành viên tích cực thực hiện các yêu cầu theo quy định trong việc thu hồi số tiền sai phạm của các bị cáo trong vụ án Vinashin đã có hiệu lực từ cuối năm 2012.
Nhiều bất cập
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết thi hành án dân sự (THADS) những tháng đầu năm 2013, lãnh đạo Bộ Tư pháp nhận định việc thu hồi rất nhiều khoản tiền, tài sản lớn của Nhà nước đang gặp không ít khó khăn; kết quả thi hành án đạt thấp; năng lực, trình độ, phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành ở nhiều đơn vị còn chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ, thậm chí yếu kém...
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), cho biết rất nhiều cơ quan THA địa phương “kêu” gặp nhiều khó khăn khi THA các vụ việc có giá trị tài sản lớn, điển hình nhất là tại Vinashin vì tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng suốt thời gian qua. Nhiều tài sản kê biên để THA nhưng lại không bán được. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành còn nhiều bất cập khiến việc sớm truy thu số tiền sai phạm nộp về ngân sách Nhà nước không hề dễ dàng.
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, yêu cầu tập trung chỉ đạo việc tổ chức THA đối với các địa phương có nhiều án, án lớn, phức tạp và những đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Nể nang “sếp” cũ?
Bà Vũ Thị Hằng, Tổng cục THADS, cho biết Vinashin là vụ án lớn, phức tạp; hầu hết các đương sự đều là quan chức, giữ vị trí quan trọng như giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT của các công ty - bên THA.
Ngoài việc phải thực hiện bản án hình sự, phán quyết của hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm) tuyên 6/9 đương sự nộp án phí tổng cộng 2 tỉ đồng, liên đới bồi thường cho các công ty do mình lãnh đạo và gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi xét xử vụ án, tòa án các cấp đã không áp dụng biện pháp bảo đảm tài sản của các đương sự dẫn tới việc THA gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, sau khi bản án có hiệu lực, bên được THA là các doanh nghiệp Nhà nước phải có đơn yêu cầu THA làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành. Tuy nhiên, bên được THA là 6 doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ GTVT lại lơ là trong việc gửi đơn yêu cầu khiến việc ra quyết định THA bị chậm chễ.
Nhiều ý kiến cho rằng sự chậm trễ triển khai thu hồi các khoản tiền sai phạm trong vụ Vinashin xuất phát từ việc nể nang “sếp” cũ của 6 doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết đã nhận được văn bản “đốc thúc” của Bộ Tư pháp về việc phối hợp thi hành bản án dân sự trong vụ Vinashin. Bộ GTVT đã chỉ đạo Vinashin, Vinalines, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành các thủ tục cần thiết, phối hợp Bộ Tư pháp thu hồi số tiền được “thụ hưởng” từ các đương sự trong vụ án này. Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ GTVT), nếu có sự chậm trễ trong việc yêu cầu THA thì trách nhiệm là của các đơn vị trực thuộc do Vinashin và Vinalines quản lý.
Cần có ban chỉ đạo THA vụ Vinashin Theo bản án của TAND Tối cao, các ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT Vinashin), Trần Văn Liêm (nguyên trưởng Ban Kiểm soát Vinashin, nguyên giám đốc Công ty Viễn Dương) cùng liên đới bồi thường cho Vinashin hơn 991 tỉ đồng. Ông Bình cùng các ông Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh), Đỗ Đình Côn (nguyên phó tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) liên đới bồi thường cho Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh gần 35 tỉ đồng. Ông Bình và ông Tô Nghiêm, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, liên đới bồi thường cho công ty này trên 33,6 tỉ đồng... Nhiều ý kiến cho rằng cần thành lập ban chỉ đạo THA vụ Vinashin để chỉ đạo việc THA được thống nhất, kịp thời và hiệu quả. |