Ngày Tết, bà vợ nào cũng than đầu ong ong, mệt mỏi vì phải lo toan đủ việc. Nhưng có những người lại khổ sở kiểu khác. Họ tìm cách để không phải đi đâu với chồng vì “Ổng nói tục quá, tui xấu hổ”.
Khổ nhục vì chồng “hồn nhiên như cô tiên”
Hương (28 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) tâm sự: “Chồng em là thạc sĩ, du học bên Anh về. Mặt mày xán lạn, tri thức đầy mình. Ấy vậy mà mở miệng ra là văng tục”.
Đối với ai, Phong - chồng Hương cũng có thể bỗ bã được. Từ bạn bè, đồng nghiệp, anh chị em, thậm chí đến cả những người mới quen. Cứ mở miệng ra là anh chàng phải đệm thêm 3 chữ “Đá Con Mèo”. Vì cái thói xấu đó của chồng mà Hương ê mặt không biết bao lần. Đến đâu Phong cũng oang oang rất vô văn hóa.
Hôm rồi, tiệc tất niên công ty, Hương dẫn chồng theo. Đang mải buôn với chị em trong phòng thì Hương nghe thấy tiếng cười hô hố từ phía bàn nhậu của cánh mày râu. Nhìn sang thì hóa ra là chồng mình.
Phong vừa chuốc rượu cho người bên cạnh, vừa ầm ĩ: "Thằng bây đàn ông cái đ. gì mà kém thế. Từng này rượu có là gì mà kêu xỉn. M. nó, uống, uống tiếp!”. Cả đám phụ nữ trố mắt quay sang nhìn Phong, rồi quay lại nhìn Hương vẻ tội nghiệp. Hương chẳng dám nói gì, mặt đỏ tía tai cắm mặt vào bát.
Chị Dung (31 tuổi, Bình Dương) còn thảm hơn nhiều. Chồng chị - anh Vĩnh có sở thích là nói bậy và hát bậy. Anh thường xuyên chế những lời hát bậy bạ, tục tĩu rồi nghêu ngao khắp nơi. Bực nhất là anh còn đem mấy câu hát bậy bạ dạy cho đứa con trai 4 tuổi của 2 người.
Thằng bé thông minh, ba dạy bài nào, nó thuộc bài đấy. Hai ba con thường "song kiếm hợp bích" hát mấy bài tục tĩu với nhau. Mỗi lần con hát xong, anh Vĩnh hứng chí ra mặt, vỗ tay ầm ĩ, khen con nức nở.
Chưa hết, mỗi khi có khách đến nhà chơi, bất kể già trẻ, anh Vĩnh đều gọi con ra, kêu thằng nhỏ ca mấy bài bậy bạ. Sau đó, anh lại hề hề cười ra điều tự hào về con. Anh còn hỏi khách là thằng nhỏ có giỏi không. Ai đến nhà anh chị cũng phải lắc đầu cười ngao ngán.
Không đồng ý với chồng, chị Dung đã nhiều lần góp ý. Nhưng anh chẳng thèm để vào tai, lại còn dằn dỗi. “Cô khinh miệt ba con tui thì đừng ở cái nhà này nữa. Lượn đi cho nước nó trong!”.
Chứng kiến chồng dạy hư con, chị Dung lo lắng từng ngày. Chị chỉ sợ thằng bé tiếp xúc với mấy thứ bậy bạ sớm quá đâm hỏng người. Sau này ra xã hội mà cứ nói tục như ba nó, người ta coi thường.
Hệ lụy khôn lường từ việc chồng văng tục
Linh (25 tuổi, Nha Trang) bị bệnh trầm cảm. Nhưng khó ai có thể ngờ rằng, nguyên nhân lại là do thói văng tục chửi bậy của chồng cô. Chồng Linh chưa bao giờ đánh vợ. Nhưng mỗi lần anh bực dọc, vợ chồng xích mích, lời anh nói ra đối với Linh còn đau hơn roi vọt.
Những lần cãi nhau, anh luôn gọi vợ bằng mày xưng tao. Anh sẵn sàng gọi Linh là con chó, thậm chí thóa mạ cô là đĩ điếm này nọ. Lúc điên lên, chồng Linh còn có thể lôi cha, mẹ, tổ tông nhà vợ ra để chửi bới không ra thể thống gì. Thậm chí kinh khủng đến nỗi, cãi nhau với vợ không ngã ngũ, anh còn gọi cho mẹ vợ: “Bà đến mà đón con chó cái này về. Tôi không nuôi nó được nữa…”.
Linh vốn hiền lành, tính tình hay nhẫn nhịn. Những lần chồng nổi đóa như vậy, cô chỉ biết rơi nước mắt, xin lỗi và năn nỉ chồng. Linh sợ chồng đến nỗi lưu tên chồng là “Hung thần” trong điện thoại của mình. Chưa kể, bị chồng thóa mạ nhiều, Linh buồn rầu, tủi nhục quá sinh bệnh.
Vợ cao tay trị chồng văng tục
Kế sách mà các chị vợ có chồng hay văng tục ưa dùng nhất đó là chờ lúc chồng hiền lành, vợ chồng hòa bình để khuyên nhủ chồng. Có chị rất tế nhị, gửi mail hoặc chat với chồng để tâm sự, giãi bày. Nhiều anh thương vợ, ưa nịnh cũng biết điều mà sửa chữa dần.
Nhưng với 1 số ông chồng "mặt dày" thì cần phải có vợ ngoa ngoắt “lấy độc trị độc”. Chẳng hạn như chị Mai (34 tuổi, Đà Nẵng). Chồng chị xưng "mày", chị cũng gọi "mày" lại.
Chồng bảo: “Cô học đâu ra thói láo toét ấy ấy?”. Chị bảo: “Tôi học từ anh”. Chồng chị gọi chị là "con chó", chị tỉnh queo: “Vâng, tôi chó. Anh cũng là con chó nốt. Chỉ có chó mới lấy chó chứ người thì có lấy chó bao giờ”?!
Thậm chí, chị Mai còn chơi bài siêu khủng. Có lần, chồng cú lên văng tục “M. mày”, chị Mai đáp thẳng cái khăn vào mặt chồng, vặc lại: “Tôi cấm anh chửi mẹ tôi. Đừng để tôi phải ăn miếng trả miếng, lôi mẹ anh ra chửi nhé!”.
“Tật xấu này mà không trị dứt điểm thì sống nhục với mấy lão. Mình càng nhịn, lão càng tiến tới, coi thường vợ. Tất nhiên, mỗi lần chửi nhau là mình phòng thủ đứng xa vài mét. Thấy đối phương chuẩn bị lao tới là phải thủ thế để né. Né mà vẫn dính chưởng trượt qua là dí ngay cái vợt bắt muỗi vào người nữa. Giờ không dám lộng ngôn nữa rồi!” - chị Mai vừa cười tủm vừa kể.
Lời kết
Cuộc sống hôn nhân vốn phức tạp và khó tránh khỏi va chạm. Điều quan trọng là các cặp vợ chồng phải biết tôn trọng lẫn nhau, kể cả trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Chẳng ai chịu nổi nếu bị người khác chửi bới, thóa mạ cả đời. Muốn sống hạnh phúc, yên ổn với nhau, các ông chồng phải bỏ ngay tật xấu chửi thề. Các chị vợ có chồng hư cũng phải khẩn trương về dạy lại…
Mời bạn đọc gửi bài viết tâm sự, chia sẻ những clip, hình ảnh hay thắc mắc khó nói về tình yêu, hôn nhân đến chuyên mục Yêu và Sống và Tương tác bạn đọc. Mọi ý kiến chia sẻ bạn đọc có thể gửi về hòm thư: banbientap@xahoi.com.vn.