Khó khăn bủa vây doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

Trong năm 2012, chỉ tiêu xuất khẩu 6,5 tỉ USD là một thách thức không nhỏ đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Năm 2011, tổng khối lượng thủy sản XK VN ước đạt trên 1,5 triệu tấn, được chế biến chủ yếu từ nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó 70% từ nuôi trồng và 30% từ khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay chi phí đầu vào cho hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng cao, giá cả bấp bênh, nguồn cung cấp nguyên liệu khan hiếm, thiếu ổn định,... Điều này đã dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu tại các nhà máy chế biến XK diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng.

Các số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản VN (VASEP) cũng cho thấy, trong năm 2011, chúng ta đã phải nhập hơn 500 triệu USD thủy sản để chế biến xuất khẩu. Còn trong năm nay, với chỉ tiêu xuất khẩu cá tra là 2 tỉ USD sẽ cần khoảng 1,3 triệu tấn cá tra nguyên liệu nhưng hiện nay sản lượng nuôi giảm mạnh. Mặt hàng tôm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi một số vùng nuôi tôm đã có dấu hiệu bị bệnh trở lại, đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung vụ mới.

Nhiều khả năng, EU cũng sớm áp dụng việc kiểm tra dư lượng hóa chất trong sản phẩm thủy sản NK

Bên cạnh đó, đại diện VASEP - ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký cho hay, chi phí kiểm nghiệm lô hàng trước khi xuất khẩu của DN đã tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực (1/7/2011). Chưa kể, quy định và thủ tục kiểm soát trước khi xuất khẩu đã khiến phần lớn các lô hàng XK phải chờ 7 - 10 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của DN. Nhiều loại giấy chứng nhận thị trường nhập khẩu không yêu cầu, nhưng cơ quan quản lý vẫn bắt DN đóng phí để chứng nhận. Cùng với đó, việc áp thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì PE để bao gói hàng xuất khẩu cũng là gánh nặng với DN xuất khẩu thủy sản. VASEP ước tính, chi phí tăng thêm từ thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm thủy sản xuất khẩu là 0,1 USD/kg.

Nhiều chuyên gia cho rằng, do những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vẫn chưa hết nên những thị trường tiềm năng của thủy sản VN khả năng tiêu thụ sẽ hạn chế. Cuộc khủng hoảng nợ công vẫn diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia trong khu vực EU dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ DN trong nước. Vì thế, năm 2012, xu hướng bảo hộ mậu dịch được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa. Nhiều khả năng, EU cũng sớm áp dụng việc kiểm tra dư lượng hóa chất trong sản phẩm thủy sản NK.

Bên cạnh đó, trong năm nay, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt với vấn đề kháng sinh không chỉ trong sản phẩm nuôi trồng mà kể cả sản phẩm từ khai thác, trong khi thực tế khả năng kiểm soát 100% từ khâu mua nguyên liệu là hết sức gian nan, tốn kém và khó khả thi. Đặc biệt là phải đối mặt với các cơn “bão thanh tra” mà các nước sẽ thực hiện đối với ngành hàng này. Về thủy sản, ngoài Mỹ và EU tiếp tục kiểm tra định kỳ, nhiều thị trường nhập khẩu khác cũng tăng cường sang kiểm tra thủy sản VN do lo ngại về chất lượng. Theo đó, dự kiến, tháng 3/2012, thủy sản VN sẽ đón tiếp đoàn kiểm tra của Hàn Quốc. Tiếp đó là đoàn thanh tra của Nga (dự kiến vào tháng 4 hoặc tháng 5). Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác cũng cảnh báo chất lượng thủy sản VN và có thể sẽ cử đoàn kiểm tra sang.

Bình luận về vấn đề này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bộ NN-PTNT (Nafiqad) cho biết, trước tình hình cảnh báo của các thị trường nhập khẩu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các lô hàng thủy sản từ VN, hiện đã có tới trên 50% trường hợp DN chủ động đăng ký với cơ quan kiểm tra để được lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm mặc dù lô hàng thuộc diện được miễn lấy mẫu kiểm nghiệm, hoặc đăng ký kiểm nghiệm nhiều chỉ tiêu hơn so với quy định. Vì vậy, để giữ thị trường và chuẩn bị đón các đoàn thanh kiểm tra, Bộ NN-PTNT khuyến cáo DN các ngành, đặc biệt là ngành thủy sản, tuyệt đối không lạm dụng chất cấm để phòng, trị bệnh trong nuôi thủy sản, xử lý ao nuôi, bảo quản sau khai thác… Về lâu dài, DN cần bắt tay với nông dân để hình thành các chuỗi liên kết dọc, bảo đảm sản xuất sạch và có thể kiểm soát được cả quy trình.