Nhưng với Vượng, đó là lựa chọn không thể khác bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền đang đè nặng lên đôi vai anh…
CÓ MỘT GÃ BỐC VÁC CHUYÊN NGHIỆP
Giữa tháng 11 vừa qua, khi vào thành phố Vinh dự đám cưới tiền vệ Nguyễn Quang Tình (SLNA), tôi không khỏi ngạc nhiên khi gặp Quốc Vượng trong bộ quần áo màu vàng, đồng phục của công ty du lịch Văn Minh. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, Quốc Vượng ghé miệng vào tai tôi nói: “Bây giờ tôi nghỉ bóng đá hẳn rồi, đi làm bốc vác, kiếm tiền nuôi vợ con”. Câu nói của Vượng làm tôi sững người và sau khi tan tiệc cưới, Vượng nhắn với tôi: “Có về nơi tôi đang làm việc chơi không?”.
Thế là tôi thẳng tiến đến trụ sở công ty du lịch Văn Minh, nằm ngay sau bến xe Vinh để tận mắt xem gã bốc vác Quốc Vượng mưu sinh như thế nào. Trời nhá nhem tối, những chuyến xe từ Vinh lần lượt lăn bánh đi khắp các tỉnh và Quốc Vượng bắt đầu công việc của mình từ kiểm tra hàng khách gửi rồi dán băng keo kỹ càng trước khi vận chuyển lên xe. Tôi hỏi Vượng: “Đang đi đá bóng giờ lại làm nghề bốc vác, chắc anh vất vả lắm?”. Vượng nhoẻn miệng cười: “Mỗi người một nghề, ngày đi đá bóng cũng thích thật nhưng số tôi lận đận, giờ đành phải làm công việc này. Tôi không được học hành đến nơi đến chốn nên có công việc để làm như thế này cũng là may mắn rồi”.
Nói xong, Quốc Vượng nhanh chân vào tủ cá nhân lấy chiếc áo ấm mặc cho đỡ lạnh rồi thoăn thoắt chạy đi bốc từng gói hàng từ nhà kho ra trước cửa để vận chuyển đi. Hằng ngày, cựu tiền vệ này bắt đầu công việc từ 3h chiều cho đến 11h đêm và sau khi chuyến xe cuối cùng rời trụ sở công ty du lịch Văn Minh, anh mới trở về nhà. Công việc vất vả khi ngày nào cũng đánh vật với những bao tải hàng và thi thoảng có hành khách đi xe nhận ra “tiền vệ trụ xuất sắc” một thời, người ta lại chạy đến hỏi han cuộc sống của Vượng bây giờ thế nào. Và thật ngạc nhiên khi thay vì né tránh, Quốc Vượng rất thoải mái nói về công việc bốc vác hiện tại, bởi như anh tâm sự rằng: “Tôi không làm nghề phạm pháp nên chẳng có gì là xấu hổ cả”.
LÁT CẮT
Sau khi chia tay Thanh Hóa giữa mùa giải 2012, Quốc Vượng rất muốn tiếp tục theo nghiệp cầu thủ nhưng anh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đội bóng mới. Bôn ba khắp nơi, làm đủ nghề nhưng mọi thứ vẫn cứ bấp bênh với anh. Thậm chí đợt tháng 8 vừa qua, Vượng gia nhập đội bóng phong trào MV để hi vọng kiếm được đồng tiền về nuôi gia đình. Quãng thời gian đi đá phủi, cứ cuối tuần anh lại bắt xe từ Vinh ra Hà Nội để thi đấu cho MV, đá xong lại nhanh chóng bắt ngược xe về nhà. Muốn có một công việc ổn định và hơn hết là được gần vợ con, Quốc Vượng đã lên kế hoạch đi vay mượn bạn bè để có vốn mở quán bán đồ ăn sáng. Nhưng do không xoay được tiền, anh lại về “ăn bám bố mẹ”.
Bế tắc, Vượng quanh quẩn ở nhà, chỉ đến khi may mắn được ông chủ của công ty du lịch Văn Minh nhận về, cuộc sống với Vượng mới dễ thở hơn. Vượng nói rằng khi về với công ty này, anh vừa có thể đi đá bóng phủi vừa có công việc để làm. Một nách kiêm hai việc, Quốc Vượng hằng tháng được trả lương 6 triệu đồng. Khoản tiền đó không là gì so với mức lương 30-50 triệu đồng/tháng như thời anh còn thi đấu cho SLNA, Thể Công, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Quốc Vượng đã thay đổi nhiều sau khi lên chức bố
“Tôi đã sai lầm quá nhiều rồi, nhất là trong vụ bán độ tại SEA Games 2005. Mọi thứ chưa bao giờ là muộn cả khi mình xác định sẽ làm lại để nuôi gia đình. Tôi làm ở công ty du lịch Văn Minh, công việc vất vả nhưng cảm giác kiếm được đồng tiền từ mồ hôi, sức lực của mình thấy hạnh phúc lắm”, Quốc Vượng chia sẻ. Thấm thoát đã 10 năm, kể từ ngày Quốc Vượng găm chặt trong tâm trí của hàng triệu NHM bằng màn trình diễn chói sáng tại SEA Games 2003, bây giờ cuộc đời anh rẽ sang một trang mới với nhiều bộn bề, lo toan. Mỗi người một số phận và giờ thay vì được nhắc đến như tài năng bóng đá sớm nở chóng tàn, Quốc Vượng đã khác xưa với suy nghĩ chín chắn để xứng đáng làm người đàn ông trụ cột của gia đình bé nhỏ.
“Sẽ cố gắng hết sức để con tôi được đến trường”
Sau khi lập gia đình rồi lên chức bố, Quốc Vượng thay đổi rất nhiều và không còn là gã sống lang bạt, ăn chơi. Bây giờ Vượng bảo anh sẽ chịu đựng tất cả dù công việc có khó khăn, vất vả đến nhường nào để chăm lo cho hai mẹ con. “Thời gian tới, con tôi đến tuổi đi học, bây giờ tôi phải tích góp, sẵn sàng làm công việc vất vả để cậu con trai được đi học như chúng bạn”, Vượng chia sẻ.