Từ nhỏ tôi từng nghe đến và mong ghé thăm Hạ Long, di sản thiên nhiên đầu tiên được UNESCO công nhận ở Việt Nam. Trong một thời gian dài, Hạ Long chủ yếu nổi tiếng với người nước ngoài, còn người Việt quan tâm nhiều hơn đến Bãi Cháy, vì phương tiện thăm quan Hạ Long chưa thuận tiện. Giao thông từ Hà Nội đi Quảng Ninh cũng chưa phát triển để thu hút được du khách. Vì vậy Quảng Ninh chỉ nổi tiếng với cửa khẩu và thương mại biên mậu cùng những hệ lụy của nó.
Những website du lịch quốc tế dù rất ngợi ca cảnh đẹp của Hạ Long nhưng vẫn phàn nàn nhiều về cảnh quan Bãi Cháy, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ du lịch và cách làm du lịch manh mún, tiểu nông. Một thời gian dài, Hạ Long không có dự án FDI nào về khách sạn/du thuyền…
Việc thiếu những khách sạn, cơ sở du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế đã cản trở khách du lịch quốc tế đến với vùng biển đẹp như mơ này. Khách nội địa thì e ngại các khách sạn tư nhân thiếu quy chuẩn, tình trạng chặt chém của các nhà hàng, phòng nghỉ. Tin tức về những vụ đắm du thuyền trên vịnh mà thuyền trưởng và thủy thủ lại tháo chạy, bỏ mặc khách du lịch không giúp cải thiện hình ảnh Hạ Long.
Một ngày đẹp trời năm 2009, tôi nhận được tin UBND Quảng Ninh đã chuyển giao nguyên cơ sở của Trường Trung cấp Nông Lâm của Tỉnh cho trường ĐH Ngoại thương làm cơ sở 3. Trong buổi lễ chuyển giao, tôi rất ấn tượng với sự năng động, nhiệt tình và táo bạo của Ban lãnh đạo tỉnh. Từ dịp đó, tôi cũng có cơ hội được chứng kiến nhiều sự đổi thay ở đây.
Mỗi lần về Quảng Ninh công tác tôi lại có dịp chứng kiến đường xá tốt hơn, thành phố Hạ Long được mở rộng to đẹp hơn, những khách sạn, du thuyền 4-5 sao ngày càng nhiều. Thái độ phục vụ của người kinh doanh cũng có những bước tiến đáng kể. Cuối tháng 10 vừa rồi, tôi cùng gia đình đã đi du ngoạn Vịnh Hạ Long trên du thuyền Paradise. Ngắm nhìn Vịnh Hạ Long, chúng tôi đều thật sự tự hào vì di sản này của Việt Nam. Trời, biển và những hòn đảo xanh tươi rải rác trong vịnh luôn cho du khách những cảm xúc bất ngờ nhất.
Sau những ngày làm việc căng thẳng, nằm thư giãn trên boong tàu để trời, nước và những đảo xanh muôn hình muôn vẻ lướt qua mắt ta là một khoái cảm hiếm thấy. Đặc biệt cảnh hoàng hôn trên vịnh, khi mặt trời dát vàng lên mặt biển và những hòn đảo sáng lấp lánh thật vô cùng ấn tượng. Trên thuyền có khá đông khách du lịch quốc tế, chủ yếu từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, Australia…
Mọi người đều ngây ngất trước thiên nhiên kỳ thú trong vịnh và khá hài lòng với chất lượng dịch vụ. Dù còn một số điểm chưa chuyên nghiệp như nhân viên ngồi la liệt dưới sàn, buôn chuyện như ngô rang ngay trước mặt khách, tiếng Anh của hướng dẫn viên chưa tốt lắm… nhưng khách đã có ấn tượng khá tốt.
Trên đường từ Hạ Long về Hà Nội, lướt Facebook thấy page Nụ cười Hạ Long, tò mò mở ra hóa ra đây là trang của Ủy ban ND tỉnh Quảng Ninh với hình ảnh các quan chức của tỉnh tươi cười rạng rỡ tay khum lại hình trái tim với thông điệp “Hạnh phúc và thành công cho ta nụ cười. Song, cười lên, ta có cả hạnh phúc, thành công và niềm tin”.
Lần đầu tiên một UBND tỉnh có cách làm sáng tạo như vậy. Mặc dù cách làm này có thể hơi gây sốc vì hoàn toàn khác biệt với hình ảnh thông thường của chính quyền nhưng có vẻ đã tạo hiệu ứng tốt. Với mục tiêu định vị Hạ Long trở thành thương hiệu du lịch của Quốc gia, như Angkor Watt với Campuchia, Vạn lý Trường Thành với Trung Quốc, nếu Quảng Ninh muốn xây dựng thương hiệu Hạ Long, tạo niềm tin về một Hạ Long thân thiện, hấp dẫn thì hình ảnh những quan chức thân thiện, dễ mến sẽ là một cách quảng cáo tốt và hiệu quả. Sự thân thiện của lãnh đạo sẽ khuyến khích người dân cũng thân thiện, mến khách hơn và đó chính là yếu tố thu hút khách du lịch hiệu quả nhất.
Còn nhớ thời gian đầu ông Nguyễn Bá Thanh đã gây sốc và nghi ngờ không ít trong công luận cả nước với những cách làm “không giống ai” như cấm ăn xin, cấm hàng rong đeo bám khách du lịch, tự mình đứng ra nói chuyện với những đối tượng trộm cắp để giúp họ hoàn lương… Nhưng thực tế đã chứng tỏ việc làm của ông có hiệu quả, góp phần to lớn vào việc xây dựng hình ảnh Đà Nẵng như một thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Đi dọc Việt Nam mới thấy, tìm một địa phương có bản sắc tốt, thật không dễ. Giới kiến trúc sư đã từng than thở về việc hiện đại hóa đã làm các địa phương xây trụ sở cơ quan, thiết kế đường xá, thậm chí đúc tượng danh nhân na ná như nhau. Những đặc sản địa phương cũng phải nhường chỗ cho những món bánh kẹo xanh đỏ mà hầu hết nhập từ Trung Quốc.
Quá lệ thuộc sự chỉ đạo chặt chẽ từ trên, các lãnh đạo địa phương có những bài phát biểu, những phương hướng phát triển na ná nhau, như “Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa; Hội nhập…”, bất kể hoàn cảnh thực tế của địa phương. Những lãnh đạo có mong muốn xây dựng hình ảnh khác biệt cho địa phương chưa nhiều.
Trong hoàn cảnh luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện, báo chí nhan nhản những phát ngôn của quan chức làm công chúng thất vọng về quan trí, những vị đại biểu nhân dân liên tục hành xử không xứng đáng thì nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện, dễ mến cho bản thân và cho tỉnh nhà của các vị lãnh đạo Quảng Ninh thật đáng khích lệ. Như Bismarck đã nói: "Với luật tồi, quan chức tốt, việc trị nước vì vẫn còn được. Nhưng với quan chức tồi, thì các luật lệ tốt nhất cũng không giúp ích gì cả".
Sự sáng tạo trong việc xây dựng một hình ảnh mới của Quảng Ninh mang lại hy vọng về một cách tư duy mới, thân thiện, tiết kiệm và hiệu quả nhằm đổi thay những cách làm cũ đầy chắp vá và manh mún hiện nay.