Tuần trước nữa, chúng ta đã chứng kiến một Djokovic chơi thứ tennis huỷ diệt ở Bắc Kinh – một phong độ quen thuộc của người đã thống trị các giải cuối mùa trong ba năm qua, rồi tới Thượng Hải, nơi tay vợt người Serbia vô địch trong hai năm 2012 và 2013.
Còn Federer tiến thẳng tới Thượng Hải mà không qua một giải lấy đà nào sau kỳ nghỉ kể từ thất bại sau ba set ở bán kết US Open trước Marin Cilic.
Vậy mà Federer đã quật đổ Djokovic khi hai tay vợt gặp nhau ở bán kết. Tỉ số 6-4 6-4 cũng là một ấn tượng khác. Chiến thắng ấy khiến cho việc đánh bại Simon ở chung kết để lần đầu tiên vô địch giải đấu này được coi là điều đương nhiên với Federer, dù thực tế anh thắng khá chật vật 7-6 và 7-6.
Nó gợi nhớ một lần ra tay kỳ vĩ để chặn đứng một Djokovic gần như “huỷ diệt” tất cả: Trận bán kết Roland Garros 2011. Khi ấy, Djokovic bất khả chiến bại ở tất cả các giải đấu từ đầu mùa, thắng Nadal ở đỉnh cao phong độ như chẻ tre, và tưởng sẽ bỏ túi chức vô địch Grand Slam trên sân đất nện.
Federer chơi thăng hoa tại Thượng Hải Masters
Ngay cả ba lần đối đầu với Federer trước đó trong năm 2011, Djokovic cũng giành chiến thắng trong đó có trận bán kết ở Australian Open mà không để mất set nào. Nhưng, Federer hiện ra ở bán kết và hạ gục Djokovic sau bốn set.
Hôm ấy, Federer đã giương cao hai tay, đấm thật mạnh vào không khí với vẻ mặt hạnh phúc sau khi đã chứng tỏ cho cả thế giới thấy anh vẫn là một huyền thoại, là người có thể làm được những điều được coi là không thể với những tay vợt khác (kể cả Nadal).
Không kỵ giơ
Đó là trận thắng thứ sáu trong tổng số 17 trận Federer gặp Djokovic kể từ năm 2011. Một tỉ lệ gần như là một thắng hai thua nhưng suy cho cùng là không tệ với một tay vợt đã qua tuổi ba mươi, còn đối thủ đạt đỉnh cao phong độ trong sự nghiệp.
Và phải đặt trong tổng thể sự thống trị của Djokovic với hầu hết các tay vợt khác, trong đó có Nadal mới thấy ý nghĩa của những gì mà Federer đã làm được.
Cũng trong thời gian này, Djokovic đối đầu với Nadal 19 trận, thắng 12 và thua bảy, dù cho Nadal đã chơi rất hay trong năm 2011, rồi sa sút vì chấn thương rồi lại trở lại với phong độ ấn tượng trong năm 2013.
Còn khi Federer đối đầu với Nadal, thì kết quả mà huyền thoại người Thuỵ Sĩ giành được là không tương xứng với tầm vóc của anh, và trở thành một phần cơ sở cho những người luận rằng Nadal mới là tay vợt xuất sắc nhất: Nadal thắng Federer tới sáu lần sau tám lần đối đầu kể từ 2011.
Việc bắc cầu này có thể vô giá trị khi chúng ta cần dự báo kết quả, nhưng là hữu ích cho việc lý giải Federer có thể ngại Nadal, nhưng vẫn đủ sức đánh bại Djokovic.
Trên tất cả, khi đối đầu với Djokovic, Federer không phải đối diện với những thách thức của một người thuận tay trái như khi gặp Nadal.
Federer không bị ép trái quá nhiều, trong khi anh không bị đặt vào tình thế phải đánh dọc dây khi bung trái nếu muốn ép trái lại đối thủ.
Nó không chỉ là trong các lần đôi công ở cuối sân, mà quan trọng nhất là khi Federer chuyển từ thế trả giao bóng sang tấn công để gây sức ép lên Djokovic ngay trong lần chạm vợt đầu tiên.
Còn nhớ, khi Federer dưới sự dẫn dắt của HLV Paul Annacone, đã từng phải loay hoay khá nhiều khi đương đầu với cú giao bóng ở ô số 2 (điểm lẻ) của Nadal. Anh phải đứng vào sân nhiều hơn và đè bóng sớm hơn thay vì trả giao bóng bằng một cú cắt trái mỗi khi đối thủ giao bóng xoáy ra mang mà vẫn không thay đổi tình thế.
Nhưng trước Djokovic, anh chơi theo cách sở trường khá thoải mái. Ở Thượng Hải, Federer đã sử dụng khá thường xuyên các cú cắt bóng trái tay chìm để trả giao bóng rồi tràn lưới. Đó là nền tảng cơ bản để Federer bẻ gãy được game giao bóng của Djokovic, làm đối phương chịu một sức ép khá lớn trong khi giao bóng sang tay thuận của Federer liên tục không phải là sự lựa chọn khôn ngoan.
Một trong những hạn chế hiếm hoi của Djokovic chính là xử lý các quả bóng cắt chìm của đối thủ dù đã được khắc phục phần nào nhưng anh vẫn gặp nhiều khó khăn với các đường bóng ấy hơn so với các cú topspin xoáy lên cao bởi anh có khả năng đè bóng rất tốt.
Năm 2013, Djokovic khi thua Berdych và Dimitrov tại Madrid và Rome Masters cũng như lúc kỷ lục bảy trận thắng liên tiếp trước Nadal kết thúc năm 2012 cũng một phần bởi đối phương sử dụng cú cắt bóng tinh tế và hiệu quả.
Còn nói tiếp về cú cắt bóng trái tay của Federer, đó thực sự là một vũ khí. Và khi tràn lưới, Federer volley trái nặng như một cú bạt.
Nó cộng với việc Federer giao bóng tốt (trên 70% các cú giao bóng 1 vào sân), anh tràn lưới khá tự tin dù tỉ lệ ghi điểm thành công chưa đạt tới mức lý tưởng.
Ở trận thắng Djokovic, tỉ lệ ghi điểm trên lưới của Federer là 20/35. Còn ở trận thắng Simon tại chung kết, tỉ lệ đó là 24/35.
Federer hóa giải Djokovic tại bán kết
Djokovic bản lĩnh, cũng đã bung trái dọc dây để đáp trả một cú volley trái nặng khi huyền thoại người Thuỵ Sĩ giao bóng game quyết định của trận đấu, nhưng Federer tiếp tục tràn lưới ở điểm cuối cùng và kết thúc trận đấu với một điểm winner.
Đó cũng được hiểu như là sự lựa chọn tất yếu nếu không muốn nói là con đường duy nhất để Federer có thể vượt qua Djokovic. Còn nếu đôi công ở cuối sân, Federer không đủ khả năng về thể lực để đeo bám.
Điều này lý giải tại sao ở trận chung kết có 24 game và hai loạt tiebreak, Federer cũng chỉ tràn lưới 35 lần, đúng bằng số lần lên lưới tấn công khi anh đương đầu với Djokovic trong trận đấu có 20 game tròn trịa.
Một thế giới phải có Federer
Nhìn cái cách Federer hoá giải Djokovic từ Roland Garros 2011 cho tới Thượng Hải 2014 cũng đủ thấy ý nghĩa đặc biệt của sự góp mặt ở tennis đỉnh cao của Federer trong giai đoạn anh không còn đỉnh cao phong độ.
Các chiến thắng ấy cũng có thể tạo ra động lực cho bản thân Federer, một người đang ở những năm tháng cuối cùng của sự nghiệp và hiếm có những sự so sánh tương thích.
Danh hiệu ở Thượng Hải là chức vô địch thứ 23 ở hệ thống Masters (chỉ sau Nadal) và nó còn giúp Federer là người nhiều tuổi thứ hai trong lịch sử đoạt được danh hiệu trong hệ thống ấy, chỉ sau Agassi từng vô địch Masters ở tuổi 34 và 4 tháng.
Cộng với cơ hội để trở lại ngôi vị số 1 thế giới ngay cuối mùa này nếu chiến thắng ở hầu hết các giải anh tham dự trong khi Djokovic thất bại ở Paris và London (khoảng cách hiện tại là 2430 điểm) cũng sẽ giúp Federer tiếp tục sự nghiệp cầm vợt đỉnh cao của mình.
Sẽ chỉ treo vợt sớm nhất là sau Olympic ở Rio de Janeiro 2016 là một tuyên bố đáng tin của Federer!