"Cơn bão" của gameshow ngoại
Đấu trường 100, Ai là triệu phú, Trò chơi âm nhạc, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Hợp ca tranh tài là các chương trình chiếm lĩnh khung giờ vàng vào tất cả các ngày trong tuần, từ thứ 2 đến thứ 6.
Vào thứ 7, Chủ nhật, khung giờ của gameshow được mở rộng hơn. Trưa thứ 7, khán giả có thể xem Trẻ em luôn đúng, còn trưa Chủ nhật là Cuộc thi nấu ăn Iron Chef. Riêng tối Chủ nhật, công chúng còn được thưởng thức liền một lúc hai “món” là Tìm kiếm tài năng Việt Nam và Bước nhảy hoàn vũ.
Bước nhảy hoàn vũ - chương trình mua bản quyền nước ngoài đang thực hiện tại Việt Nam
Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam công bố kế hoạch sản xuất chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng The Amazing Race, được mua bản quyền của Disney Media Distribution, với phiên bản Việt tên là Cuộc đua kỳ thú. Tập đầu tiên của chương trình này lên sóng truyền hình VTV3 vào 20h ngày 18/5, phát sóng liên tục 13 tập đến ngày 10/8. Và sắp tới, có thêm những “cơn bão” gameshow truyền hình mới của nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam như Vua đầu bếp (MasterChef), Người đi xuyên tường (Hole in the Wall), Cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc (X-Factor)…
Đó là chỉ mới tính trên hệ sóng phổ thông của đài truyền hình trung ương. Hệ thống truyền hình trả tiền, các đài truyền hình địa phương cũng đang trong “cuộc chiến” khốc liệt tranh giành khán giả bằng các chương trình game show, truyền hình thực tế.
Đặc điểm chung của các chương trình này đều là được mua bản quyền của nước ngoài và Việt hóa tại Việt Nam.
Sự nổi tiếng và hệ lụy
Điều không thể phủ nhận là hầu hết các gameshow, chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài được đưa về Việt Nam đều rất nổi tiếng, luôn cuốn hút đông đảo khán giả tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với sự nổi tiếng sẵn có, cộng thêm với các chiêu PR, tạo sự kiện, cùng với việc phát sóng trong khung giờ vàng… nên các chương trình này đã thu hút được khối lượng người xem đông đảo.
Tuy nhiên, được sản xuất ở nước ngoài, cho khán giả nước ngoài, và bởi người nước ngoài, nên không phải sự “Việt hóa” nào cũng nhuần nhuyễn, và thích hợp với thị hiếu của người Việt. Thực tế là khi các chương trình mua bản quyền ở nước ngoài về đến Việt Nam vẫn phải tuân thủ theo những nguyên tắc bắt buộc của đối tác nước ngoài như format sân khấu, cách thức chơi, tuyển chọn…
Cũng vì việc quá tuân thủ một cách máy móc, rập khuôn này mà một số chương trình đã tạo sự “chướng tai gai mắt” cho khán giả Việt. Có những chương trình gây phản cảm với người xem, và được nhà sản xuất lý giải rằng: Mua bản quyền, nên phải theo kịch bản của họ. Kể cả phong thái, câu thoại của người dẫn chương trình… có trường hợp cũng được quy vào chuyện tuân thủ bản quyền.
Rất cần chương trình của người Việt cho người Việt
Thực tiễn này đặt ra câu hỏi, sáng tạo của Việt Nam ở đâu, những người làm truyền hình của Việt Nam làm gì trong cơn lốc mua bản quyền truyền hình nước ngoài?
Một trong số những chương trình hiếm hoi có bản quyền thuộc về người Việt
Có thể nói, trong số các chương trình game show, truyền hình thực tế do người Việt Nam sáng tạo ra quá ít. Có thể đếm trên đầu ngón tay. Và hiện tại, trong số các gameshow đình đám trên hệ sóng VTV, chỉ còn lại Bài hát yêu thích là chương trình do Việt Nam sản xuất.
Với độ hút khán giả của Bài hát yêu thích, có thể thấy, sự sáng tạo của gameshow Việt Nam không hề thua kém các chương trình bản quyền nước ngoài. Đó là chưa kể đến những tốn kém về tài chính, và đặc biệt là điểm khó dung hòa giữa văn hóa của mỗi đất nước.
Nói về mục đích của việc tạo dựng Bài hát yêu thích, chủ nhân của ý tưởng tâm sự: "Là những người làm truyền hình, tôi thực sự thấy mình chưa làm trọn trách nhiệm khi không sáng tạo được một sân chơi của người Việt dành cho người Việt. Đặc biệt với lĩnh vực âm nhạc, đang thu hút sự quan tâm của tất cả mọi người, tại sao không có một chương trình để cộng động những người yêu nhạc đều có thể góp sức, tạo nên một sản phẩm ý nghĩa cho tất cả mọi người!"
Tuy mới đi được gần một nửa chặng đường của năm thứ nhất, và vẫn còn một vài vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhưng Bài hát yêu thích đã chứng minh rằng khán giả Việt đang rất cần những chương trình do người Việt sáng tạo. Thời điểm này, chưa thể khẳng định được sự thành công của Bài hát yêu thích, song, khán giả và người làm nghề đều công nhận khả năng dám làm của ekip Bài hát yêu thích với chương trình thuần Việt của mình.