Kết quả kiểm nghiệm do Cục Bảo vệ thực vật công bố cho thấy có một số mẫu táo nhiễm hóa chất độc hại (tương tự táo trồng ở vùng Sơn Đông, Trung Quốc) là thiram và arsen nhưng hàm lượng các chất độc hại này nằm trong ngưỡng cho phép của cơ quan chức năng.
Cụ thể: Một mẫu phát hiện có hóa chất thiram ở mức là 0,08ppm, trong khi dư lượng tối đa cho phép là 2ppm. Như vậy, hàm lượng hóa chất độc hại bị phát hiện thấp hơn đến 100 lần so với hàm lượng cho phép. Ngoài ra, 15 mẫu phát hiện có arsen ở mức từ 0,02 đến 0,11 ppm, cũng nằm trong ngưỡng cho phép (dư lượng tối đa được phép là 1ppm).
“Nhu vậy, có thể kết luận táo Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Hồng cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết đợt kiểm nghiệm này đã lấy 40 mẫu táo thu thập tại 2 thị trường lớn nhất nước là Hà Nội và TP. HCM. Toàn bộ 40 mẫu trên được lấy ở các chợ đầu mối lớn của 2 thành phố này.
Trước đó, loại táo Fuji, được trồng tại Sơn Đông (Trung Quốc) bị phát hiện được trồng theo công nghệ cực độc. Loại táo này có nguồn gốc từ Úc, được ưa chuộng bởi giòn, thơm, ngọt, được xuất khẩu sang nhiều nước.
Bằng công nghệ dùng bọc nhựa bên trong có chứa thuốc trừ sâu để bọc kín táo từ lúc xanh cho tới lúc chín, loại táo này được xác định là rất độc hại.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, phía Trung Quốc cũng đã thông báo họ tìm thấy 2 chất cấm độc hại trong túi bọc táo tại một số nhà máy sản xuất. Đó là thiran - một loại thuốc diệt nấm độc hại và asen- thạch tín.
Hai chất này tồn tại trong túi bọc dưới dạng bột. Chất bột được dùng trong các bọc nhựa có thể gây ra những triệu chứng ngộ độc như co giật, sốt, bất tỉnh, ói mửa.
Hiện nay, mỗi năm táo Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn khoảng 100 ngàn tấn. Tổng lượng táo có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập về Việt Nam chiếm khoảng gần 50% thị trường.