Dù rất buồn với kết quả thi vừa rồi nhưng Thuận cho biết, cậu sẽ vừa đi làm vừa ôn thi để năm tiếp tục thi đại học.
Thí sinh nổi tiếng
"Cho đến tận bây giờ khi kể lại câu chuyện của con về chuyến đi dài hơn 300 km của con bằng chiếc xe đạp chị vẫn còm rơm rớm nước mắt. Trước đi Thuận đi nó có xin tôi 10 nghìn đồng. Nhưng lúc đó trong nhà không còn đồng nào để đưa cho con. Khoảng 13h ngày 29/6, em mang chiếc túi xách hàng ngày sang nhà bạn hỏi mượn xe đạp. Cứ nghĩ con mượn xe đi học nên tôi cũng chẳng để ý. Nhưng chờ mãi đến tối vẫn không thấy con trở về, hỏi thăm thầy cô và tất cả bạn bè của nó mà không ai biết. Gọi điện thoại thấy đổ chuông mà không nhấc máy, mọi người ở nhà đều lo lắng đúng ngồi không yên, chạy khắp nơi để tìm. Đến khi báo chí đưa tin việc Thuận đi thi lên thì gia đình mới hay. Lúc đó giận con cũng giận thật nhưng sau đó chúng tôi lại thương nó, cũng vì hoàn cảnh khó quá...", chị Tuệ bỏ lửng câu nói.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, là anh trai cả trong nhà nên Ngô Văn Thuận (SN 1994) có tính tự lập từ nhỏ, lại học giỏi để làm gương cho các em noi theo. Năm Thuận lên lớp 5 thì em gái Thuận mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình lại không có tiền chữa bệnh nên sau mấy tháng đổ bệnh đã qua đời. Lúc làm hồ sơ thi đại học Thuận đã một mình quyết định và giấu mọi người trong gia đình vì em nghĩ bố mẹ sẽ không cho đi một mình giữa Thủ đô xa lạ. Sau khi hoàn chỉnh hồ sơ, Thuận đã chuẩn bị cho mình tinh thần để đạp xe đi thi. Trưa ngày 29/6, Thuận đã xuất phát để thực hiện ước mơ của mình.
Thuận đạp xe xuống thị trấn Yên Thành, qua Diễn Châu một đoạn thì thấy bảng chỉ dẫn đi Hà Nội 270 km nên em quyết định đạp xe một mạch ra Hà Nội. "Em chưa biết Hà Nội ở đâu cả nhưng em nghĩ mình cứ đạp xe men theo quốc lộ 1A thì sẽ đến. Lúc đi trong túi chỉ vỏn vẹn 30 nghìn đồng cả tiền mẹ cho lẫn tiền bán sắt vụn có được. Khi ra đến Hà Nội em vẫn còn dư 10 nghìn trong túi. Suốt hành trình đó em chỉ ăn bánh mì không và uống nước mang từ nhà đi. Nếu mệt thì em nghỉ khoảng 15 phút rồi đi tiếp. Buổi tối mát trời em tích cực đạp hơn", Thuận hồn nhiên kể lại về hành trình của mình.
Đêm ấy, đạp liên tục được tầm 40km, Thuận lại xuống vừa dắt xe đi bộ vừa nghỉ. Do không biết đường nên khi gặp đường rẽ, Thuận gọi tổng đài Bưu điện Nghệ An để được hướng dẫn rồi đi tiếp. Do trời nắng nóng đạp xe liên tục, mệt rũ người, Thuận tạt vào Bệnh viện Hợp Lực của TP. Thanh Hóa nằm nghỉ chân. "Nhưng em chỉ ngồi chứ không dám nằm xuống ngủ mặc dù rất đau lưng vì sợ nằm ngủ kẻ xấu lấy mất chiếc xe", Thuận cho hay.
Khoảng hơn 9h ngày hôm sau khi ra đến huyện Thạch Thất (Hà Nội) Thuận vào quán ven đường xin nước uống. Tình cờ Thuận gặp một người tốt bụng hỏi han. Đó là đại úy Nguyễn Quốc Khánh, công an huyện Thạch Thất. Biết chuyện một thí sinh từ Nghệ An đạp xe 300 km chỉ uống nước chứ không có gì để ăn, đại úy Khánh xem giấy tờ tùy thân rồi chở Thuận đến gặp một số cán bộ Huyện ủy Thạch Thất. Cuối cùng Thuận được gia đình ông Ánh cưu mang việc ăn ở và chở đi thi.
Không từ bỏ ước mơ
Sau khi trường Sĩ quan Lục quân 1 công bố điểm chuẩn là 16,5, Thuận rất tiếc vì không đủ điểm đỗ (em thi được 14 điểm, cộng điểm khu vực là 15 điểm). Tuy số điểm không được như mong đợi nhưng ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó của cậu bé đạp xe hơn 300km để đi thi đại học. "Khi đọc xong đề, em xác định có thể đạt 8 điểm. Em đã làm hết khả năng của mình nhưng thú thật khi làm bài đầu óc khó tập trung đến tối đa vì người quá mệt mỏi. Ngay lúc đó, em nghĩ nếu trượt đợt thi này sẽ đi làm thêm sửa chữa điện tử ở chợ Vinh, chờ cơ hội vào miền Nam thi vào một trường dạy nghề nào đó", Thuận cho biết.
Chiếc xe đạp đã cùng Thuận đi suốt hành trình 300km để thi đại học.
Khi vừa đi thi về đến nhà được một ngày, Thuận liền xin bố mẹ xuống chợ Vinh để làm thêm. Nhưng làm được một ngày thì bố mẹ gọi về quê để nghỉ ngơi, gọi mãi Thuận mới chịu về nhà. "Em chọn trường Sĩ quan Lục quân I để thi vì nếu được vào trường này, cha mẹ em sẽ đỡ gánh nặng về học phí và ăn ở. Cha mẹ đều làm nghề nông, bệnh tật ốm yếu suốt, từ khi sinh em rồi nuôi ăn học suốt 12 năm trời trong ngôi nhà sụm", nói đến đó, Thuận rưng rưng ánh mắt.
Mặc dù chưa đỗ trong kỳ thi năm nay nhưng Thuận vẫn quả quyết cho biết: "Năm sau, em sẽ tiếp tục thi lại vào trường Sĩ quan Lục quân 1 để theo đuổi ước mơ của mình. Thời gian sắp tới, em sẽ đi vào Nam vừa học vừa làm để tiết kiệm tiền, năm sau tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình. Nhà nghèo, em phải chấp nhận xa xứ làm thêm, chứ giờ ở nhà ôn thi lại, gia đình không đủ tiền cho em ăn học. Bố mẹ đau ốm suốt hơn nữa gia đình phải dành số tiền lớn để chữa bệnh cho bà nội và nuôi em trai ăn học. Em không muốn bố mẹ có thêm một gánh nặng nữa. Đây là ngôi trường mà em mong ước từ lâu và vào được trường này thì gia đình sẽ không phải lo học phí nên em sẽ quyết tâm theo đuổi. Em biết chỉ có học mới giúp gia đình em đỡ khổ và có tiền để đưa bà nội đi chữa bệnh", nói xong Thuận đưa mắt nhìn sang người bà nhỏ thó đang ốm, nằm ở góc giường.
Đã nhiều lần định nghỉ học vì nghèo
Thầy Nguyễn Trọng Mậu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thuận cho biết: "Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nhiều lần Thuận đã bỏ học đi làm thêm ở dưới TP Vinh nhưng nhờ bạn bè và thầy cô động viên và giúp đỡ, Thuận mới tiếp tục đến lớp. Tuy vậy, Thuận luôn đạt học sinh khá giỏi của trường, không những thế Thuận còn là một cán bộ gương mẫu được bạn bè và thầy cô quý mến".
Trong ngôi nhà nhỏ mới được sửa lại, những cây cột trong nhà đều phải chắp nối hai lần do lúc trước nhà thấp và bị mối ăn đến gần sập, mẹ Thuận buồn buồn tâm sự: "Cách đây mấy năm nhà tôi nghèo đến mức không có cơm mà ăn. Căn nhà này lúc xưa mối nhiều đến mức mỗi khi đi làm về là tôi liền lấy chổi để quyét mối ra khỏi nhà kẻo nó leo lên ăn hết gỗ". Rồi chị Tuệ bỗng đổi giọng tươi vui: "Hôm trước do chúng tôi nghèo quá nên không có tiền cho con đi thi. Giờ thấy nó ham học thế này và cũng thấy con có khả năng nên dù có khó khăn đến mấy gia đình cũng sẽ cố gắng cho Thuận đi học. Nhà còn mấy đàn gà ngoài vườn kìa, chắc bán đi cũng đủ cho nó tiền xăng xe để năm sau không phải giấu mẹ đạp xe đi thi".
Những ngày này khi nghe tin các bạn trong lớp đậu đại học với số điểm cao làm Thuận nhiều lúc hoang mang. "Bạn bè trong lớp cũng học ngang tầm như em mà giờ ai cũng đậu những trường danh tiếng cả em cũng thấy chạnh lòng. Hy vọng năm sau thi lại em sẽ đậu với số điểm cao hơn", Thuận nói xong rồi mỉm cười vui vẻ. Tuy nhiên, khi Thuận vừa đi xuống nhà lấy nước, chị Tuệ cho biết: "Nhìn bề ngoài nó vui vẻ vậy thôi chứ trong lòng nó buồn lắm. Khi chưa biết kết quả thi ngày nào cũng xin tôi 2 nghìn đồng đạp xe hơn 10 cây số ra chỗ có máy tính để lên mạng tra kết quả. Nhiều hôm thấy con đi về giữa trưa tôi có hỏi nhưng con chỉ nói đi có việc chứ nó không nói rõ cho tôi biết".
Sau khi biết kết quả thi, hằng ngày Ngô Văn Thuận lại đạp xe đi làm đủ nghề để kiếm từng đồng tiền nhỏ để tích góp cho những dự định của mình sau này. Nhìn dáng người khắc khổ của em, chúng tôi thầm cầu mong cho những điều may mắn sẽ đến với gia đình nghèo khó và cậu học trò nghèo hiếu học ở vùng quê lúa Yên Thành.