Kết cục bi thảm của các vua Trung Quốc cầu thuốc trường sinh

Từ thời Tần đến thời Minh đã không ít hoàng đế Trung Quốc lao tâm khổ tứ vì giấc mộng trường sinh để rồi tạo ra những bi kịch.

Cầu tiên xin thuốc

Trước và những năm đầu Công nguyên, con đường cầu trường sinh bất lão của các hoàng đế Trung Hoa tập trung ở sự cầu cúng các bậc thần tiên. Điển hình như Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng. Ảnh minh họa.

Sác sử cho biết sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc, có kẻ phương sĩ tên là Từ Phúc tìm đến cầu kiến. Họ Từ trịnh trọng dâng lên một bức sớ nói rằng ở Đông hải có hòn đảo có tiên ở và ông ta xin tự nguyện trai giới để đi cầu thuốc tiên cho hoàng đế. Tần Thủy Hoàng từ trước đã được những đạo sĩ khác phỉnh phờ là họ nhìn thấy núi Tam Thần ở Đông Hải, trên đó có nhiều thứ lạ và có tiên ông sinh sống. Bởi thế khi nghe Từ Phúc nói thì Thủy Hoàng mừng lắm bèn thể theo tấu trình của Từ Phúc mà cho chọn lựa 3000 đồng nam, trinh nữ cùng đầy đủ thuyền bè, mang theo những thợ thủ công giỏi nhất và những hạt giống tốt cho Từ Phúc đặc sứ ra biển cầu tiên.

Nhưng đội thuyền to lớn ấy ra đi không có ngày trở về. Cho đến khi Thủy Hoàng qua đời vẫn chưa thấy bóng dáng Từ Phúc đâu. Tần Thủy Hoàng đành ôm giấc mộng trường sinh về âm phủ. Còn về Từ Phúc, theo Wikipedia, ông ta đã đến Nhật Bản và định cư tại đó.

Uổng mạng vì tiên đan

Sau đời Hán, các vua Trung Hoa tìm cách tiếp cận khác đối với vấn đề trường sinh. Thay vì cầu tiên xin thuốc, họ tích cực thử nghiệm các loại đan dược do các đạo sĩ chế luyện. Các đạo sĩ ra sức quảng cáo đan dược của họ vô cùng kỳ diệu nên tạo ra một phong trào luyện đan để cầu trường sinh.

Phong trào chẳng biết là từ dân gian lan vào hoàng cung hay ngược lại nhưng chỉ biết rằng đã có vài ông vua vì uống “tiên đan” của các đạo sĩ mà vong mạng hoặc điên khùng. Đó là trường hợp Tấn Ai Đế sống thời Nam Bắc triều. Theo tài liệu Bí thuật dưỡng sinh của vua Càn Long của tác giả Hướng Tư thì ông này lên ngôi năm 21 tuổi đã nhanh chóng mê thuật trường sinh. Rất nhiều đạo sĩ, phương thuật thường vào ra cung đình để truyền cho ông bí thuật trường thọ.

Ông làm theo các phương pháp trường thọ của họ là nhập định, không ăn ngũ cốc, uống đơn dược – thực chất là một loại thuốc tễ có tính nóng được chế từ các vị thuốc như hùng hoàng, dễ làm cho người ta nổi nóng.

Loại thuốc này công hiệu giúp cho những thân thể bị suy nhược được cường tráng và mạnh khỏe hơn nhưng đối với một thanh niên cường tráng tràn đầy sức sống thì chẳng khác nào uống thuốc kích thích. Tấn Ai Đế uống thuốc này rồi thì mỗi ngày dược tính bộc phát không có cách nào khống chế nổi. Bởi thế mới 25 tuổi ông ta đã chết vì bị hưng phấn quá độ.

Vua Bắc Ngụy là Đạo Vũ Đế cũng là một kẻ si mê thuật trường sinh. Thời trai trẻ ông này rất anh hùng. Năm 16 tuổi đã lập nên đế quốc Bắc Ngụy cường thịnh. Nhưng từ năm 30 tuổi trở đi ông bắt đầu ăn chơi sa đọa, ngày ngày chỉ rượu chè, chạy theo các ham muốn dục vọng. Vùi đầu trong trụy lạc nên ông sinh ra sợ chết và luôn khao khát cầu thuốc trường sinh để mãi mãi được hưởng thụ. Ông đã nghe theo các đạo sĩ mà uống các loại đan dược và ăn một lượng lớn hàn thực tán.

Hậu quả là ông trở nên thần trí bấn loạn, vui buồn bất thường, suốt ngày cứ đi lại vật vờ như bị quỷ ám trong cung. Từ tính khí thất thường sinh ra các hành vi cực kỳ tàn nhẫn là giết người làm vui ở trong cung viện, kinh sư và cả ở những vùng quê hoang vắng.

Tiên đan ngự nữ làm khuynh đảo triều Minh

Đến thời Minh, con đường cầu trường sinh bất lão lại chuyển biến sang hướng khác sau khi các loại “tiên đan” của đạo sĩ mất uy tín vì làm chết yểu vài ba ông vua. Con đường đó là phòng trung thuật – sử dụng các phương pháp để vừa hưởng thụ nữ sắc vừa không tổn hại sức khỏe mà còn sống lâu.

Điển hình cho trường hợp này là vua Minh Thế Tông. Ông này đã trọng dụng và làm theo bí thuật của đạo sĩ Đào Trọng Văn để cầu được sống lâu. Cách của Đào Trọng Văn dạy cho vua là luyện một loại đan dược cổ quái có tên là Thiên đan diên để uống.

Nói nó cổ quái bởi vì theo tài liệu của Hướng Tư đã nói trên, cách luyện Thiên đan diên là: lấy máu kinh tháng đầu của trinh nữ bỏ vào đồ đựng bằng vàng hay bạc, thêm nước ô mai, nấu sôi bảy lần để nước cô đặc lại, bỏ thêm bột sữa, đan thạch, nhựa thông, chì đỏ, niệu phấn đảo đều, để lửa nhỏ luyện thành thể rắn.

Hoàng đế Vạn Lịch nhà Minh. Ảnh minh họa.

Minh Thế Tông nghe theo, uống Thiên đan diên vào liền cảm thấy nóng bừng bừng, dục tính phát tác. Ông ta chạy vào hậu cung và tùy tiện thỏa mãn với bất kỳ cung nữ nào ông gặp. Một vài lần cảm thấy rất thỏa mãn, không đến nỗi tổn thọ. Bởi thế Minh Thế Tông cho bắt rất nhiều trinh nữ vào cung để phục vụ. Một thống kê cho thấy chỉ trong năm Gia Tĩnh thứ 31 riêng kinh thành đã nộp 300 trinh nữ từ 8 đến 14 tuổi vào cung để thỏa mãn thú tính cho vua.

Mặc dù ông vua hoang dâm này không bị chết yểu nhưng vì ham mê sắc dục nên đã bỏ bê triều chính chẳng ngó ngàng gì nữa. Sau cùng, vào năm Gia Tĩnh thứ 44, cũng vì uống thuốc kim thạch của một đạo sĩ tên là Vương Kim Tiến nên đã bị ốm nặng rồi qua đời.

Vua đã như vậy, các đại thần cũng không chịu lạc hậu nên đua nhau thỉnh Đào Trọng Văn chỉ bày cho cách. Thượng thư bộ Binh Đàn Luân là người nhiệt tình nhất. Sau khi học được thuật phòng trung của Trọng Văn, trong hơn 20 năm, ông này đã hưởng thụ vô số nữ nhân. Tuy nhiên, một lần ông ta dùng cách này khi tìm vui với một kỹ nữ thì thất bại. Từ đó ông ta ngã bệnh và bệnh ngày càng trầm trọng khó giữ tính mạng. Lúc sắp chết ông ta cảnh báo với ông bạn thân là đại thần Trương Cư Chính rằng “muốn giữ mạng sống thì phải thận trọng khi dùng phương thuốc này”. Cư Chính không tin nên vẫn tiếp tục và sau đó cũng đã ngã bệnh không dậy được.

Ngoài Minh Thế Tông, triều Minh còn một ông vua khác là Minh Thần Tông (niên hiệu Vạn Lịch) cũng u mê. Vạn Lịch theo sách những điều bí ẩn trong lịch sử Trung Quốc đã bỏ không lâm triều trong suốt 25 năm liền. Suốt ngày ông ta chỉ ru rú ở tẩm cung chìm đắm vào đam mê nhục dục. Có lẽ hành động này cũng có liên quan đến bí thuật phòng trung vốn đã khuynh đảo triều Minh từ thời Thế Tông.