Một nhóm máy bay tiêm kích đánh chặn mới MiG-31BM Foxhound vừa được Không quân Nga triển khai ở khu vực Novosibirsk thuộc Siberia để bảo vệ cho các nhà máy công nghiệp ở đây, RIA Novosti dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Năm.
Việc triển khai các máy bay tiêm kích tiên tiến này là một phần trong chương trình tái trang bị các đơn vị không quân phản ứng nhanh để bảo vệ không phận của Siberia, thông báo của Bộ Quốc phòng Nga chỉ rõ.
Trước đây, vùng không phận ở Novosibirsk được bảo vệ bởi một đơn vị máy bay chiến đấu đóng ở thành phố Omsk, nhưng đơn vị này đã bị giải thẻ vào năm 1998.
MiG-31BM là một máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng, một biến thể nâng cấp và hiện đại hóa sâu của "huyền thoại" MiG-31 sau khi được hiện đại hóa sâu.
Mặc dù chỉ là một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và được phát triển từ thời Liên Xô nhưng với vai trò và khả năng của mình, các máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31 vẫn là một nhân tố quan trọng trong hệ thống phòng thủ không gian của Nga.
Những chiếc Foxhound tiếp tục phục vụ sẽ được nâng cấp lên chuẩn hiện đại MiG-31BM
Do kinh phí còn hạn chế cũng như yêu cầu tác chiến trong tình hình mới nên chỉ có 100 chiếc trong tổng số 252 chiếc Foxhound mà Không quân Nga đang sở hữu sẽ tiếp tục phục vụ.
Hầu hết trong số đó sẽ được nâng cấp lên chuẩn hiện đại MiG-31BM (bao gồm cả một số máy bay MiG-31DZ, MiG-31BS trang bị hệ thống tiếp nhiên liệu trên không, và các máy bay MiG-31B. Số máy bay này sẽ được nâng cấp radar có tầm phát hiện "siêu xa", lên tới 320 km.
Ngoài ra, MiG-31 cũng được bổ sung thêm các chế độ hoạt động mới, trang bị hệ thống điện tử hàng không và buồng lái mới cũng như hệ thống định vị và tên lửa mới, bao gồm tên lửa không - đối - không tầm xa K-37M có tầm bắn lên đến 222 km và tên lửa sử dụng radar chủ động R-77-1.
Buồng lái hiện đại của MiG-31BM
Tên lửa R-77-1 hay còn được gọi là R-77M hoặc RVV-SD, được phát triển để trang bị cho loại tiêm kích đa năng, siêu cơ động thế hệ 4++ Su-35S và Tổ hợp hàng không chiến thuật tương lai cho không quân PAK FA (Sukhoi T-50).
Theo KTRV, RVV-SD là tên lửa không - đối - không tầm trung, dùng tiêu diệt các mục tiêu bay, bao gồm máy bay tiêm kích, máy bay ném bom, máy bay vận tải quân sự, trực thăng và tên lửa hành trình trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm, ở mọi góc độ, trên không, trên bộ và dưới mặt nước khi gặp đối phương tác chiến điện tử mạnh.
RVV-SD là tên lửa hoạt động theo nguyên lý "bắn và quên", sử dụng hệ dẫn quán tính có điều khiển bằng vô tuyến và đầu dẫn radar chủ động, đạt tầm bắn xa 110 km (bán cầu trước) và 0,3 km (bán cầu sau). Độ cao tiêu diệt mục tiêu từ 20 m tới 25 km.
K-37M hay còn được gọi là RVV-BD hoặc AA-13 Arrow (theo cách gọi phương Tây), là một tên lửa không - đối - không tầm xa được phát triển cho biến thể MiG-31BM từ những năm 1980 để thay thế cho tên lửa R-33. K-37M có vẻ như là một kẻ thừa kế công nghệ tên lửa không - đối - không K-37 trang bị cho máy bay MiG-31M. Tới mùa hè năm 2010, chương trình tên lửa này vẫn trong giai đoạn phát triển như một vũ khí riêng cho máy bay MiG-31BM.
Một số nguồn tin Nga báo cáo rằng, K-37M đã trải qua lần thử nghiệm đầu tiên trong đầu năm 2012 trước khi chuẩn bị đưa vào trang bị cho Không quân Nga. Tuy nhiên, tất cả những thông số về tên lửa mới vẫn nằm trong vòng bí mật, ngoại trừ tầm xa hiệu dụng tới 222 km mới tiết lộ gần đây.
Tuy nhiên, theo như RIA Novosti tiết lộ vừa qua thì MiG-31BM có thể tham gia tấn công mục tiêu từ khoảng cách xa 280 km. Do vậy rất có thể tầm chiến đấu của 2 loại vũ khí siêu hạng R-77-1 hoặc K-37M sẽ xa hơn nhiều so với những thông tin trước đây.