Sau sự cố múa lắc trong trang phục ĐTVN trên xe ôtô tại TP. Thanh Hóa ngày 7/9/2012 vừa qua, cựu tuyển thủ VN Huy Hoàng đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của mình trong con mắt người hâm mộ, và thậm chí Huy Hoàng còn trở thành đối tượng chỉ trích của một bộ phận không nhỏ dư luận, trong đó có cả người từng là thầy trực tiếp của Huy Hoàng như cựu HLV trưởng ĐTVN Henrique Calisto.
Thế nhưng, xét ở khía cạnh nào đó, Huy Hoàng lại rất đáng được “khen ngợi”, bởi nếu không có “thảm họa ngày 7/9” của trung vệ này, sẽ chẳng mấy người biết được sự thật gây sốc về những góc khuất của bóng đá VN.
Ai có thể tin rằng một giải đấu tiêu tốn hàng nghìn tỷ mỗi năm, và ngay trong mùa giải đầu tiên do VPF điều hành đã có lãi gần trăm tỷ đồng như V-League lại không hề tiến hành kiểm tra doping với các cầu thủ vì lý do “kinh phí bỏ ra không hề nhỏ”?! Tại sao ban lãnh đạo VPF đã từng quyết liệt đến như thế trong cuộc chiến tranh chấp bản quyền truyền hình, khi họ cố gắng tìm mọi cách chứng minh sự bất hợp pháp của một bản hợp đồng được cả Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ VH-TT-DL cùng công nhận là không trái pháp luật, còn với một vấn đề có ý nghĩa sống còn, liên quan tới tương lai của cả nền bóng đá như việc phòng ngừa và kiểm soát doping thì người ta lại đơn giản chỉ buông thõng một câu “cần nhất là ý thức của mỗi cầu thủ và trách nhiệm của CLB”?
Đối với các nền bóng đá chuyên nghiệp, chống chất kích thích là một điều bắt buộc phải thực hiện bằng mọi giá và phải làm song song với quá trình diễn ra các giải đấu, bởi dùng chất kích thích với bất cứ mục đích gì đều không tốt, có thể coi là gian lận thể thao (trong trường hợp doping) và ảnh hưởng đến sức khỏe (ma túy, các chất kích thích khác). Vậy tại sao VPF không làm, nếu như vấn đề hệ trọng đến thế, phải chăng họ không coi trọng vấn đề này? Nếu họ không làm thì bao giờ họ mới làm? VPF đã lãi gần trăm tỷ ngay trong mùa bóng đầu tiên như thế mà còn không làm, thế thì phải chờ tới khi họ lãi nghìn tỷ mới đủ kinh phí thực hiện chăng?
Và tại sao trong khi cả đại diện của VFF lẫn VPF đều nhất loạt cho rằng vì xét nghiệm doping đắt đỏ quá nên không thể tiến hành thường xuyên và theo diện rộng thì bác sỹ Nguyễn Văn Phú lại khẳng định sự thực hoàn toàn trái ngược, mà thông tin do ông Phú cung cấp hẳn là vô cùng tin cậy, bởi bản thân ông Phú vừa là chuyên gia trong lĩnh vực này, đồng thời cũng đã có 4 năm (2007-2011) làm phó ban Y học và trưởng tiểu ban Y tế cho chính VFF.
Không những thế, nếu những CLB như HN.T&T hay SHB.ĐN có thể kiểm soát được việc sử dụng chất bị cấm ở cầu thủ của mình thì cớ sao VPF lại không làm được điều đó, nhất là khi VFF từng có 4 năm liên tiếp làm việc này, nên giả dụ VPF thật sự muốn duy trì công việc xét nghiệm doping và chất kích thích cho các cầu thủ thì đơn giản chỉ cần làm việc với đối tác của VFF là Bệnh viện Thể thao VN chẳng phải sẽ xong xuôi ngay sao? Mà cả VPF lẫn Bệnh viện Thể thao VN đều cùng có trụ sở ở Mỹ Đình, và khoảng cách giữa 2 bên hình như chưa tới 1 km theo đường chim bay!
Có rất nhiều câu hỏi như thế dành cho VFF và VPF sau “thảm họa ngày 7/9” của Huy Hoàng, và dám chắc nếu trung vệ này không dính phải sự cố ấy thì không biết đến bao giờ người ta mới rõ được sự thực tày trời xung quanh vấn đề phòng ngừa và kiểm soát doping ở bóng đá VN. Chẳng lẽ cái chết của Molina không phải là bài học cho bất cứ ai? Và nếu không có “thảm họa ngày 7/9” của Huy Hoàng thì ai mà biết sẽ còn có bao nhiêu Molina nữa như thế trong tương lai, khi mà việc phòng ngừa và kiểm soát doping tiếp tục bị phó mặc hoàn toàn cho ý thức của cầu thủ cũng như CLB?
Thế nên, không phải không có lý khi cho rằng xét ở khía cạnh nào đó thì Huy Hoàng cũng xứng đáng được xem là một “người hùng” trong cuộc chiến nói không với ma túy và chất kích thích trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng! Chỉ có điều, đây là một “người hùng” bất đắc dĩ, và hậu quả của “thảm họa ngày 7/9” này là một sự mất niềm tin cực kỳ ghê gớm trên diện rộng, mà có khi không chỉ giới hạn trong lĩnh vực bóng đá.