Hủ tục 'bạo hành' phụ nữ chỉ nghe cũng thấy rợn người

Là ngực bé gái phẳng lì như nam giới, đuổi khỏi nhà mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt... là những hủ tục đáng sợ vẫn còn tồn tại trên thế giới.

Ít ai ngờ rằng, trên thế giới vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục tàn bạo, nghi lễ trừng phạt phụ nữ đáng sợ. Mặc dù có rất nhiều tổ chức bảo vệ phụ nữ lên tiếng về những hành động dã man này nhưng tại một số nơi, ngay cả những người phụ nữ cũng phải chấp nhận như một lẽ tự nhiên.

1. Là vòng 1 các bé gái phẳng lì như nam giới

Từ lâu, các bé gái ở Cameroon luôn phải chịu đựng những đau đớn, khổ cực từ hủ tục "là vòng 1" khi đến tuổi trưởng thành. Ngay từ khi bắt đầu có ngực, các bé gái sẽ bị mẹ dùng khối sắt nóng hơ trên bếp lửa để “là vòng 1” khiến nó trở nên phẳng lì như nam giới.

Thông thường, việc "là ngực" này được các mẹ thực hiện liên tục nhiều lần và bí mật từ lúc thấy em bé gái có dấu hiệu dậy thì cho đến khi nào vòng 1 xấu xí đi.

Chính vì các vụ cưỡng bức tình dục thường xuyên xảy ra trên đất nước Cameroon nên các bà mẹ tin rằng, nếu "là vòng 1", các em gái sẽ làm giảm đi những ham muốn bất chợt phát sinh từ những gã đàn ông ở xung quanh.

Mặc dù rất nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đã vận động người dân Cameroon không nên tiếp tục áp dụng hình thức gây đau đớn về thể xác và khiếp sợ về tinh thần này bởi nó vi phạm nghiêm trọng quyền con người, nhưng hủ tục này vẫn trở nên phổ biến. Không những thế, nó còn gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý của ít nhất 25% em gái tại quốc gia châu Phi này.

2. Xua đuổi phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt

Ít ai ngờ rằng, người dân Nepal hiện vẫn còn áp dụng hủ tục "đặc biệt" đối với phụ nữ - tục Chaupadi - xua đuổi phụ nữ khi họ tới kỳ kinh nguyệt tại Nepal. Theo đó, người phụ nữ sẽ bị tất cả mọi người xua đuổi, xa lánh mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt bởi họ cho rằng, nó là một sự ô uế.

Trong suốt thời gian "đèn đỏ", những người phụ nữ (kể cả trẻ em đến tuổi dậy thì) bị đuổi ra khỏi nhà, phải sống trong các túp lều, lán trại thô sơ hay chuồng bò. Không những thế, họ còn không được phép dùng chung nguồn nước với những người khác.

Không dừng lại ở đó, phụ nữ sau khi sinh con cũng bị cho là ô uế và phải sống cách ly với những điều kiện tương tự. Quá yếu và mất sức sau cơn "vượt cạn", cộng thêm không có sự chăm sóc của gia đình nên nhiều trường hợp 2 mẹ con đã mất ngay khi đứa bé sinh được vài ngày. 

Ngoài việc phải tiếp xúc với nhiều nguy hiểm, họ phải chống đối lại nguy cơ bị hãm hiếp bởi người đàn ông trong làng. Điều này càng thể hiện sự miệt thị của họ với người phụ nữ.