Hợp ca tranh tài: "Tài thật hay tài rởm"

Để đảm bảo âm thanh cho phần truyền sóng trực tiếp, phần nhạc và hợp xướng sẽ được thu trước cho các “ca sĩ nghiệp dư” nương theo thể hiện.

Dẫu trên sân khấu, mỗi tiết mục đều bộc lộ rõ sự hay - dở, thậm chí “phô” trong phần solo, nhưng với phần hợp xướng khá đồng đều (do được thu sẵn) - trong khi đây mới là yếu tố tranh tài và tạo nên sức hấp dẫn cũng như độ hơn thua giữa các đội. Do đó Hợp ca tranh tài, có lẽ nên đổi thành hợp ca "dối lừa".

1. Đội Hà Nội: Chiếc khăn rơi

Ca khúc Chiếc khăn rơi, cũ và là ca khúc không phổ biến với công chúng phía Nam. Bởi đây là một bài viết trên nền dân ca Thái. Chọn phong cách dân ca, hát đặc sệt dân ca, không có sự biến tấu khiến tiết mục phải gồng lên khi chỉ dựa vào những giọng ca nghiệp dư.

Hợp ca tranh tài hay hợp ca dối lừa?

Và hậu quả đã đến với đội Hợp ca Hà Nội khi chọn giọng nữ chính khàn, hát phá vỡ toàn bộ phần bè. Nữ chính của nhóm hát tạo cảm giác thừa sức khi liên tục gào lên trong các phần solo của mình.

Đã thế, ở đoạn giữa của bài hát, đội Hà Nội chọn cách làm mới bằng việc hát tiếng Thái lơ lớ. Việc hát tiếng Thái không gây bất ngỡ và cũng không phải là chiêu làm mới.

Thiếu sự đồng đều trong hát, đội Hà Nội khỏa lấp bằng những màn múa may. Có lẽ chính vì thế mà khi nhận xét ca sĩ Đức Tuấn đã bóc trần điểm yếu của đội Hà Nội với đánh giá “tiết mục của các bạn rất lung linh và nhiều màu sắc”.

Chẳng gì thất bại bằng việc sau bài hát, bạn được người ta khen “múa may hay, nhiều màu sắc”. Đây cũng là điều đáng suy nghĩ, khi đội trưởng đội Hà Nội là ca sĩ Khánh Linh, hẳn nhiều người mong muốn, Hà Nội sẽ tinh tế và học thuật nhiều hơn thế.

2. Đội Long Xuyên: Tình ca phố - Phố xa – Umbrella

Chọn ba bài hát tưởng như không liên quan đến nhau Tình ca phố - Phố xaUmbrella, khiến nhiều người đã tỏ ra lo lắng về sự kết nối thế nào cho thành một tiết mục. Nhưng mọi lo lắng đã bị xóa tan khi đội Long Xuyên cất tiếng hát. Họ hát bè xuất sắc, hòa quyện khiến ba bài hát thành một.

Đội trưởng Đức Tuấn cho biết: Mỗi tuần, Tuấn muốn tạo một màu sắc khác nhau. Tuần này, Tuấn chọn phong cách Mix – Up, đây cũng là một thể loại mới của thế giới. Người ta có thể lấy các bài của những ca sĩ nổi tiếng như Lady Gaga hay Micheal Jackson mix – up lại thành một bài. Vì vậy, Tuấn nghĩ tại sao không lấy những bài hát của Việt Nam mix-up với một ca khúc nổi tiếng nước ngoài. May mắn là Tuấn đã tìm được 3 bài hát có hợp âm rất giống nhau ở phần điệp khúc.

Với sự lựa chọn phong cách mix-up, Đức Tuấn tỏ ra là đội trưởng có năng khiếu sư phạm tốt nhất trong các ca sĩ tham gia Hợp ca tranh tài. Có lẽ do chính dòng nhạc Đức Tuấn hát đòi hỏi sự cầu kỳ trong kỹ thuật nên đã tạo nên sự khó tính trong cách làm việc của Tuấn. Nhờ vậy mà anh đã uốn nắn được đội hợp ca của mình thành một đội hợp ca đáng nghe bởi sự văn minh trong cách hát anh đã dàn dựng được một tiết mục.

Đức Tuấn cũng đã cho thấy gu của mình trong cách lựa chọn trang phục và vũ đạo. Phong cách mà đội Long Xuyên của Đức Tuấn chọn là đơn giản nhưng rất hiệu quả. Không khiến người xem rồi mắt.

3. Đội hợp ca Huế: Hò giã gạo – Dân ca Huế

Hợp ca Huế là đội được lập nên từ những thành viên đến từ Học viên âm nhạc Huế. Do đó, đội tỏ ra chuyên nghiệp trong cách hát.

Đội Huế có kỹ thuật tốt, nhưng tiếc cho đội là phần hợp ca được chế biến với liều lượng ít. Trong tiết mục Hò giã gạo, phần lớn là những phần solo của một vài thí sinh.

Khác với suy nghĩ của nhiều người, khi cho rằng Mỹ Lệ sẽ chọn một bài dân ca đặc sệt để chứng tỏ chất Huế của đội mình sau những điều tiếng về chuyện thiếu chất Huế trong đội.

Mỹ Lệ chọn phong cách hát Hò giã gạo trên nền nhạc hiện đại, với tiết tấu hip hop, nhanh. Sáng tạo nhất là phần đọc rap và chế lời nhắc khéo khán giả về việc đội không muốn về sớm.

Sáng tạo, trong cách thể hiện, dàn dựng đẹp mắt, tiết mục Hò giã gạo của đội Hợp ca Huế cùng với liên khúc Tình ca phố - Phố xa - Umbrella của đội Long Xuyên là hai tiết mục đáng xem nhất của tập thứ 4 Hợp ca tranh tài.

Phần trình diễn của đội Huế đã khiến ca sĩ Phan Đinh Tùng phải thốt lên “sự kết hợp cả breakdance và rap trong một tiết mục là rất thú vị. Đội Huế sẽ còn đi rất sâu”.

4. Hợp ca TP.HCM: Vũ điệu hoang dã

Phan Đinh Tùng luôn chọn cho đội của mình những bài hát có tiết tấu. Nhưng chính vì thế mà cũng vô tình các phần thi đã bộ lộ sự non tay trong cách dàn dựng của Phan Đinh Tùng cho đội mình.

Chọn ca khúc Vũ điệu hoang dã, hit cũ của Hồ Quỳnh Hương, với phần nhạc sôi động, đội TP.HCM muốn chứng tỏ bản lĩnh đa dạng của mình qua mỗi đêm thi.

Nhưng không biết có phải chính Phan Đinh Tùng biết điểm yếu của đội mình hay không mà chọn lựa những ca khúc có tiết tấu sôi động nhằm khỏa lấp những yếu kém về giọng hát.

Ca sĩ Siu Black đã nhận xét: “Tuần này đội đã lột xác từ hát đến vũ đạo. Lúc đầu tôi chê Phan Đinh Tùng không có ai hát solo được nhưng hôm nay đã tận dụng được hai giọng ca xuất sắc nhất”.

Nhưng đó chẳng qua là lời ưu ái quá của Siu Black thôi. Còn nói thẳng thì hai giọng hát chính của đội TP.HCM hát quá thường. Khỏa lấp cho sự non kém trong giọng hát của mình họ chọn cách gằn giọng và gào thét khi hát solo. Hợp ca chìm nghỉm trong sự gào thét của hai giọng nữ chính.

Theo Phan Đinh Tùng thì “đội TP.HCM là đội trẻ nên muốn đội phải bung hết sự hoang dã của mình ra”. Nhưng có lẽ bởi họ quá hoang dã nên không thành ra được một tập thể.

Đội hợp ca TP.HCM có lẽ cũng không nên ngủ quyên trên những lời khen của ca sĩ Mỹ Lệ: “Đây là một tiết mục xuất sắc nhất trong ngày hôm nay. Chờ các bạn nổi loạn từ lâu nhưng phải đến hôm nay mới thấy được sự nổi loạn của các bạn. Đây mới chính là tính cách của người Sài Gòn”. Bởi đây là những lời có cánh của Mỹ Lệ, chứ chưa chắc đã thật tâm.

5. Hợp ca Quảng Ninh: Stronger – Kelly Clackson

Ở vòng thi đầu tiên, đội Quảng Ninh cho thấy mình là đội có sự phối bè tốt nhất. Đó là lý do mà họ giành được quyền vào vòng tiếp theo đầu tiên trong số 7 đội thi. Nhưng đó là khi họ hát tiếng Việt.

Tuần này đội Quảng Ninh chọn ca khúc Stronger của Kelly Clackson, một ca khúc rất nổi tiếng trên thế giới và nhất là với những fan yêu nhạc của Việt Nam. Bởi trong MV ca khúc này Kelly Clackson đã chọn áo dài và chợ Bến Thành là bối cảnh chính cho MV.

Lý giải cho việc chọn Stronger, đội trưởng Ngọc Anh chia sẻ: "Trong quá trình dự thi thì có rất nhiều người phải ra về nên tôi muốn nói: Chúng ta phải mạnh hơn, phải cố gắng cho cả những người đã về”.

Hát tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau hoàn toàn. Do đó mà đội Quảng Ninh đã cho thấy họ nên chọn các bài hát tiếng Việt khi đội phát âm tiếng Anh chưa tốt. Hát chìm và phần bè đều nhưng giọng chính không bật hẳn lên khiến phần solo bị chìm vào bè. Giọng chính hát mảnh. Phần kết bài dứt khoát nhưng hơi hụt hẫng do đoạn phiêu không cao.

Sự non tay trong việc chọn ca khúc của đội Quảng Ninh trong tuần này đã được ca sĩ Khánh Linh nhắc khéo trong nhận xét: “Tôi vẫn muốn các bạn thể hiện mạnh mẽ hơn nữa, những hôm nay tiết mục như vậy đã là thành công rồi”.

6. Hợp ca Buôn Ma Thuột: Ngọn lửa cao nguyên

Ngọn lửa cao nguyên là ca khúc quá cũ với những ai thích các bài hát về Tây Nguyên. Chính vì thế, khi đội Buôn Ma Thuột chọn bài này, đồng nghĩa với việc đội phải đối mặt với áp lực làm mới bài hát. Nhưng hy vọng đó không được đáp ứng, bởi đội chọn cách hát cũ, với giong hát solo của nhóm là bản sao của Siu Black.

Phần hợp ca được chia bè tốt. Nhưng đây là một tiết mục không nhiều màu sắc, không khiến người nghe thấy đã trong cách hát và cách nghĩ về các ca khúc Tây Nguyên.

Chia sẻ về những yếu kém của đội, tuần trước đội Buôn Ma Thuột lọt vào nhóm hai đội nguy hiểm, suýt bị loại. Đội trưởng Siu Black cho biết: “Tuần này Siu Black phải rất cố gắng vì Siu Black không có nhiều gắn bó với đội của mình”.

Và đến hợp ca "dối lừa"

Sau 4 đêm ra mắt và thi, những gì mà Hợp ca tranh tài thể hiện trên sân khấu, không chỉ khán giả mà có lẽ ngay cả người tham gia cũng... mất hứng phần nào. Các đội dự thi đương nhiên rất muốn tranh tài thực sự, nhưng để đảm bảo âm thanh cho phần truyền sóng trực tiếp, như chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hải Phong trong buổi ra mắt chương trình, phần nhạc và hợp xướng sẽ được thu trước.

Tất nhiên, âm thanh của những đoạn hợp xướng chỉ mang tính chất làm nền, cho các “ca sĩ nghiệp dư” nương theo thể hiện. Dẫu trên sân khấu, mỗi tiết mục đều bộc lộ rõ sự hay - dở, thậm chí “phô” trong phần solo, nhưng với phần hợp xướng khá đồng đều - trong khi đây mới là yếu tố tranh tài và tạo nên sức hấp dẫn cũng như độ hơn thua giữa các đội - đã ít nhiều làm giảm đi sự hào hứng của người dự thi.

Trong đêm thi thứ 4 này, ở phần phỏng vấn sau khi kết thúc ca khúc Hò giã gạo, âm thanh đã tố cáo đội Huế. Phần bè quá nuột, bởi được thu sẵn. Hát trực tiếp chỉ hát đè lên. Do đó khi trò chuyện trên sân khấu, âm thanh trở nên dở tệ.

Bên cạnh những tiết mục tranh tài, việc “chấm điểm” lẫn nhau giữa các ca sĩ của mỗi đội đang là trò thiếu muối nhất trong cả chương trình. Đa phần các ca sĩ... ngại đụng chạm và (có thể) sợ mất lòng nên những lời nhận xét còn mang tính giao đãi, nghe như ai cũng hay như ai!

Những màn kịch trên đã khiến người ta đặt ra câu hỏi, phải chăng nên đổi tên Hợp ca tranh tài thành hợp ca "dối lừa"?