Theo Reuters, trong phiên giao dịch hôm qua giá cổ phiếu tại Hong Kong sụt giảm 1,9% xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng qua.
Chỉ số chứng khoán Hang Seng mất 449,2 điểm, đồng nghĩa với việc 11,48 tỉ USD “bốc hơi”. Giá cổ phiếu các ngân hàng lớn như HSBC, Hang Seng Bank, Standard Chartered... đồng loạt tụt dốc.
Hãng tư vấn tài chính Mỹ JL Warran Capital cảnh báo: “Nhiều khả năng các đợt bán tống bán tháo cổ phiếu sẽ liên tục diễn ra trong vài ngày tới”.
Giao thông tê liệt
Giá đồng đôla Hong Kong cũng sụt xuống mức 1 USD đổi được 7,7623 đôla Hong Kong, thấp nhất kể từ tháng 3.
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong thông báo 17 ngân hàng phải đóng cửa 29 chi nhánh trên toàn thành phố. JL Warran Capital cho biết đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các cửa hàng bán lẻ, trung tâm mua sắm cao cấp, nhà hàng... chuyên phục vụ du khách từ Trung Quốc và nước ngoài.
Hôm qua, phần lớn cửa hàng thời trang và nữ trang ở khu mua sắm nổi tiếng Mongkok phải đóng cửa.
Từ sáng hôm qua, chính quyền Hong Kong đã tuyên bố rút lực lượng cảnh sát chống bạo động bởi các đám đông biểu tình “đã bình tĩnh trở lại”.
Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh trấn an dư luận rằng thông tin quân đội Trung Quốc đưa xe tăng vào Hong Kong để trấn áp cuộc biểu tình giống như sự kiện Thiên An Môn năm 1989 chỉ là tin đồn thổi.
“Tôi hi vọng công chúng sẽ giữ bình tĩnh. Đừng bị các tin đồn thổi đánh lừa. Hãy giải tán một cách hòa bình” - ông Lương Chấn Anh kêu gọi.
Bất chấp lời kêu gọi khẩn thiết của ông Lương Chấn Anh, hàng chục ngàn người vẫn tập trung chật cứng quận Admiralty và các khu vực trung tâm thành phố.
Hàng ngàn người khác cũng phong tỏa các con đường ở hai khu mua sắm Mongkok và Causeway Bay.
“Chúng tôi đã tự tin hơn. Cảnh sát không đủ lực lượng để kiểm soát mọi khu vực có biểu tình” - AFP dẫn lời người biểu tình 27 tuổi Ivan Yeung. Hệ thống giao thông của Hong Kong tê liệt hoàn toàn.
Khoảng 200 tuyến xe buýt ngừng hoạt động, một số phần của mạng lưới tàu điện đình trệ.
Thách thức cho mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”
Năm 2007, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) tuyên bố “có thể” tổ chức bầu cử đặc khu trưởng Hong Kong năm 2017 theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu.
Năm 2010, Bắc Kinh lặp lại tuyên bố này. Tuy nhiên ngày 31-8 vừa qua cả Hong Kong choáng váng khi chính quyền Trung Quốc cho biết 5 triệu cử tri Hong Kong sẽ chỉ được quyền bầu cử đặc khu trưởng năm 2017 theo danh sách mà Bắc Kinh đã duyệt để đảm bảo đặc khu trưởng là người “yêu Hong Kong, yêu Trung Quốc và không đối đầu với chính quyền trung ương”.
Không có gì lạ khi người dân Hong Kong cảm thấy bị phản bội. Đây chính là thách thức cho Trung Quốc, cho mô hình “Một quốc gia, hai chế độ”.
Tương lai khó đoán
Giáo sư luật Surya Deva thuộc ĐH Hong Kong nhận định rất khó dự đoán những gì sẽ diễn ra sau đó bởi cả phe biểu tình và nhà chức trách đều không có ý định nhượng bộ.
“Khó biết bên nào sẽ lùi bước trước, nhưng nhiều khả năng phe biểu tình sẽ chiếm lợi thế” - giáo sư Deva dự báo.
Giáo sư Michael DeGolyer thuộc ĐH Baptist Hong Kong cho rằng lực lượng cảnh sát khá mỏng của Hong Kong đã kiệt sức.
“Nhà chức trách chỉ có thể hi vọng người biểu tình cũng sẽ mệt mỏi và trở về nhà” - ông DeGolyer nhận định.
Đài truyền hình RTHK đưa tin ít nhất 41 người đã phải nhập viện vì chấn thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát. Nhà chức trách bắt giữ 78 người, nhưng đã trả tự do cho học sinh 17 tuổi Joshua Wong, một trong các thủ lĩnh biểu tình.
Hôm qua, phản ứng về cuộc đụng độ ngày 28/9, Thời Báo Hoàn Cầu và Trung Quốc Nhật Báo đều mô tả người biểu tình là “những kẻ cực đoan chính trị” và “gây hỗn loạn”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố “phản đối thế lực bên ngoài ủng hộ các phong trào biểu tình bất hợp pháp”. Nhiều quan chức Bắc Kinh trước đó cũng chỉ trích Anh và Mỹ đứng sau chiến dịch “Chiếm trung tâm” (Occupy Central).
Làn sóng biểu tình ở Hong Kong, bạo động ở Tân Cương hay Tây Tạng đơn giản chỉ là hậu quả của việc Bắc Kinh không tuân thủ các cam kết đã đưa ra.
Mới đây, trên trang Yale Global Online của ĐH Yale, biên tập viên George Chen thuộc báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, một công dân Trung Quốc chính hiệu, cảnh báo: “Nếu Bắc Kinh dễ dàng phá vỡ cam kết với Hong Kong thì chắc hẳn cả thế giới phải lấy làm lo ngại rằng liệu chính quyền Trung Quốc có tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế”.
Trong một diễn biến khác, hôm qua nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu khẳng định Đài Loan không ủng hộ mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Du khách Việt không bị ảnh hưởng
Các công ty du lịch, lữ hành có du khách Việt Nam du lịch tại Hong Kong cho biết lịch trình của các đoàn này không bị cuộc biểu tình đang diễn ra ở đặc khu này ảnh hưởng.
Theo đại diện Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist (STS) và Vietravel, họ còn hai đoàn khách đang ở Hong Kong.
Đại diện STS, Vietravel cho biết hiện họ đang giữ liên lạc thường xuyên với hướng dẫn viên, đối tác. Những đoàn khách này chỉ đến những điểm du lịch, mua sắm chứ không đi vào khu vực có biểu tình ở các quận trung tâm Hong Kong.
Tính đến chiều 29/9, lượng khách gọi điện thoại đến hỏi thăm tình hình và xin hủy tour du lịch đến Hong Kong không đáng kể.