Ngoài dần khô, trong bớt xối xả
Sau khi xử lý được cơ bản tình trạng nước thấm qua thân đập về phía hạ lưu (bước 1), ngày 9/4, Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế Thủy điện Sông Tranh 2 đã tổ chức cuộc họp cuối cùng trước khi trình phương án kỹ thuật và dự toán kinh phí xử lý việc chống thấm bên trong thân đập (bước 2) lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định.
Trước đó, một đoàn công tác của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã có chuyến khảo sát tại hiện trường để xem xét tình hình thực tế và thu thập các số liệu liên quan chuyển về Hà Nội phân tích phục vụ việc lên phương án kỹ thuật nhằm khắc phục tình trạng rò rỉ nước gây bức xúc dư luận suốt gần tháng qua.
Thân đập Sông Tranh 2 trước khi chống thấm bước 1.
“Cụ thể, các thông số thu được từ hơn 300 thiết bị quan trắc lắp đặt khắp nơi trên thân đập cho thấy, đập vẫn an toàn. Các chỉ số như: tổng áp lực ngược tác động lên đập hay các giá trị chuyển vị của đập... đều nhỏ hơn giá trị thiết kế .” - ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, nói.
Cũng theo đơn vị tư vấn thiết kế, sau khi bắt đúng “bệnh” việc xử lý chống thấm bước 1 đã được tiến hành khẩn trương thông qua việc thông tắc các lỗ khoan thoát nước thân đập, thu gom nước thấm trong hành lang thu nước đưa về hố xả theo đúng thiết kế nên tình trạng rò nước ở đập dâng phía hạ lưu đến thời điểm này đã được khắc phục gần như triệt để, mặt đập dần khô. Phía trong thân đập, nước không còn tuôn xối xả và dâng ngập hàng lang như cách đây 7-10 ngày.
Dứt thấm sau 20 ngày
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN, sau hơn 10 ngày qua, đơn vị tư vấn thiết kế đã hoàn tất phương án kỹ thuật để xử lý thấm một cách tổng thể. Cụ thể, theo phương án này thì sẽ không tiến hành việc gián các tấm chống thấm trên toàn bộ mặt đập như ý kiến đề xuất của một số nhà khoa học trước đó mà sẽ xử lý cục bộ tại các khe nhiệt có khuyết tật bằng vật liệu dẻo và màng ngăn. Đây là phương pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều con đập trong và ngoài nước.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tài Sơn nói: “Kinh nghiệp xử lý vấn đề này, Việt Nam mà cụ thể là ở đơn vị tôi không hề thua kém các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật... Biện pháp này theo tính toán là hợp lý chứ còn gián tấm chống thấm Carpi lên trên thân đập thì vô cùng tốn kém”.
Dự kiến, khoảng đầu tuần tới, EVN sẽ có quyết định cuối cùng về phương án nêu trên. Và nếu được phê duyệt, phương án này sẽ được chuyển cho nhà thầu để thi công ngay. Theo đó, nếu mọi việc thuận lợi, nguyên vật liệu, nhân công đầy đủ… thì công tác chống thấm trong thân đập sẽ hoàn thành sau khoảng 20 ngày thi công. Điều này có nghĩa, công việc này sẽ kết thúc trước 31/7/2012 như yêu cầu của Bộ Công thương.
Đặc biệt, để tránh những sai sót như thời gian vừa qua, lần này, Cty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 quyết định làm một việc ít thấy từ trước tới nay đó là điều “quân” vào Thủy điện Sông Tranh 2 để giám sát nhà thầu khi triển khai phương án khắc phục. “Chúng tôi sẽ bố trí một số kỹ sư giỏi có mặt tại công trình để tiến hành việc giám sát tác giả. Nói là giám sát tác giả nhưng thực chất là giám sát thi công để đảm bảo trong suốt quá trình khắc phục không được phép xảy ra sai sót.” - ông Sơn khẳng định.
Theo thiết kế, đập Thủy điện Sông Tranh 2 có 30 khe nhiệt phân bố đều dọc theo chiều dài đập với khoảng cách 20m/khe và xuyên suốt từ phía thượng lưu về hạ lưu. Trong đập có 3 hành lang thu nước thấm dọc theo chiều dài đập tại các cao trình 95m, 124m và 152m.