Hồi ức nghẹn ngào liệt sĩ Trường Sa ngày nhập ngũ

Ngày con trai lên đường bảo vệ biển đảo Tổ quốc, mẹ không ngờ rằng từ đó anh không bao giờ về nữa. Những lúc nhớ con, mẹ chỉ biết ôm di ảnh, khóc đến khi đôi mắt mù lòa.

Ôm di ảnh con khóc đến lòa mắt

Đó là mẹ Nguyễn Thị Nhơn (85 tuổi, ngụ xóm Đình, xã Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An), mẹ của liệt sỹ Đậu Xuân Tư (SN 1964, đã hy sinh trong trận chiến vào năm 1988 bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Hai mươi sáu năm qua, những lúc nhớ con, mẹ Nhơn lại dò dẫm mang chiếc hộp đỏ đựng giấy báo tử cùng kỷ vật của con trai ra xem. Hai bàn tay đen sạm gân guốc mân mê những kỷ vật; mắt đã lòa nhưng nước mắt vẫn lăn dài trên gò má. Người nhà kể, từ khi con trai hi sinh, không đêm nào mẹ không khóc, dần dần đôi mắt mờ đi rồi mù hẳn, nay muốn di chuyển quanh quẩn trong ngôi nhà nhỏ đều phải dùng một chiếc gậy dò dẫm dò đường. Mái tóc mẹ giờ đã bạc phơ, lưng còng, thân hình gầy gò, tay chân run rẩy. Khuôn mặt mẹ in bao nhiêu vết nhăn, vết nào vì sương gió, vết nào vì thương con, vết nào vì căm thù giặc? Còn ông Đậu Xuân Thuột (95 tuổi, chồng mẹ Nhơn, cha liệt sỹ Tư) cũng đã rất già yếu. Nhiều năm qua ông bà vẫn sống trong căn nhà nhỏ bên cạnh gia đình người con trai thứ ba.

Mẹ Nhơn kể lại, năm 1985 anh Tư nhập ngũ và huấn luyện ở tỉnh Quảng Ninh. Suốt 3 năm sau đó, dù nhớ mẹ thương cha nhưng vì nhiệm vụ, anh chẳng một lần kịp về thăm quê. Trong những cánh thư gửi cho gia đình, người lính ấy luôn áy náy nỗi niềm không thể về thăm bố mẹ. Biết kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, vợ chồng mẹ Nhơn đã không trách, còn viết thư động viên con cố gắng công tác tốt. Đầu năm 1988, khi sắp hoàn thành nghĩa vụ quân sự, những tưởng được về gặp lại gia đình thì anh Tư nhận lệnh đi bảo vệ quần đảo Trường Sa. Lần ấy, anh một đi không trở lại.

Mẹ Nhơn tâm sự: “Ngày nó nhập ngũ, vợ chồng tôi phải ra đồng làm việc. Thời đó kinh tế rất khó khăn, tôi vay mượn mãi được ít gạo để cho con nấu ăn bát cơm trước khi lên đường. Trưa đi làm đồng về, thấy gạo vẫn còn nguyên đó. Biết nó nhường cơm cho bố mẹ, chỉ luộc mấy củ khoai ăn, tôi vội vàng nấu cơm rồi đùm lại, bảo bố nó chạy ra mang cho con. Mang đến nơi thì con đã lên xe rồi, đứng trên xe hai bố con chỉ kịp vẫy tay từ xa để từ biệt, nào ngờ từ đó nó không bao giờ về nữa”.

Mẹ nghẹn ngào: “Lúc nhận được lệnh đi Trường Sa, nó qua nhà nhưng cũng chẳng về thăm cha mẹ được một lần cuối. Khi ở trên tàu hỏa, khi tàu đi gần tới quê, nó thả một bức thư xuống đường. Những người dân trong làng nhặt về đưa cho vợ chồng tôi. Trong thư nó bảo rất nhớ nhà nhưng thời gian gấp gáp không thể ghé thăm bố mẹ. Nó còn hứa trong thư “con đi rồi sẽ về”, vậy mà…”.

Nhận thư, vợ chồng mẹ Nhơn hớt ha hớt hải chạy ra đường tìm kiếm, nhưng ra đến nơi thì tàu đã đi xa rồi. Vợ chồng mẹ thất thểu về, lòng buồn vô hạn. Anh Tư vào Cam Ranh được 7 ngày thì được lệnh ra đảo. Hơn 1 tháng sau ngày anh lên đường làm nhiệm vụ, ông bà chết đứng khi hay tin con hi sinh. Tuy nhiên, khi đó không ai tin anh đã mất. Vợ chồng mẹ vẫn mong có sự nhầm lẫn nào đó. Mẹ Nhơn cứ chờ đợi cho đến 2 năm sau, khi nhận được giấy báo tử mới tắt hi vọng. Mẹ ngậm ngùi: “Dù biết con trai hi sinh vì dân vì nước, nhưng tuổi đời nó còn trẻ quá”. Mối tình dang dở của người lính trẻ

Điều khiến mẹ Nhơn đau lòng không kém là 21 năm không tìm được hài cốt con. Trong khi chiến đấu, con tàu chở đơn vị anh Tư bị giặc bắn chìm. Anh cùng 8 đồng đội mắc kẹt trên con tàu chìm sâu xuống đáy biển khơi. Hai mươi năm mẹ Nhơn buồn rầu ngày ngày nhìn ra phía biển. Nghĩ con trai nằm dưới đại dương lạnh lẽo, cô đơn, mẹ Nhơn chỉ biết khóc vì thương anh. Bao nhiêu năm thi thể anh Tư mất tích là chừng ấy thời gian lòng mẹ chẳng được yên.

Đến tận năm 2009, Quân chủng Hải quân mới có điều kiện tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ trong trận Gạc Ma. Sau nhiều năm nằm ngoài đại dương, anh Tư đã được trở về đất liền cùng với 7 đồng đội khác. Ngày đưa hài cốt con về, mẹ Nhơn khóc ngất đi. Lời hứa “con sẽ trở về”, 24 năm sau anh mới thực hiện được, chỉ có điều đứa con của mẹ đã không thể cười hay gọi mẹ được nữa.

Mẹ kể, hồi còn ở nhà, anh Tư tâm sự với mẹ đã yêu một thiếu nữ trong làng. Hai người hẹn ước với nhau sau ba năm anh đi nghĩa vụ, sẽ về làm đám cưới. Tuy nhiên dự định đó không bao giờ thực hiện được. Người con gái đó đã vô cùng đau khổ khi nghe tin người yêu mất. Bao nhiêu năm, cô gái trẻ nguyện ở vậy thờ người yêu, mẹ Nhơn phải khuyên bảo mãi, chị mới chịu đi lấy chồng. Hai mươi sáu năm qua, cứ đến ngày giỗ của anh, chị lại đến thắp nén nhang tưởng nhớ. Kỷ vật còn lại của liệt sỹ Tư về trao lại cho gia đình vẻn vẹn chỉ có một chiếc ba lô và vài ba bộ quần áo giản dị. Bây giờ, những kỷ vật của anh đã không còn.

Lý giải về điều này, mẹ Nhơn chia sẻ: “Ngày đó nghèo đói lắm, đến quần áo cũng không có mà mặc. Quần áo của thằng Tư, ban đầu gia đình cũng cất làm kỷ niệm, nhưng về sau thấy em và các cháu của Tư phải chịu lạnh, mẹ đã đưa bộ quần áo đó ra cho con, cháu mặc, bây giờ không còn nữa”. Chị Phan Thị Lương (SN 1968, em dâu liệt sĩ Tư) tâm sự: “Cứ đến ngày giỗ anh Tư, mẹ lại bảo vợ chồng tôi đưa đến tận mộ anh để thắp hương. Những lúc đó hai tay mẹ lại mò mẫm xung quanh ngôi mộ. Vừa mò mẫm mẹ vừa khóc. Trí nhớ mẹ ngày càng kém, nhiều khi chẳng còn nhớ ai cả, nhưng những kí ức về anh Tư, chẳng bao giờ mẹ quên”.

 “Hai lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”

Mẹ Nhơn có 6 người con, trong đó có một người con nuôi vốn là con của vợ chồng người anh trai chồng. Tuy nhiên do vợ chồng anh mất sớm, mẹ đã đưa cháu về nuôi từ nhỏ. Khi người con nuôi trưởng thành, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã lên đường nhập ngũ và hi sinh năm 1972. Đứa con thứ nhất hi sinh, mẹ đã từng khóc cạn nước mắt. Mười sáu năm sau, lại thêm một lần mẹ mang nỗi đau mất con.

Thông tin thêm:

“Khi các tàu vận tải cùng với bộ đội ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao vào ngày 14/3/1988, các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế. Chúng dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ - 604 ở đảo Gạc Ma, HQ - 605 ở đảo Len Đao và HQ - 505 ở đảo Cô Lin. Giặc cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất, 3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương, 70 người mất tích… (sau đó Trung Quốc trao trả lại 9 người đã bắt giữ).

Bị tổn thất và hy sinh nhưng bộ đội ta với tinh thần kiên cường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ giữ vững chủ quyền đảo Cô Lin và Len Đao, tiếp tục triển khai đóng giữ bảo vệ thắng lợi Đá Nam và Đá Thị ở phía bắc quần đảo Trường Sa (15 -16/3/1988)”. Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (quê ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) thuật lại khoảnh khắc cuối cùng bên đồng đội Đậu Xuân Tư: “Tôi và Tư bị ba tên lính Trung Quốc đứng rất gần chĩa súng vào ngực định bắt sống. Khi một tên vừa nắm lấy Tư thì tôi xông vào cứu, một tên khác dùng lưỡi lê đâm thẳng nhưng tôi may mắn tránh được.

Tôi không cứu được Tư và phải lặn sâu xuống nước để tránh được đạn. Mỗi khi tôi ngoi lên lấy hơi là chúng lại xả súng bắn. Không hiểu sao tôi lại may mắn không bị thương khi khoảng cách giữa tôi và bọn chúng rất gần, súng chúng bắn xối xả mà không trúng. Khi tôi lặn ra phía xa ngoi lên thì thấy lửa đạn bao trùm tàu HQ-604 và chỉ trong chốc lát tàu chìm hẳn”. Anh Thảo đúc kết: “Nếu nói đây không phải là một trận chiến cũng không sai. Chính xác đây là một sự kiện, sự kiện quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ nổ súng sát hại bộ đội ta. Chúng ta yêu chuộng hòa bình, chủ trương giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực. Chính quân Trung Quốc đã lợi dụng điều này để bất ngờ xả súng vào bộ đội của ta”. (thanhnien.com.vn)

Hài cốt liệt sĩ tàu HQ - 604 đã được tìm thấy như thế nào? Khoảng rằm tháng 7 âm lịch năm 2008, khi tàu Thành Công 07 của ông Võ Văn Chức (Lý Sơn, Quảng Ngãi) vừa đến vùng biển Cô Lin thì tàu QNg-96219 của các ngư dân cũng vừa phát hiện một chiếc tàu chìm ở độ sâu 21m nước, cách đảo Cô Lin 3,7 hải lý và cách đảo Gạc Ma của ta đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép chừng 1 hải lý. Cả hai tàu đều báo cho anh em trên đảo Cô Lin biết và có ý nguyện sẽ giúp lặn cất bốc hài cốt anh em, gọi là góp chút lòng thành với những người đã vị quốc vong thân. Thông tin trên được Sở chỉ huy Vùng 4 Hải quân báo về Bộ tư lệnh quân chủng và lãnh đạo quân chủng đã nhận định: Rất có thể đây là chiếc tàu HQ 604 bị chìm trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Với kinh nghiệm của những ngư dân chuyên lặn khai thác phế liệu từ những con tàu đắm, những người trên tàu Thành Công 07 đã quyết định lặn khảo sát xác tàu để giúp quân chủng. Chiều 10/8/2008, các thợ lặn đã tiếp cận được con tàu. Tàu dài khoảng 45m, rộng 7,5m, cao 6,5m, có hai khoang, giữa hai khoang có trụ cẩu.

Đặc biệt khi kiểm tra sơ bộ trong một khoang nhỏ của tàu đã phát hiện một số xương cốt và nhiều vũ khí quân tư trang, trong đó có cả một đôi dép nhựa trắng, trên dép có ghi “Triển lãm thành tựu kinh tế Việt Nam - huy chương vàng dép nhựa Tiền Phong, Hải Phòng”. Cùng với các số hiệu quân tư trang khác đã chứng tỏ đây chính là tàu HQ 604. Cùng với sự hỗ trợ của quân chủng hải quân, ngày 11/8 thợ lặn tàu Thành Công 07 đã thâm nhập các khoang tàu và tìm kiếm được một số hài cốt liệt sĩ hi sinh cùng con tàu tròn 20 năm trước để đưa vào đảo Cô Lin. Trong số 64 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong trận chiến ngày 14/3/1988 có 56 liệt sĩ của tàu HQ 604. Tám liệt sĩ được xác định tên tuổi là các anh Đoàn Đắc Hoạch, Nguyễn Thanh Hải (ở Hải Phòng), Nguyễn Minh Tâm, Trần Văn Phòng (ở Thái Bình), Hồ Văn Nuôi, Đậu Xuân Tư (ở Nghệ An), Trần Văn Quyết, Trần Quốc Trị (ở Quảng Bình). (tuoitre.com.vn)

(Còn nữa)

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG