Từ cấp một đến cấp ba, từ thứ hai đến chủ nhật
Xác định học và thi theo các môn khối D, Minh Khuê, học sinh lớp 12 trường THPT Nguyễn Công Trứ, đã theo học các lớp Toán, Văn, Anh từ khi đặt chân vào cấp ba. Khuê cho biết: “Đến cuối năm lớp 11, môn Hóa của mình tụt điểm trầm trọng. Vịn vào lý do đó, mẹ tìm thầy dạy thêm cho mình ngay khi bước vào năm học mới. Mỗi môn học hai buổi một tuần, mà một tuần chỉ có bảy ngày nên có ngày mình phải học hai môn liên tiếp, vừa kết thúc lớp Toán lại hối hả vọt sang lớp Hóa. Vừa học trên trường lại vừa học thêm, về đến nhà mình chỉ ăn qua loa rồi đi ngủ vì đã quá mệt.”
Cũng đối mặt với một kỳ thi quan trọng, Minh Quang, học sinh lớp 9 trường THCS Phan Tây Hồ, hiện đang ngập đầu lịch học thêm của ba môn thi chuyển cấp. “Lịch học Toán và Văn của em được chia đều cho các ngày từ thứ hai đến thứ sáu. Hai ngày cuối tuần: thứ bảy và chủ nhật là thời gian dành cho môn Văn. Dù rất mệt vì liên tục học thêm nhưng em phải cố gắng vì kì thi sắp đến rất quan trọng. Chỉ hy vọng lên cấp ba sẽ thư thả hơn”, Quang chia sẻ.
Tiểu học là thời gian dành cho các em vui chơi và tìm hiểu cuộc sống nhưng theo khảo sát của 1 tờ báo, bất chấp quy định cấm dạy thêm ở bậc tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới 74,6% phụ huynh có con trong độ tuổi này cho biết đã cho con đi học thêm. Đây là kết quả của cuộc khảo sát được thực hiện trong hai tuần ở sáu tỉnh thành với phụ huynh của hơn 140 trường tiểu học.
Mai Nghi, học sinh lớp 4 trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, tuy không phải học thêm để nâng cao hay củng cố kiến thức căn bản trong chương trình học nhưng một tuần bốn buổi vẫn phải đến các lớp học tại trung tâm Hội Việt Mỹ và lớp học tính toán nhanh Kumon. Nghi còn cho biết, sắp tới em sẽ tham gia vào lớp rèn chữ đẹp mà mẹ em vừa đăng ký.
Nguyên nhân
Thời gian trên lớp đôi lúc không đủ để dạy bài, giáo viên phải “tăng tốc” dạy để không cháy giáo án nên thời gian sửa bài tập không nhiều. Các đề thi không thể ra tất cả các bài ở mức trung bình vì như thế sẽ không phân loại được học sinh. Ở các lớp học thêm, học sinh được các củng cố, bổ sung kiến thức đặc biệt là kỹ năng làm bài, từ đó dẫn đến việc tham gia các lớp học thêm là rất phổ biến.
Đối với những học sinh yếu, không thể theo kịp các bạn cùng lớp thì việc cắp sách đến lớp học thêm để nhận sự kèm cặp của các thầy cô gần như là lựa chọn duy nhất.
Trường hợp học sinh đến các lớp học thêm do lo sợ bị giáo viên trù dập vẫn tồn tại. Quốc Hưng, học sinh lớp bảy, tâm sự: “Em không bị “đì” công khai nhưng mấy tháng qua điểm Toán của em cứ 5, 6 đều đều còn mấy bạn khác điểm lại khá cao. Hỏi ra mới biết những câu hỏi trong bài kiểm tra đã được thầy chỉ dẫn trước ở lớp học thêm.”
Kỳ vọng từ cha mẹ cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc học thêm cho dù chính bản thân của học sinh không muốn điều đó. Ai cũng muốn con mình học thật giỏi, vượt qua các kỳ thi với điểm số cao nhất hay ít nhất cũng bằng bạn bằng bè. Điều này phần nào đã trở thành động lực thúc đẩy việc học tập nhưng vô hình trung cũng trở thành áp lực đối với nhiều học sinh.
Được và mất
Việc tham gia các lớp học thêm giúp học sinh nâng cao kiến thức hay theo kịp bạn bè. Ở nhà có nhiều thứ “cám dỗ” khiến học sinh phân tán tư tưởng. Do đó, lớp học thêm còn tạo không khí học tập khiến học sinh có thể tập trung giải quyết bài tập.
Để có thể giành được thứ hạng cao hay cơ hội vào một trường tốt, học sinh cũng phải đánh đổi nhiều thứ mà trước hết là thời gian vui chơi, nghỉ ngơi sẽ phải cắt giảm, thậm chí là còn rất ít. Không ít trường hợp học sinh vừa chạy bài trên trường, vừa “chạy show” đến lớp học thêm đã trở nên suy nhược cơ thể và phải nhập viện điều trị. Áp lực học tập từ phía gia đình và thầy cô cũng là nguyên nhân khiến nhiều học sinh rơi vào tình trạng trầm cảm.
Thêm vào đó, vì được cha mẹ cho đi học thêm từ rất sớm ngay từ cấp học tiểu học nên một bộ phận không nhỏ học sinh thường ỷ lại, lười suy nghĩ mà chủ yếu trông vào sự kèm cặp và ôn luyện từ các lớp học thêm để có đủ hành trang trước mỗi kỳ thi. Chính điều này dẫn đến việc học sinh thiếu khả năng tự học, tự tìm tòi để giải quyết vấn đề, một trong những kỹ năng rất cần thiết khi bước vào giảng đường đại học.