Đó là băn khoăn của thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Vừa qua Bộ GD – ĐT đã đưa ra Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, trong đó một điểm đáng chú ý đó là tại điều 20, mục 7 có ghi: “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục”.
Như vậy, điều khoản này đã đề cập đến một vấn đề “nóng” trong học đường mà thời gian gần đây dư luận rất bức xúc. Đó là việc nhiều học sinh bị giáo viên xử phạt “quá tay” hay hiện tượng chính các thầy cô bị học trò của mình xúc phạm, thậm chí hành hung ngay trên lớp.
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội).
NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (HN).
Quy định đúng, nhưng còn nhiều thiếu sót
Khi biết được thông tin về Dự thảo của Bộ GD – ĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm thể hiện sự vui mừng và hoan nghênh việc làm này bởi: “Quy định này sẽ góp phần chấm dứt hiện tượng tùy tiện, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều năm qua mà không ai xử lý”.
Đặc biệt sau khi xem xét về điều 20 mục 7 (được nêu ở trên), ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng đây là một quy định cần thiết. Nếu làm được điều đó sẽ bảo vệ người học và người dạy khỏi những hành vi sai trái mà gần đây đã bị xã hội lên án. Bên cạnh đó, quy định này còn có tác dụng giúp giáo viên có ý thức trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để vẫn có thể giáo dục học sinh mà không cần đòn roi, mắng chửi. Còn đối với học trò sẽ khiến các em phải tự kiềm chế, và có trách nhiệm với hành vi của mình.
Tuy nhiên, ông Tùng Lâm cũng nhận xét quy định này đúng nhưng vẫn còn khá sơ sài và nhiều thiếu sót. Bởi nếu giáo viên là người có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh thì việc xử phạt hành chính liệu có đủ? Ông đặt ra vấn đề đó là: “Hành động này của giáo viên là rất nghiêm trọng bởi đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Vị hiệu trưởng này cũng chia sẻ một ví dụ: “Cháu nội tôi học ở Canada không bao giờ có chuyện giáo viên xâm phạm thân thể học sinh. Nghề giáo cũng giống như bác sĩ, luật sư nên đạo đức nghề nghiệp rất được đề cao. Vì vậy, giáo viên nào có hành vi như thế sẽ bị đuổi khỏi ngành ngay lập tức”.
Hay đối với vụ việc một thầy giáo ở Thái Nguyên có hành vi tát học trò tại lớp dạy thêm mặc dù phụ huynh của các em đồng ý vì thấy rằng con mình ngoan, chăm học hơn; nhưng theo ông việc làm này vẫn vi phạm đạo đức nghề nghiệp và cũng cần phải xử lý.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Tùng Lâm còn chỉ ra rằng: “Thực tế, việc ngược đãi, hành hạ, xúc phạm nhân phẩm học sinh có thể không phải do giáo viên gây ra mà do chính các em có hành vi đó với bạn của mình hoặc do người ngoài trường vi phạm. Những trường hợp này cũng cần phải xử lý”.
Đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm và thân thể nhà giáo, ông băn khoăn: “Việc xử phạt ở mức cao chứng tỏ Bộ GD – ĐT có ý bảo vệ nhà giáo, nhưng học sinh là đối tượng mà người thầy phải giáo dục, nếu vi phạm phải chăng các em cùng sẽ bị phạt từ 5-20 triệu?”.
Thực tế, nguyên nhân dẫn tới việc các em có những hành vi này, một phần trách nhiệm cũng thuộc về phía giáo viên. Hơn nữa nguyên tắc của việc xử phạt hành chính đó là khi phát hiện vi phạm sẽ bị xử lý ngay lập tức, nếu làm như thế liệu còn có ý nghĩa giáo dục?
Như vậy, theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: “Nếu chỉ quy định ngắn gọn trong vài dòng sẽ rất khó khăn cho khâu thanh tra, xử lý”.
Bộ GD – ĐT cần phải quy định chi tiết
Bên cạnh việc chỉ ra những điểm còn thiếu sót, ông Nguyễn Tùng Lâm còn đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng.
Về quy định xử phạt hành vi ngược đãi, hành hạ người học, ông cho rằng cần chia nhỏ thành ba đối tượng: học sinh xâm phạm lẫn nhau, giáo viên vi phạm và người ngoài trường. Theo ông, nạn bạo lực học đường đang khiến toàn xã hội đau đầu cũng nằm trong khung xử phạt này. Còn việc giáo viên xúc phạm danh dự, gây thương tích cho học sinh, vị hiệu trưởng này cho rằng: “Xử phạt hành chính là không đủ, cần có thêm hướng dẫn quy định đánh giá phẩm chất, năng lực, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên; nếu tái phạm nhiều lần, có thể sẽ bị đuổi khỏi ngành”.
Nạn bạo lực học đường cũng phải nằm trong khung xử phạt này. (Ảnh minh họa)
Đối với hành vi xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người dạy, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm: “Những hành động gây thương tích cho giáo viên không thể chỉ bị xử phạt vài triệu, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự”. Còn nếu người vi phạm lại chính là học sinh của mình, theo ông quy định này cần bổ sung thêm câu chữ để làm rõ. Cụ thể: nếu đã sử dụng các biện pháp giáo dục mà học sinh này vẫn không thay đổi thì sẽ tiến hành xử phạt.
Cuối cùng, vị hiệu trưởng này kết luận: “Những điểm phạt này cần phải được bổ sung tỉ mỉ hơn, nếu không sau khi đưa vào thực tế sẽ xảy ra tình trạng cãi nhau loạn”.
Giáo viên cảm thấy áp lực hơn Sau khi Dự thảo này được báo chí đưa tin rộng rãi đã nhận được sự quan tâm và phản hồi từ rất nhiều độc giả. Trong đó, khá nhiều ý kiến đồng tình với việc làm này của Bộ GD – ĐT. Chẳng hạn, nickname Trò Chơi Vui chia sẻ: “Cũng nên xử lý nếu như thầy cô xử phạt học sinh quá mức, những vụ việc này cần có sự can thiệp của nghành giáo dục”. Thậm chí nickname Nhocboim còn cho biết: “Nếu mà những năm trước đây có ra luật này thì có thể các thầy cô giáo của tôi cũng đã mất tiền cho những tội danh trên”. Còn độc giả Nguyễn Hoàng thì cho rằng Bộ GD – ĐT nên ban hành kèm theo việc xử phạt hành chính là những điều khoản như buộc cá nhân có hành vi sai phạm phải được giáo dục lại, thậm chí đi cải tạo để phục hồi nhân phẩm. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của độc giả. Một bạn có nickname ShallyPham bày tỏ quan điểm: “Các thầy cô hay dùng biện pháp "đánh" học sinh vì có mục đích làm cho các bạn tốt lên, bởi các cụ thường dạy “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, miễn sao những hành động này không gây tổn hại lớn thì nên chấp nhận”. Độc giả Nguyễn Thiên Tú tâm sự: “Giáo viên có hàng trăm công việc mà đồng lương thì chẳng bao nhiêu. Tôi là một giáo viên mới ra trường được 2 năm lương hiện tại gần 2,8 triệu đồng/tháng. Tôi dạy môn thể dục thì dạy thêm ai? Với số tiền đó bạn sẽ làm được việc gì? Còn đối với học sinh bây giờ thì giáo viên nào cũng ngao ngán. Giờ có thêm luật này thì học sinh ngày càng khó dạy hơn”. Đồng quan điểm, nickname Caonguyenhanguyen cho biết: “Là giáo viên có ai muốn đánh học sinh đâu... Nhưng khổ nỗi không đánh có được không? Bản thân tôi là một giáo viên, một tiết học tôi nhắc một số học sinh mất trật tự, quậy phá trong lớp đến khản cả tiếng mà các em vẫn chứng nào tật nấy. Không phải tất cả học sinh đều hư, nhưng với những em cá biệt cần phải có biện pháp mạnh và rắn tay thì mới giáo dục được. Tất nhiên giáo viên cũng ko được làm gì quá đáng. Có làm giáo viên mới thấy áp lực như thế nào”. |