Hỗ trợ lao động trở về từ Libya

Nhiều người lao động vẫn mong muốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đến nay đã có 6/11 công ty phái cử Việt Nam hoàn thành việc đưa toàn bộ số lao động cung ứng sang Libya về nước, nâng tổng số lao động Việt Nam về nước an toàn lên gần 1.500 người. Dự kiến, số lao động còn lại đang được các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ để đưa về nước trong thời gian sớm nhất.

Chưa trả hết nợ vay

Anh Lê Văn Ước - ở thôn Đĩnh Đào, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - cho biết cả 2 lần sang Libya làm việc thì đều phải về nước trước hạn. Năm 2011, anh Ước mới làm việc được 7 tháng thì phải về nước do tình hình chiến sự leo thang. Lần này may mắn hơn, anh làm việc được 14 tháng. Với công việc là thợ sắt trong công trường, tính cả làm thêm, thu nhập của anh dao động từ 11-12 triệu đồng/tháng. Đến thời điểm rời Libya, anh đã gửi về nhà được hơn 100 triệu đồng.

Không may mắn như anh Ước, anh Vũ Trung Chương - ở thôn Mép, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương - mới sang Libya được gần 3 tháng. Theo anh Chương, khoản chi phí sang Libya làm việc gần 24 triệu đồng, đến nay anh vẫn chưa “hoàn vốn”. Còn anh Đinh Văn Phương - ở xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ - tỏ ra tiếc nuối khi phải rời Libya vì theo anh, ở đó có môi trường làm việc tốt, mức thu nhập hơn 9 triệu đồng/tháng. Anh Nguyễn Vĩnh Thành - ở xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội - cho biết đây là lần thứ hai anh sang làm việc tại Libya. Lần này mới làm được 8 tháng thì phải về nước. “Để đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), tôi phải chi hơn 40 triệu đồng, làm việc 8 tháng chỉ mới hoàn vốn vay. Tạm thời tôi ở nhà giúp vợ việc gia đình rồi tính đường đi XKLĐ tiếp” - anh Thành nói.

Giúp chuyển đổi thị trường

Ông Nguyễn Việt Hải - Giám đốc Công ty Vinamex, một trong những công ty phái cử lao động sang Libya - cho biết hiện công ty có nhiều đơn hàng sang Ả Rập Saudi và Qatar. Những người lao động (NLĐ) về nước trước hạn nếu có nhu cầu đi XKLĐ ở những thị trường này sẽ được hỗ trợ tối đa. Theo đó, với người mới đi làm ở Libya từ 3/6 tháng, chỉ phải nộp khoản phí tương đương 300 USD; từ 6 tháng đến 1 năm chi phí khoảng 360-400 USD. Trước mắt, công ty đang có đơn hàng sang Qatar và sẽ tuyển khoảng 120 lao động vào ngày 15/9. Các trường hợp không tiếp tục đi XKLĐ thì công ty tiến hành thanh lý hợp đồng từ ngày 5 đến 10/9.

Công ty Sona cũng có chính sách hỗ trợ những lao động do Sona đưa sang làm việc tại Libya phải về nước trước hạn. Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Tổng Giám đốc Sona, cho biết NLĐ làm việc dưới 3 tháng sẽ được miễn phí toàn bộ khi đi làm việc ở thị trường khác, NLĐ đã làm việc từ 3-6 tháng chỉ phải nộp 100 USD, làm việc từ 6-12 tháng là 400 USD, trên 12 tháng là 500 USD. Hiện Sona đang có đơn hàng tuyển 1.100 lao động đi làm việc tại Ả Rập Saudi trong ngành xây dựng. Tất cả lao động vừa trở về từ Libya đều có thể tham gia. Riêng với lao động từ Libya trở về nhưng không phải do Sona đưa đi, chỉ cần xuất trình hộ chiếu cũng được hỗ trợ tối đa với chi phí xuất cảnh là 950 USD. Đối với những lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, công ty sẽ thanh lý hợp đồng, trong đó NLĐ làm việc dưới 3 tháng sẽ được trả lại toàn bộ phí môi giới.