Từ những mảnh vỡ này, các chuyên gia quân sự độc lập nói với AP rằng kích thước mảnh vỡ, vết xước, lỗ thủng trên đó đã phần nào chứng minh rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ bằng một quả tên lửa đất đối không, kiểu tên lửa SA-11, tức tên lửa Buk do Nga sản xuất.
Trước đó, hãng tin CBS News cho biết các dữ liệu chưa được công bố, trích xuất từ hộp đen của chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 cũng cho kết quả ứng với một vụ nổ tên lửa.
Justin Bronk, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Royal United (RUSI), đã cho tờ Daily Mail của Anh biết rằng quả tên lửa SA-11 (Buk) được dùng để tấn công máy bay có thiết bị bắt bám mục tiêu và được lập trình để nổ gần máy bay. Cú nổ sẽ làm bắn ra các mảnh vỡ tên lửa giống như những thanh thép, xé rách toạc thân máy bay.
Hiện cả chính quyền Ukraine lẫn lực lượng ly khai vẫn đang đổ lỗi cho nhau về vụ bắn hạ máy bay. Công tác điều tra vẫn đang bị đình trệ do giao tranh dữ dội nổ ra ở khu vực gần hiện trường vụ rơi máy bay ở làng Grabovo, miền Đông Ukraine, khiến các chuyên gia của Hà Lan và Ukraine không thể tiếp cận khu vực nói trên.
Nga cho rằng việc quân đội Ukraine mở cuộc tấn công vào khu vực do quân ly khai kiểm soát là hành động cố tình cản trở công tác điều tra.