Hé lộ thêm thông tin về quan hệ giữa hung thủ và nạn nhân trong vụ chém chết người yêu

Một ngày sau khi hung thủ Đặng Văn Khuyến ra đầu thú, bạn bè, người thân của nạn nhân lẫn hung thủ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ngày 15/4, một ngày sau khi Đặng Văn Khuyến (28 tuổi, quê H.Phong Điền, Thừa Thiên - Huế, tạm trú P.22, Q.Bình Thạnh) ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chết người yêu cũ là chị Lê Thị Thúy Hằng, bạn bè, người thân của hung thủ và nạn nhân vẫn chưa hết bàng hoàng, sửng sốt dù trước đây Khuyến đã từng nhiều lần đánh đập, đe dọa chị Hằng nhưng vẫn khẳng định yêu chị Hằng tha thiết.

Là người sống cùng phòng trọ với chị Hằng (24 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú P.25, Q.Bình Thạnh) và chứng kiến quá trình yêu nhau của Hằng và Khuyến trong nhiều năm, chị H., em ruột chị Hằng, cho biết: “Anh Khuyến nóng tính lắm. Hai người đó rất dễ gây nhau. Mỗi lần gây nhau anh ấy hay chửi chị Hằng là “con đĩ”, chửi riết thành quen miệng luôn. Mỗi lần chửi mà không giải quyết được thì anh đánh chị, thường là bạt tai, đánh vào vai, vào người”.

Ngày nào cũng đe dọa

H. đau xót kể tiếp: “Khoảng ba năm trước, hai người có chia tay một lần. Thời gian đó, anh Khuyến hay chặn đường nên chị tôi cũng sợ, mỗi lần đi đâu thường kêu tôi đi chung. Có lần hai chị em đi đằng trước, anh ấy chạy xe máy từ phía sau vọt lên rồi vung tay đập vào lưng chị tôi. Anh ta còn tát vào mặt tôi, lấy mũ bảo hiểm đánh tôi. Có lần, tôi nghe chị Hằng nói chị sẽ không bao giờ lấy anh Khuyến. Tôi hỏi tại sao như vậy thì chị trả lời: Một người sống chỉ biết quan tâm tới người yêu mà không hề quan tâm tới cảm xúc của gia đình, người thân của người mình yêu thì tốt nhất không nên lấy người đó”.

Theo H., trước Tết Nguyên đán 2013, Hằng và Khuyến lại chia tay. Từ lúc đó cho tới ngày chị Hằng bị sát hại, ngày nào Khuyến cũng đe dọa người yêu cũ.

Còn ông Lê Văn Thanh, cha ruột chị Hằng, cho hay gia đình ông biết mối quan hệ tình cảm giữa Hằng và Khuyến nhưng gia đình phản đối.

“Tôi khuyên cháu Hằng không nên tiếp tục yêu đương nữa vì thấy cậu này không có đạo đức. Mới yêu nhau, chưa có ràng buộc chuyện vợ chồng mà nó cứ đánh đập rồi thậm chí đốt đồ con Hằng miết thì làm sao mà chấp nhận được. Tết Quý Tỵ vừa qua, Khuyến có về quê gặp gia đình tôi vài lần để quỳ lạy, van xin gia đình tôi cho được yêu cháu Hằng nhưng tôi không chịu. Tôi có khuyên nó: Con gái thì nhiều. Chuyện tình cảm của cháu với con Hằng nhà chú nhắm không được rồi. Cháu nên chia tay với con gái của chú rồi đi tìm người yêu mới” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng cho biết bản thân ông chưa tiếp xúc, gặp gỡ gia đình Khuyến lần nào. Thời gian trước, khi Khuyến hành hung, chặn đường Hằng, em vợ ông có đến nói chuyện với anh trai Khuyến ở TP.HCM. Anh trai Khuyến lúc đó cũng có ghi nhận sự việc nhưng cho rằng đó là chuyện tình cảm riêng tư của hai đứa nên không tiện can thiệp.

Từng nhảy cầu tự tử vì tình

Tiếp xúc với anh K., anh trai kế của Khuyến, tại tiệm làm cửa sắt của anh này trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, anh cho biết Khuyến là đứa em ngoan hiền, từng theo học tại ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng sau đó bỏ dở. Theo anh K., hai năm trước cũng do buồn bã trong việc yêu đương với Hằng, Khuyến đã tự tử, lần đó Khuyến nhảy cầu Thủ Thiêm (tại Q.2) nhưng may mắn khi nhảy xuống lại rơi đúng vào một đám lục bình đang trôi trên sông nên chỉ bị thương. Sau đó gia đình đưa Khuyến về quê chữa trị mất vài chục triệu đồng.

Trước khi ra tay sát hại Hằng hai ngày, Khuyến có về nhà anh K. lấy đi một xe Vespa cùng giấy tờ xe. Sau đó, Khuyến mang tất cả đi cầm 20 triệu đồng. Ngày hôm sau, anh K. và vợ đã đến Công an P.22, Q.Bình Thạnh trình báo với ý định yêu cầu công an phường bắt Khuyến đi cải tạo nhằm giúp Khuyến lấy lại sự tỉnh táo sau cuộc tình đổ vỡ và tránh cho Khuyến có thể gây ra những việc phạm pháp. “Thế nhưng, công an chưa kịp bắt nó thì ngay chiều hôm sau nó đã gây ra chuyện tày đình. Mẹ tôi ở quê nhà nghe tin mà khóc ngất đi mấy lần” - anh K. chua xót nói.

Nạn nhân đã gửi đơn trình báo công an

Trung tá Võ Văn Trai - trưởng Công an P.22, Q.Bình Thạnh - cho biết một tuần trước khi xảy ra vụ án mạng, chị Lê Thị Thúy Hằng có gửi đơn cho Công an Q.Bình Thạnh tố giác việc Khuyến tung hình “nhạy cảm” và nói xấu cô này trên mạng. Vì vậy, Công an Q.Bình Thạnh đã chuyển đơn của cô Hằng về Công an P.22 yêu cầu làm rõ và báo cáo sự việc.

Nhận được đơn, Công an P.22 đã cử công an khu vực đến địa chỉ mà cô Hằng ghi trong đơn để xác minh. Nhưng đây chỉ là căn nhà do một người anh ruột của Khuyến thuê lại để mở tiệm hàn cửa sắt. Trước tết Khuyến có lui tới ít lần, nhưng sau tết Khuyến không đến đây nữa và Khuyến cũng chưa từng đăng ký tạm trú tại địa chỉ này. Vì thế Công an P.22 không xác định được Khuyến ở đâu để mời đến làm việc. Do chị Hằng không cư ngụ tại phường 22 nên khi công an phường tiếp nhận đơn từ Công an Q.Bình Thạnh, đã lập tức mời chị Hằng đến trình bày vụ việc vào trưa 13/4.

Hằng trình bày trước đó Khuyến từng về tận quê của Hằng đánh đập hai người cậu của Hằng nên gia đình đã không đồng ý cho Hằng tiếp tục quen Khuyến. Cũng theo lời Hằng, hiện nay cô đang quen với bạn trai mới làm chung công ty. Để dằn mặt, Khuyến từng đến tận nhà anh này đánh cảnh cáo. Hằng có yêu cầu Công an P.22 mời Khuyến đến phường để giải quyết việc tung hình và nói xấu Hằng trên mạng. Nhưng khi Hằng vừa rời Công an P.22 thì Khuyến ra tay sát hại Hằng.

Lập tức đến công an phường tố cáo khi bị đe dọa

Thượng tá Trần Minh Thường, phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh, cho biết trong trường hợp người dân bị đe dọa trực tiếp hay nhắn tin uy hiếp phải lập tức đến công an phường làm đơn tố cáo, để công an phường đứng ra giải quyết. Theo quy trình, công an phường sẽ mời người làm đơn tố cáo đến công an phường tường trình lại sự việc. Sau đó, mời người bị tố cáo đến cơ quan công an để đối chất lời khai của người tố cáo.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, quy trình của công an trong vụ việc này không sai. Nhưng do hung thủ đã bất chấp tất cả, hung thủ biết giết người là phạm tội hình sự nhưng vẫn cố tình ra tay sát hại nạn nhân ngay sau khi cô này vừa rời khỏi công an phường, việc xảy ra bất ngờ ngay cả nạn nhân cũng không thể dự đoán được để có thể né tránh.

Trong những tình huống tương tự, nếu nạn nhân bị đe dọa về tính mạng thì bản thân nạn nhân phải đánh giá được mức độ nguy hiểm có thể xảy ra, từ đó có thể đưa ra quyết định tố cáo sự việc với cơ quan công an xử lý hay hợp đồng với một công ty vệ sĩ để ký hợp đồng bảo vệ cho bản thân. Hoặc nạn nhân cũng có thể tiến hành song song cả hai phương án trên để đảm bảo tính mạng của chính mình.

Hung thủ đã mất năng lực kiểm soát nhân cách

Hung thủ rất có thể đã rơi vào trạng thái mất năng lực kiểm soát nhân cách. Khi rơi vào tình trạng này, con người chỉ muốn làm theo ý chí của mình chứ không dựa trên cơ sở nhân cách xã hội.

Với những người mất năng lực kiểm soát nhân cách, có thể xem xét đến khả năng liệu họ có dấu hiệu tâm thần hay không. Nếu như hung thủ trước đây chưa từng mắc bệnh tâm thần thì có thể người này đã bị chuyển từ trạng thái tâm lý rối loạn sang ức chế. Anh ta có nhu cầu đề cao tình yêu bất tử - hay nói cách khác đó là một sự lãng mạn mất nhân cách. Với tình huống này, có thể cô bạn gái đã không hiểu rõ tình trạng của anh ta để giúp anh ta vượt qua khủng hoảng.

Đôi khi sự trả lời đoạn tuyệt tình cảm quá dứt khoát nhưng lại thiếu tế nhị sẽ khiến đối phương rất dễ chuyển từ yêu thương sang thù hận. Việc hung thủ giết người xong vẫn có thể bình tĩnh lên mạng Internet kể về chuyện mình đã giết người yêu ra sao chứng tỏ anh ta không hề sợ hãi, chứng tỏ đã đạt tới mức độ lạnh lùng, mất nhân tính.

Chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền (Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM)