Cước vận tải chưa chịu giảm sau đợt giá xăng dầu giảm sâu nhất mới đây. Việc “án binh bất động” này không ngoại trừ khả năng các doanh nghiệp (DN) vận tải bắt tay nhau “làm giá”.
Ông Nguyễn Tất Thành, GĐ Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho hay, giá vé xe khách chưa có biến động sau đợt giảm sâu nhất giá xăng dầu hôm 22/12.
“Vẫn chỉ có 20 doanh nghiệp giảm giá cước như trước ngày 22/12. Sau ngày đó, chỉ có Cty Phương Trang giảm từ 80.000 đồng xuống 75.000 đồng tuyến Hà Nội - Nam Định” - ông Thành nói.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình cho biết, sau đợt giảm giá xăng gần đây, các DN vẫn đang nghe ngóng chưa điều chỉnh giá. Trước đó, trung bình, hơn 100 hãng taxi ở Hà Nội chỉ giảm ở mức nhỏ giọt, 500 đồng/km.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau chỉ thị của Bộ GTVT về điều chỉnh giá cước hôm 23/12, các tỉnh vẫn chưa báo cáo về Bộ. “Ước tính hiện nay, số DN giảm giá cước chưa đến một nửa” - Bà Hiền nói.
Một GĐ bến xe Hà Nội cho rằng, không loại trừ khả năng các DN vận tải bắt tay, “cam kết ngầm” không giảm giá; nhất là trong điều kiện trên một tuyến chỉ có vài DN tham gia.
Chiều 30/12, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã yêu cầu các đơn vị quản lý giá địa phương có văn bản gửi các DN đề nghị kê khai giảm giá cước, tính toán lại chi phí đầu vào.
“Nếu các DN không kê khai lại giá theo thời hạn nhất định, sẽ bị xử phạt. DN kê khai chiếu lệ sẽ bị kiểm tra yếu tố làm giá. Thông tin báo chí đưa các hãng vận tải bắt tay nhau không giảm giá nếu có thật, tức là các DN này vi phạm Luật Cạnh tranh”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, giá cước vận tải ô tô đã được Nhà nước cho phép vận hành theo cơ chế thị trường; không thể dùng các biện pháp hành chính để buộc giảm giá.
Trước mắt, ông Thanh đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần công bố công khai DN nào không chịu giảm giá cước để “bêu xấu” và biểu dương DN giảm giá sâu. “Việc Nhà nước cần làm lúc này là khuyến khích các DN giảm giá cước, để khuyến khích cơ chế cạnh tranh. Cụ thể là công khai tên DN giảm giá cước, biểu dương họ kịp thời; không thể vào kiểm tra xong rồi cứ im thít như hiện nay”- ông Thanh nói.
Hiện, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá tối đa 150 triệu đồng; đối với tổ chức tăng lên gấp đôi.