Bỗng dưng cấp cứu
Để dẫn chứng, thầy Phan Minh Khoa - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường (TTGDTX) Q. Tân Bình, TP. HCM liệt kê hàng loạt những trường hợp dở khóc dở cười của HS trung tâm mình. Đang trong giờ học, một HS ngã lăn ra đau dữ dội, mặt nhăn nhó. Ba bạn ngồi cùng bàn ân cần giúp đỡ, xin giáo viên đưa bạn đi cấp cứu và chăm sóc bạn. Tưởng thật, giáo viên cũng đồng tình, còn đánh giá cao tình bạn của học trò. Sau đó, nhà trường tức tốc cử người đến Bệnh viện quận Tân Bình để xem tình trạng bệnh của HS thế nào. Nhân viên của trường tìm mãi, không thấy HS của mình đâu. Sau khi điều tra mới biết những HS này chỉ viện cớ bỏ học đi chơi chứ không bệnh hoạn gì cả.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Út - chuyên viên tham vấn tâm lý của Trường THCS Cửu Long, Q. Bình Thạnh, TP. HCM, cho biết: “Việc thường thấy nhất là HS giả bệnh để xuống phòng y tế nằm nghỉ cả tiết học, có khi cả buổi. Khi y tá khám, không phát hiện bệnh, nhưng HS cứ run bần bật. Đến hết giờ học, “bỗng dưng” khỏe mạnh”. “Có HS đã tâm sự thẳng thắn với tôi, rất nhiều lần em uống một loại thuốc ho, để cho người ngầy ngật, vào lớp không học nổi, thế là được xuống phòng y tế nằm cho hết buổi học”, cô Út nói.
Mỗi lần chán học thì các nữ sinh lại giả vờ đau bụng vì tới “chu kỳ”. Với chiêu này thì nhà trường có muốn kiểm tra nữ sinh có giả vờ không thì cũng bó tay. Đáng nói, có trường hợp, 1 tháng nhưng tới chu kỳ đến 2 lần.
Cùng trao đổi, lắng nghe tâm tư của HS để hiểu các em hơn (Ảnh: M.Luân)
Trốn vào nhà vệ sinh
Cũng tại TTDGTX Q. Tân Bình, có HS còn thuê xe ôm làm người nhà đến đón sớm với lý do: lúc thì ông cố đau nặng, lúc thì bà ngoại nhập viện xin vào gặp lần cuối, lúc thì ông năm, dì tư té xe…
Có HS còn táo bạo hơn, lưu vào danh bạ của bạn số điện thoại của cha hoặc mẹ mình. Sau đó nhờ bạn nhắn tin vào điện thoại với nội dung: “Về nhà gấp, có chuyện khẩn”... Với chứng cứ này, HS lại đến xin giáo viên chủ nhiệm và giám thị để nghỉ học về nhà.
Cô Nguyễn Thị Út cũng đang là giáo viên của Trường THCS Nguyễn Văn Bé (Q. Bình Thạnh, TP. HCM), cho biết: “Có lần HS ở trường này còn đem cả bột năng, bột mì vào lớp, tới giờ học nào không thích sẽ tung bột lên mịt mù với ý nghĩ: Để phòng ốc trở lại bình thường thì cũng phải mất gần một giờ. Nếu vậy, các em sẽ được nghỉ một tiết”.
Tại Trường THCS Cửu Long, HS còn đem “bom thối” (những chất hóa học gây thối được bọc kín trong giấy kiếng) vào lớp đập, khiến cho phòng học có mùi hôi thối nồng nặc hàng giờ liền mới khỏi. Thực hiện việc này, mục đích cuối cùng của các em là được nghỉ học.
Ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5, TP. HCM, cho biết có HS còn lấy nước ngọt đổ lên bàn, khiến cho cả lớp và giáo viên phải mất thời gian lau chùi. Một việc thường thấy nhất ở các trường phổ thông hiện nay là HS trốn vào nhà vệ sinh đến hết tiết. “Đáng nói là việc trốn vào nhà vệ sinh, các bạn cùng lớp không tố giác, mà còn bao che cho nhau. Giáo viên bộ môn thì không thể nào biết là lớp hôm nay có ai vắng?”, cô Út nói.
Nên hiểu tâm lý học sinh
Theo thầy Phan Minh Khoa, khi phát hiện những trường hợp cố tình lừa dối, trung tâm sẽ công khai kiểm điểm HS vào giờ sinh hoạt dưới cờ thứ hai hằng tuần, trừ điểm hạnh kiểm, báo về cho phụ huynh. Đối với các trường hợp bệnh, nhân viên y tế sẽ kiểm tra độ tin cậy. Nếu thấy nặng, thông báo người nhà vào chăm sóc. Đối với các HS cần phải cho về nhà, báo cho phụ huynh để cùng giám sát. Trường hợp thân nhân vào liên hệ xin phép, giám thị sẽ kiểm tra mối quan hệ qua học bạ, phản hồi lại cho giáo viên chủ nhiệm, báo ban giám đốc quyết định.
Cô Nguyễn Thị Út nêu vấn đề: “Nhiều HS tâm sự thầy cô chỉ thích la mắng chứ không thể nói nhẹ nhàng với những sai phạm của các em. Điều này làm cho các em chán học nên tìm lý do để nghỉ học. Có em còn cố tình chống đối để thầy cô phạt hoặc đuổi ra khỏi lớp vì đây là điều mà các em mong muốn. Tâm lý tuổi học trò là khi cảm nhận được thầy cô bộ môn nào thương mình, các em sẽ rất hạnh phúc, luôn muốn gần gũi và chuyên cần học tập môn đó”.