Để tìm hiểu sâu hơn và phần nào vén bức màn bí mật về sức mạnh ma quái của những lá bùa chúng tôi đã diện kiến "cao thủ" bùa ngải Bùi Thị Lủi khi bà đã "quy ẩn" ở một nơi thâm sơn cùng cốc.
Cao thủ bùa "rửa tay gác kiếm"
Con đường lên tới đỉnh Cốt Ca lộng gió thuộc xã Quý Hoà (Lạc Sơn- Hoà Bình) vẫn gian nan, gập ghềnh y như hàng trăm năm nay vẫn thế. Nhà "cao thủ" Bùi Thị Lởi nằm cuối bản Thung xa xôi, vắng vẻ. Thấy người lạ đến, lại nhắc đến "ngón nghề siêu đẳng" đã từng vang danh khắp xứ Mường Vang, Mường Cháy…bà Lủi xua tay: "Tao đã rửa tay gác kiếm rồi, không bùa ngải nữa đâu".
91 tuổi, còn khá minh mẫn nhưng đã bỏ nghề bùa cách đây chục năm sau khi có ngót ngét 70 năm tung hoành khắp nơi để làm bùa. Hơn chục năm về trước, thậm chí cho đến bây giờ nhắc đến tên thầy Lủi thì khắp xứ Mường ai ai cũng biết. Chỉ có điều sau đó tuổi cao sức yếu nên "cao thủ" này "quy ẩn giang hồ" an hưởng tuổi già trong ngôi nhà sàn đơn sơ dưới chân đỉnh Cốt Ca.
Khi chúng tôi hỏi: "Bà còn có thể làm bùa được nữa không?". Bà Lủi thều thào: "Có chứ. Nhưng giờ tao già, sắp về trời rồi, không làm một lá bùa nào hơn 10 năm nay. Giờ cũng không làm thứ đó nữa". Bà cho hay, bà có hai đệ tử làm bùa nổi tiếng ở Hoà Bình nhưng sau khi bà ẩn cư thì họ cũng bỏ nghề không dính đến bùa nữa.
"Ngày xưa ở xứ tao còn ít người lắm, rừng thì rậm rạp, cây cối nhiều. Con gái tuổi tao ngày ấy thì ai cũng biết bùa ngải cả. Có điều, ai có duyên với nó thì làm được, còn không có duyên thì bùa ngải không thiêng"-Bà Lủi kể.
"Cao thủ" này cũng cho biết rằng, bùa ngải có bùa yêu, bùa ác trong hai thứ bùa này thì có hàng trăm các loại khác nhau ứng với từng sự việc. Bùa không chỉ gieo vào người mà còn gieo vào vật, vào những thứ vô tri như sỏi đá, lá, nước.
Mê làm bùa nên bà Lủi đánh rơi mất cả tuổi thanh xuân. Không chồng không con về già bà sống lủi thủi một mình nơi thung lũng nghèo trên đỉnh Cốt Ca trong cảnh cô đơn.
Bí ẩn nuôi con…"ma Mọi"
Không tiết lộ quá nhiều về kỹ thuật và huyền cơ trong những lá bùa nhưng bà Lủi cũng hé mở một phần những bí ẩn nằm trong ngón nghề siêu đẳng của bà.
Vài chục năm về trước, đất Mường như một cuốn sách chứa đựng vô vàn những điều huyền kỳ mê hoặc. Những cái chết chứa đầy bí ẩn mà người ta thường giải thích rằng bị "ma Mọi" ám. Nhưng "ma Mọi" là gì thì chưa một ai nhìn thấy, chính những người nơi đất này cũng không bao giờ hé miệng nhắc đến nửa lời. Người ta cứ cho rằng, đó là những hồn ma lang bạt nơi rừng thiêng nước độc thấy người lạ hợp vía là nhập vào. Lạ thay những người sau khi bị "ma Mọi" ám đều chết bất đắc kỳ tử giữa thời khắc chuyển giao ngày cũ sang ngày mới, tức từ 0 giờ đến 2 giờ sáng.
Và, càng lạ hơn nữa là nhiều gia đình mời pháp y đến khám nghiệm tử thi thì đều có chung kết luận là "có thể chết do sốt rét". Nay, ngồi diện kiến cao thủ thuộc hàng "thiên hạ đệ nhất bùa chài" đã "rửa tay gác kiếm" này thì "ma Mọi" cũng là một thành phần trong huyền bí của lá bùa. Thầy Lủi bảo: "Ma Mọi là từ bùa chài mà ra thôi. Mỗi thầy bùa xưa kia đều nuôi mấy con ma Mọi. Ma Mọi có ma hiền, ma dữ. Cũng như bùa ngải có bùa yêu, bùa ác thế thôi".
Để sở hữu một con "ma Mọi" biết nghe theo lời điều khiển của thầy bùa thì đầu tiên phải "trói" được nó. Như thiên hạ đồn thổi quả không sai, "ma Mọi" là những hồn ma vất vưởng, đói rách, không được siêu thoát. Những thầy bùa bắt những "hồn ma" này về tế lễ, cho ăn uống để rồi điều khiển chúng làm theo những gì thầy bùa sai khiến. Bằng thứ "phép thuật" vô hình, thầy bùa sẽ thổi vào nó những câu thần chú như cái "vòng kim cô" để chế ngự "ma Mọi".
Không biết thực hư về "truyền thuyết" những con "ma Mọi" ấy ra sao nhưng nghe bà Lủi kể với cái giọng thều thào khiến tôi lạnh ướt cả sống lưng. Bà Lủi còn cho hay, những thầy bùa nổi tiếng đã đạt đến tầm "đắc đạo" của nghiệp bùa ngải thì không cần đến những vật nọ vật kia làm trung gian. Thậm chí chỉ cần ném viên sỏi vào người nào đó đi ngang qua đường thì người bị ném bùa cũng một phần sống, chín phần chết.
Như để thuyết phục tôi, bà Lủi kể, năm 1997 khi đó bà đã đi qua ngưỡng tuổi "thất thập cổ lai hy" một người ở huyện Yên Thuỷ hớt hải tìm đến gặp bà. Vừa gặp mặt người phụ nữ đã quỳ rạp đầu xuống đất khẩn thiết: "Xin bà tha cho chồng con. Chồng con có lỗi gì thì bà bỏ qua cho. Chồng con mà chết thì con cũng không biết sống sao nữa". Giây phút ngỡ ngàng, bà Lủi bảo người phụ nữ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà nghe. Nghe ra bà mới hiểu là trước đó một tuần bà có làm lá bùa yểm vào một viên đá nhỏ cho một người ở Yên Thuỷ. Bà không ngờ người nọ đã dùng lá bùa để trả thù cá nhân lại tiết lộ cho người khác biết xin bùa của bà.
Nhưng nghe người phụ nữ trình bày xong bà Lủi đay đảy chối rằng, chị ta đã nhầm người, và chồng chị không phải bị dính bùa của bà. Người phụ nữ khóc thảm thiết bởi nếu không giải được bùa thì mạng sống của chồng chị ta sẽ khó cứu, vợ trẻ con thơ phải bơ vơ. Thương tình bà bảo: "Tôi không làm bùa hại chồng cô. Nhưng tôi có thể cứu sống anh ta". Nói rồi bà Lủi vặt 3 lá cây rừng hà hơi vào và lẩm nhẩm đọc rồi đưa cho người phụ nữ dặn: "Về để chồng chị nhai 3 lá cây này, bệnh ắt tiêu tan".
Sau đận ấy, bà âm thầm "giải nghệ" không đụng đến bùa ngải nữa. Tôi hỏi, sao bà lại bỏ nghề? Bà bảo: "Bay không biết chứ đã làm bùa ai rồi thì tối kỵ không được tự mình giải bùa ấy. Tao đi ngược lại với quy định đó thì vĩnh viễn không làm bùa nữa. Có làm cũng sẽ không còn thiêng".
Tôi hỏi thêm rằng, gần đây xứ Mường xuất hiện nhan nhản thầy bùa. Thậm chí, bùa được rao bán như một món hàng ở giữa lòng thủ đô bà nghĩ thế nào?. Bà Lủi cười, tiếng cười khò khè: "Thầy bùa xứ tao nhiều, nhưng làm được bùa thật sự thì ít lắm, đếm trên đầu ngón tay thôi. Bùa đã thấy thì không thiêng, không tác dụng gì cả. Nhiều người cả tin thì chỉ tự mang bệnh vào thân thôi".
Tôi cố gắng hé mở thêm những bí ẩn phía sau bức màn bùa ngải nhưng bà Lủi liên tục xua tay, lắc đầu. Bà bảo, tuy đã "rửa tay gác kiếm" nhưng những điều cơ bản trong kỹ thuật làm bùa, và những góc khuất của nó bà sẽ mang theo xuống ba tấc đất.