Hiện các trường mầm non rất chú trọng trong việc vệ sinh lớp học, đồ chơi cho trẻ để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Hải
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, ngay khi có thông tin về 9 ca mắc tay chân miệng tại trường mầm non này, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã tiến hành khử khuẩn, vệ sinh môi trường. Ban giám hiệu Trường mầm non Dịch Vọng cũng đã cho các cháu ở lớp D1 nghỉ học (vì có 4 cháu mắc bệnh). Đến nay, sau 1 tuần phát hiện ca bệnh đầu tiên thì tại ổ dịch này chưa có thêm ca bệnh mới nào.
Ông Cảm cũng cho rằng, hiện rất khó có thể nhận định về tình hình dịch TCM tại Hà Nội năm nay bởi dịch đến sớm hơn mọi năm (2011, ca bệnh đầu tiên rơi vào tháng 5 và đến tháng 9-11 mới là “đỉnh” dịch) với số ca mắc trong 2 tháng rưỡi đầu năm đã là hơn 730 ca, trong khi cả năm 2011 là 1.600 ca.
“Trước nguy cơ dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp, UBND TP Hà Nội rất quan tâm, chỉ đạo UBND các quận, huyện, ban ngành đoàn thể phối hợp với ngành y tế để làm tốt công các phòng, chống dịch bệnh. Từ cuối năm 2011, chúng tôi cũng được đầu tư kinh phí để triển khai các biện pháp giám sát dịch chủ động”, ông Nguyễn Nhật Cảm cho hay.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã triển khai tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn cho mạng lưới kiểm soát dịch tễ ở 29 quận/huyện trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cho cộng đồng và tập huấn chuyên môn cho cán bộ các trạm y tế, y tế trường học.
Đắk Lắk: Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh trên toàn tỉnh
Với 109 ca trẻ em bị bệnh tay chân miệng nhập viện, TP. Buôn Ma Thuột là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk Chiều 22/3, Bác sỹ Cao Minh Toàn, Phó giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban phòng chống dịch ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quý I/2012 tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh ghi nhận hơn 500 ca trẻ em nhập viện do bệnh tay chân miệng. Trong đó, TP Buôn Ma Thuột có số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất với hơn 100 ca nhập viện; tiếp theo huyện Ea Súp, Cư M’gar, huyện Krông Bông, Krông Năng, huyện Cư Kuin… Đáng nói, so với cùng kỳ năm ngoái tỉnh Đắk Lắk không ghi nhận trường hợp nào trẻ em nhập viện do bệnh tay chân miệng. Được biết, hiện trẻ em bị bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk không có ca nào tử vong. |