Bé gái Đ.N.M., 10 tháng tuổi ở huyện Phú Xuyên đã tiêm mũi vắc-xin Quinvaxem thứ 3 tại trạm y tế xã vào lúc 9h ngày 4/11. Sau khi tiêm khoảng 4 tiếng, cháu bị sốt cao (39 độ).
Gia đình cho bé uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Đến khoảng 18h30 cùng ngày, cháu bỗng dưng có biểu hiện co giật.
Sau đó bé được đưa đến trạm y tế xã và được chuyển lên Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội và tiếp đó chuyển cấp cứu sang Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện cháu vẫn đang được điều trị tại đây.
Trao đổi với PV ngày 13/11, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua làm việc với BV Nhi Trung ương, Trung tâm được biết bệnh viện xác định cháu bé này bị động kinh.
Trong khi đó, gia đình cháu bé này cho biết cả nhà không ai có tiền sử bị động kinh, cháu bé cũng hoàn toàn khỏe mạnh cho đến thời điểm trước tiêm.
Trước đó cháu cũng đã tiêm 2 mũi vắc-xin Quinvaxem, 1 mũi vắc-xin viêm gan B, 1 mũi vắc-xin lao và uống 1 liều vắc-xin bại liệt đều không gặp phản ứng gì.
Hiện tại, cháu M. đã hết sốt, các cơn co giật đã giảm, sức khỏe diễn biến khả quan.
Ông Cảm cho biết, ngoài trường hợp trên (được xác định là do mắc bệnh động kinh), kể từ thời điểm tiêm lại vắc-xin Quinvaxem, Hà Nội không ghi nhận trường hợp nào gặp phản ứng nặng.
Có một số trường hợp bị sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc nhưng đó đều là các phản ứng bình thường sau tiêm, hiện sức khỏe các cháu đều ổn định.
Tính tới thời điểm này, Hà Nội đã hoàn thành tiêm vắc-xin Quinvaxem cho hơn 41.000 trẻ tại 26 quận, huyện. 3 quận, huyện còn lại sẽ hoàn thành tiêm trong tuần này.
Khám sàng lọc khó phát hiện hết nguy cơ?
Về trường hợp tử vong tại Quảng Trị sau tiêm vắc-xin Quinvaxem được kết luận là do viêm phổi nặng, VietNamNet nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ hơn kết luận này để có tính thuyết phục, giúp người dân yên tâm.
Theo đó, thời gian cháu bé ở Quảng Trị xuất hiện các triệu chứng viêm phổi phải nhập viện là 16 giờ sau khi tiêm vắc-xin Quinvaxem. Trong khi đó, Cục Y tế dự phòng cho biết, báo cáo của Quảng Trị cho thấy cán bộ tiêm chủng thực hiện đầy đủ quy trình, gồm cả khám sàng lọc, và khẳng định cháu bé khỏe mạnh, đủ điều kiện tiêm.
Nhiều độc giả cho rằng, quãng thời gian 16 tiếng có lẽ không đủ để khiến một cháu bé khỏe mạnh bình thường lại trở nên bị viêm phổi nặng phải nhập viện cấp cứu rồi tử vong sau đó. Như vậy, nếu loại trừ nguyên nhân do vắc-xin thì phải xem lại khâu khám sàng lọc.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, một chuyên gia về tiêm chủng cho biết, việc khám sàng lọc trước tiêm chủng là cần thiết, quan trọng, song có điều điểm tiêm chủng không phải nơi khám chữa bệnh như bệnh viện nên cũng có những khó khăn nhất định.
"Hầu hết cán bộ tiêm chủng hỏi về tiền sử sức khỏe, có dị ứng gì không, các mũi tiêm trước ra sao, trẻ bú thế nào, đo nhịp tim, huyết áp, …, chứ không thể khám chuyên sâu như khi khám bệnh được", vị này cho hay.