Bộ Xây dựng vừa tổ chức cuộc họp với các chuyên gia, đại diện các bộ ngành để “chốt” lại nguyên nhân nứt trụ cầu Vĩnh Tuy. Theo đó, nguyên nhân xuất hiện các vết nứt được xác định là do chênh lệch nhiệt độ trong quá trình thi công tại các trụ cầu.
Theo ông Ngô Văn Minh - đại diện đơn vị tư vấn kiểm định độc lập (Trường Đại học GTVT Hà Nội), nguyên nhân gây xuất hiện vết nứt là tổng hợp của các nguyên nhân trong đó phải tính đến các yếu tố như: chênh lệch nhiệt độ; chênh lệch co giữa các khối đổ bê tông, đặc biệt là giữa phần trụ đặc và phần trụ rỗng; co ngót của bê tông trong giai đoạn non tuổi.
GS-TS Nguyễn Viết Trung, Trường Đại học GTVT Hà Nội, cho biết, các kết quả thí nghiệm cho thấy cầu Vĩnh Tuy an toàn trong sử dụng, nên không cần phải tính toán đến phương án hạ tải cho cầu. “Việc xuất hiện các vết nứt tại các trụ cầu có ảnh hưởng đến tuổi thọ của toàn công trình nên cần sớm có biện pháp xử lý và khắc phục sự cố này” - ông Trung nói và đề xuất việc khắc phục, xử lý vết nứt: bơm vữa bê tông trực tiếp vào vết nứt, và phải dùng phương pháp bơm chậm.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, từ các kết quả kiểm định có thể thấy cầu Vĩnh Tuy an toàn. Tuy nhiên, ông Quang lưu ý các đơn vị có liên quan sớm có phương án xử lý để không bị ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình.
Liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội đã thống nhất xác định trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Cụ thể, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) đã thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn bê tông có cường độ 40 MPa để thiết kế trụ cầu có khối đổ lớn, làm phát sinh nhiệt thủy hóa cao trong khối đổ bê tông; nhà thầu thi công xây dựng trụ cầu là Tổng Cty Xây dựng Thăng Long chưa tuân thủ các yêu cầu trong chỉ dẫn kỹ thuật về khống chế sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài khối đổ không được vượt quá 20°c, chưa có biện pháp thi công phù hợp để phòng tránh hoặc giảm thiểu nứt các trụ cầu; đơn vị tư vấn giám sát là Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải chưa nghiên cứu đầy đủ các yêu cầu trong chỉ dẫn kỹ thuật, nên đã không có yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đúng chỉ dẫn kỹ thuật.
Ngoài ra, chủ đầu tư là Ban quản lý Dự án Hạ tầng Tả Ngạn chưa thực hiện tốt công tác tổ chức quản lý chất lượng công trình, dẫn đến các lỗi kỹ thuật nêu trên. Công ty TNHH MTV công trình giao thông Hà Nội (quản lý cầu Vĩnh Tuy) thì không kịp thời báo cáo và không xử lý hiện tượng nứt trụ cầu mặc dù đã phát hiện ra vết nứt từ tháng 3/2010.
Các cơ quan đã đi tới thống nhất: Căn cứ vào trách nhiệm cụ thể của các bên theo hợp đồng, chủ đầu tư phải xác định rõ trách nhiệm để thực hiện bồi thường theo quy định. Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải được đề nghị chủ trì rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu có kết cấu bê tông cốt thép khối lớn đế tránh xảy ra hiện tượng nứt bê tông do nhiệt thủy hóa.
Trước đó, như đã phản ánh, vết nứt dọc xuất hiện tại tại vị trí trụ T22 của cầu Vĩnh Tuy, thuộc gói thầu số 12 - gói này có phần nhịp chính bắt đầu từ giữa nhịp 21 và kết thúc tại cuối nhịp 37. Gói thầu do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải - Bộ Giao thông vận tải thực hiện.
Ngày 28/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội kiểm tra, làm rõ nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy và xử lý theo thẩm quyền.
Cầu Vĩnh Tuy là cây cầu quan trọng nối tuyến đường vành đai II từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên, Gia Lâm, khởi công ngày 3/2/2005. Dự án cầu Vĩnh Tuy gồm chiều dài tuyến chính 5,8km, trong đó cầu chính vượt sông Hồng dài 3,7km. Đây là một trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch phát triển thủ đô đến năm 2020. Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào khai thác từ tháng 9/2009 với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng.