Đã năm năm sau khi trở về và hoạt động tại Việt Nam, nhìn lại những gì đang có trong tay, người mẫu Hà Anh chắc hẳn biết rõ cô đã phải bỏ bao nhiêu công sức, bao nhiêu nỗ lực để đổi lấy hiện tại.
Có người cho rằng Hà Anh có khả năng sử dụng ngôn ngữ quá linh hoạt được kế thừa từ ông nội là nhà văn Vũ Tú Nam.
Chính vì thế, cô có thể sử dụng chữ nghĩa làm tấm khiên che chắn mình trước mọi lời bàn ra tán vào, cô cũng sử dụng chữ nghĩa làm thanh gươm để chiến đấu đến tận cùng với những ai tuyên chiến với cô.
Hà Anh không phủ nhận điều đó, nhưng trên tất thảy, ở cô là một sự cố gắng không ngừng nghỉ ngày qua ngày để tiến tới đích đến mà cô đã định ra từ trước
.
Vietnam's Next Top Model hãy kiện sau khi đọc sách
Sau chín năm miệt mài với nghề mẫu trong đó có bốn năm ở nước ngoài, Hà Anh đã cho ra mắt cuốn sách tự truyện của mình Là tôi, Hà Anh.
Cô nói rằng đây là cuốn sách gồm tập hợp những câu chuyện nhỏ của cô, mà Hà Anh lại có ngần ấy năm trời làm người mẫu. Chính vì thế người ta mong đợi cuốn sách này sẽ chứa đựng những bí mật hậu trường của sàn diễn thời trang, điều mà luôn là sự tò mò muốn khám phá của biết bao người.
Mọi việc càng trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Hà Anh hé lộ cuốn sách có nói về chương trình Vietnam’s Next Top Model, nơi mà cuộc chiến với cô cho đến nay đã ba năm mà chưa có hồi kết.
Hà Anh hé lộ, truyền thông sôi sùng sục, ban tổ chức chương trình Vietnam’s Next Top Model cũng đứng ngồi không yên vì không biết thông tin gì về chương trình được Hà Anh nói ra trong đó, còn công chúng thì hả hê vì sắp có thêm một scandal mới.
Nhưng trái lại với mong đợi của nhiều người, Hà Anh vẫn bình thản, bảo mọi người kiên nhẫn chờ đợi đến ngày sách ra, rồi bảo Ban tổ chức chương trình kia muốn kiện thì hãy kiện vào thời điểm đó:
‘Tôi cùng ê kíp chuẩn bị nhiều poster trên đó có những hình ảnh và câu nói điển hình của tôi trong sự nghiệp. Trong số đó, có một câu nói về chương trình Vietnam’s Next Top Model.
Trở thành tâm điểm rất nhanh, rất nhiều tờ báo đã đưa tin về chuyện này cũng như chuẩn bị tâm lý mổ xẻ một scandal sắp tới.
Đến nỗi mà ban tổ chức Vietnam’s Next Top Model cũng phải lên tiếng là muốn kiện tôi vì những gì tôi sắp công bố.
Trong buổi họp báo vừa qua ở Hà Nội, một số người đã được cầm trong tay cuốn sách đó và ngay lập tức tìm đến bài viết mà họ nghĩ sẽ gây bão.
Sau khi đọc xong, họ nói với tôi rằng mọi thứ không kinh khủng như họ mường tượng, chẳng có vạch mặt cũng không có kết tội. Trái lại, tôi viết khách quan và rất lành trong bài viết đó.
Và khi đọc thêm những bài viết về Huyền Trang hay về cuộc sống trong showbiz thì họ hiểu thêm được tại sao tôi lại hành động như thế.
Điều này rất có ý nghĩa với tôi bởi giống như tôi mong muốn, tôi kể ra quan điểm của mình để mọi người có thể hiểu tại sao tôi lại hành động như thế trong những thời điểm quyết định.
Việc tôi đúng hay sai hay tuỳ thuộc người đọc, nhưng bà nội tôi, người đã từng lo câu chuyện này sẽ bị đẩy đi quá xa, sau khi đọc xong cuốn sách đã nói với rôi rằng tôi viết vừa phải, có lý lẽ, có trước sau, và đây cũng là việc nên viết vì phản ánh đúng và chân thực một cuộc thi truyền hình thực tế’.
Chuyện hậu trường ky kỳ, hài hước
Dường như cuốn sách không như kỳ vọng của số đông khi những câu chuyện hậu trường không được khắc hoạ đầy đủ, tỉ mỉ, rõ nét, chỉ mặt đặt tên từng người chơi xấu, đi cửa sau… trong cái ngành thời trang Việt Nam vốn đã lắm thị phi.
Với ngần ấy năm hoạt động trong nước và quốc tế, hơn ai hết, Hà Anh là người hiểu rõ những bí ẩn của showbiz, cũng như có thể so sánh thời trang Việt Nam với các nước khác. Nhưng Hà Anh đã không chọn cách lên án:
‘Nếu tôi là một người ngoài cuộc, lặng lẽ đứng nhìn, quan sát và tường thuật lại thì có rất nhiều chuyện ly kỳ, hài hước. Có những câu chuyện có thể nâng lên thành một quan điểm để người ta phải suy nghĩ. Nhưng tôi lại chọn cách viết rất lành để kể những câu chuyện đó.
Bởi tôi về Việt Nam là do tôi muốn hoạt động nghề nghiệp nghiêm túc, được mọi người đánh giá những cống hiến của mình cũng như muốn được đóng góp một phần nhỏ của mình vào việc xây dựng thời trang Việt phát triển hơn.
Chính vì thế, nếu tôi tiêu cực và chán nản thì tôi có thể lên án và tường thuật rất nhiều những câu chuyện nối tiếp nhau không bao giờ ngừng trong cánh gà.
Tuy nhiên khi tôi nhìn mọi thứ theo hướng tích cực, bản thân tôi vẫn đang đi trên quỹ đạo riêng nên không có lý do gì để bức xúc và đạp đổ thứ mà rất nhiều người đang cùng chung tay xây dựng.
Viết ra thì dễ lắm, một cuốn sách cũng không thể đủ được nhưng quan trọng là tôi viết ra để làm gì. Phê phán thì dễ lắm, còn xây dựng mới khó hơn nhiều.’
Việt Nam câu nệ chuyện vedette
Để đến được ngày cầm trên tay cuốn sách kể về những câu chuyện nhỏ của mình, Hà Anh đã phải rất nỗ lực trong suốt chín năm. Trong khoảng thời gian đó, sự khó khăn lớn nhất Hà Anh gặp lại là khi cô trở về nước:
‘Hồi mới chân ướt chân ráo về Việt Nam, mọi người chỉ nghĩ tôi về nước chơi chứ không có ý định ở lại nên rất thân thiện, cởi mở. Nhưng đến khi tôi về hẳn, đã thực sự trở thành mối đe doạ về vị trí, sự quan tâm cũng như sức hút, thái độ của mọi người cũng từ đó mà thay đổi.
May mắn rằng tôi không quá để ý người ta nói gì, cũng không hay tụ tập bàn tán những câu chuyện rỉ tai nhau đằng sau sàn catwalk. Chính vì thế nên đôi khi tôi bị hiểu nhầm là chảnh, lạnh lùng.
Mọi người cũng thường nghe đâu đó câu chuyện mẫu A giành váy mẫu B, mẫu B chặt tuyến mẫu C, mẫu C tranh vị trí vedette với mẫu A… nhưng những chuyện đó lại không đến với tôi.
Có hôm đi diễn, một bạn mẫu thấy tôi được cầm cái ví đẹp nên nói với đạo diễn muốn lấy chiếc ví đó để diễn, tình cờ nghe thấy chuyện này nên tôi đã đưa ví cho cô ấy và bảo bạn hãy lấy và diễn đi, mình toàn toàn thoải mái. Tranh giành nhau một cái ví trên sàn diễn để làm gì, không có ví tôi càng tự do để diễn xuất hơn chứ.
Cũng tương tự như vậy, có lần quản lý của một người mẫu khác nói với đạo diễn để cho người mẫu đó vào vị trí vedette của tôi, tôi sẵn sàng nhường ngay mặc dù kinh nghiệm cũng như tuổi nghề tôi đều không hề thua kém.
Chỉ có ở Việt Nam mới câu nệ chuyện vedette hay không một cách quá lố như vậy. Tôi nghĩ chuyện nhường vị trí hay nhường đồ không quá khó, bởi tôi tự tin rằng mình có thể toả sáng ở bất kỳ vị trí và trang phục nào.
Sự chuyên nghiệp của người mẫu Việt Nam để mà nói ra thì nhiều lắm, như một số người mẫu tỏ thái độ với nhà thiết kế hoặc đạo diễn rằng không ở vị trí vedette thì không diễn, cũng chẳng đến tập.
Khi khách hàng chỉ định tôi là vedette, phút cuối họ mới đến vào yêu sách để ép đạo diễn phải đổi lại tuyến đi.
Tôi thấy buồn cười và nhiều lần nói với các đạo diễn catwalk rằng tôi không quan tâm vị trí của tôi ở đâu, nhưng đã xếp bạn đó ở vị trí đó thì bạn ấy nên đến tập để thể hiện rõ phong cách làm việc của mình. Còn đến phút cuối làm đảo lộn toàn bộ show diễn thì không bao giờ tôi cho phép chuyện đó xảy ra.
Một tình huống hài hước khác nữa đó là khi một người mẫu thân quen với đạo diễn, bất chấp nhà thiết kế đã chọn tôi nhưng đạo diễn ép để bạn đó thay vị trí của tôi.
Tôi không muốn tỏ ra thiếu chuyên nghiệp với bất cứ ai nhưng một bên là đạo diễn và bạn mẫu kia đang vùng vằng bỏ về, một bên là nhà thiết kế nằng nặc níu tay tôi và bắt tôi đứng nguyên vị trí đó.
Vô hình chung, mình trở thành nguyên nhân trong một vụ tranh giành vị trí và trở thành câu chuyện cho mọi người xì xào.’
Thời trang Việt Nam rõ ràng là không chuyên nghiệp. Nhưng cái sự không chuyên ấy nhiều khi nó lại ngô nghê và nực cười đến nỗi người ta không thể tin được những cách hành xử như thế lại xuất phát từ những cô gái có vẻ đẹp xinh như hoa với đôi chân dài đằng đẵng đang sải bước trên sàn catwalk.
Cùng nhau hoạt động trong sự manh mún và nhỏ lẻ của thời trang Việt Nam, những tưởng người cùng nghề sẽ tương trợ và giúp đỡ nhau nhiều hơn. Nhưng rất tiếc là chuyện đó không hề có, và Hà Anh cũng đã kịp có ‘kẻ thù’ của mình. Đó chính là nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường cùng ban tổ chức của Vietnam’s Next Top Model…