Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ dọn cơm, thấy có dĩa hến trên bàn là tôi phụng phịu: "Lại hến!". Mẹ tôi dỗ dành: "Ráng ăn để có sức đi học. Chừng nào có tiền, mẹ mua thịt heo cho ăn".
Tôi hiểu cái "chừng nào" của mẹ có khi là 1 tháng, cũng có khi là 3 tháng nên bỏ lơ. Tôi cũng hiểu, ngày mai, ngày mốt, bữa cơm của mấy mẹ con nếu không phải ốc hến thì cũng là tép rong chấy, cá bống kho tiêu mặn quéo lưỡi. Nhưng phải công nhận, tôi cao 1,65 m cũng là nhờ những bữa cơm ốc hến của mẹ ngày thơ bé. Hến kho, hến xào hành lá, hến xào sả ớt, hến rang me cuốn bánh tráng, hến nấu canh mướp, bánh canh hến và sau này mẹ tôi còn có món mắm hến "hôi rình, thúi hoắc" mà không ở đâu có, đúng hơn là chẳng ai làm.
Nhà tôi ở đầu cồn. Hến thì quanh năm lúc nào cũng có. Mùa nước cạn sau Tết, thỉnh thoảng tôi hay xách rổ theo chị tư đi bắt hến. Những con hến nằm chi chít trên bãi, chỉ cần lấy ngón tay trỏ vít lên là bắt. Tuy nhiên, bắt hến kiểu này chỉ là bắt chơi cho vui chớ không có nhiều. Muốn bắt nhiều phải ra sâu dưới nước, cào đất vô cái rổ xúc, sau đó đãi bùn, còn lại hến. Mỗi lần đãi được cả chén hến.
Mỗi con nước, chị tư với anh ba đãi được cả giạ hến, lớp người ăn, lớp cho vịt ăn. Biết tôi ngán nên lần nào bắt hến về, anh ba cũng lựa những con "hến chúa" để riêng làm món hến rang muối cho tôi. Đó là những con hến bự nhất, có con bằng ngón chân cái.
Biết tôi ngán nên lần nào bắt hến về, anh ba cũng lựa những con "hến chúa" để riêng làm món hến rang muối cho tôi. (Ảnh minh họa)
Nói "hến rang muối" cho sang vậy chớ thật ra chỉ là bỏ mấy con hến vô chảo, cho thêm mấy hột muối, đậy nắp lại bắt lên bếp. Làm món này được cái rất nhanh, chỉ tích tắc là hến mở mắt, những con hến mập thù lù, trắng phau, tôi lấy cái gai quýt, ghim từng con bỏ vô miệng. Anh ba ngồi kế bên nhìn tôi ăn chảy nước miếng nhưng không dám xin bởi trong một rổ xúc hến, chỉ lựa ra được chừng một tô "hến chúa".
Ở đời cái gì thừa thãi thì chẳng có giá trị, cũng như con hến đối với tuổi thơ tôi. Sau này khi tôi lớn lên, có lẽ do người ta bắt nhiều quá nên hến cũng ít dần. Tôi đi học trên thị xã, mỗi lần về, anh ba lại xách cào ra ngã ba sông lặn cào hến về để mẹ nấu bánh canh cho tôi ăn. Thế nhưng trong các món hến của mẹ, tôi thích nhất là món mắm hến, sản phẩm của những ngày nghèo khó. Sau này lớn lên, tôi ít thấy mẹ làm, tôi hỏi thì mẹ cười: "Hồi đó thấy tụi con ăn riết ngán quá nên làm bậy bạ chớ có ai chỉ dạy đâu?"...
Đúng là cái khó làm ló cái khôn. Cạnh nhà tôi có bác hai làm nghề đi buôn đường dài. Trong một chuyến buôn hàng ra miền Trung, bác hai đem về cho mẹ tôi hủ mắm sò. Hôm đó anh ba nhấp được mấy con cá lóc, mẹ quyết định không bán mà để lại nướng trui cho anh em tôi cuốn bánh tráng chấm mắm sò "ăn cho đã một bữa".
Hôm đó tôi để ý thấy mẹ cứ cầm hủ mắm sò lên săm soi. Kết quả là chừng một tháng sau, mẹ tôi cho "ra lò" một món mới trong họ hàng nhà hến: mắm hến. Nói thật, lúc đầu tôi không chịu nổi cái mùi "thúi hoắc, hôi rình" của món mắm kỳ khôi ấy.
Mãi đến khi chỉ còn lại một chút dưới đáy hủ, mà hôm đó nhà cũng không còn gì ăn, sẵn anh ba đi chao được mớ tép tong, mẹ hấp lên để cuốn bánh tráng, tôi mon men gắp một con tép nhỏ xíu bằng cái đầu tăm nhang chấm vô chén mắm, dè dặt đưa lên miệng. Tôi nhằn nhằn con tép bằng mấy cái răng cửa chớ không phải nhai bằng răng hàm. Cái vị cay cay, chua chua, ngọt ngọt bắt đầu kích thích tuyến nước bọt. Tôi tiếp tục gắp một đũa tép bỏ vô cái lá đậu rồng gói lại, chấm mắm, nhai, nuốt. Lần sau nữa, tôi thêm mấy cọng hành luộc cuốn chung với tép... "Ê nhỏ, ăn từ từ, làm gì dữ vậy, mắc cổ bây giờ". Anh ba lấy đũa gõ gõ vô chén mắm. Tôi chu mỏ: "Mấy bữa trước em đâu có ăn?".
Con gái nhớ mẹ (ảnh minh họa)
Mẹ tôi chỉ làm mắm hến mỗi năm vài lần vì mẹ nói ăn mắm nhiều không tốt. Chính vì vậy mà cái sự "quý, hiếm" của mắm hến càng được tăng lên gấp bội phần. Mẹ lựa những con "hến chúa" ngâm với ớt một đêm cho nhả hết bùn, sau đó ngâm lại với nước muối chừng 1 giờ rồi lấy dao tách vỏ ra, chỉ lấy phần vỏ hến có dính ruột.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Xong đâu đó, mẹ trộn đều hến với muối hột. Tỏi, ớt đâm nhuyễn; củ riềng xắt sợi thật nhuyễn. Tất cả cho vô trộn chung với hến. Đặc biệt, làm món mắm hến, tôi thấy mẹ cho rất nhiều tỏi, một keo mắm nhỏ mà tới 1 chén tỏi. Sau khi trộn chung các thứ, mẹ cho vô keo, gài chặt rồi đậy nắp thật kỹ, có 2-3 lớp bọc ni lông đậy ở trên.
Hủ mắm được đem phơi nắng. Ngày nào tôi cũng thấy mẹ cầm hủ mắm dốc ngược thật nhanh mấy lần, nói là để cho mắm ngấm đều, không bị trở. Chừng 1 tháng thì mắm ăn được. Mỗi lần ăn, mẹ chắt lấy chừng nửa chén cái thứ nước "đen thui, thúi hoắc, hôi rình" đó trộn thêm chanh, đường, khóm; thêm tỏi, ớt tươi cho thơm.
Tôi nhớ có lần xóm dưới có người làm heo, mẹ mua đồ lòng và thịt ba rọi về luộc. Hôm đó đối với anh em tôi đúng là đại tiệc. Anh ba hái về một thúng rau, nào là cải trời, cải đất, ngò gai, tía tô, đọt chiết, đinh lăng, lá lụa, húng quế, lá đậu rồng non, rau tai tượng...
Anh em tôi ăn thật khí thế, chẳng mấy chốc mà mọi thứ đã hết veo. Đến lúc đó, mẹ tôi mới nói: "Tụi con biết bữa nay là ngày gì không? Là ngày mẹ cuốn quần áo trốn ngoại theo ba. Hồi đó ngoại bắt gả mẹ cho con ông ghe chài trên Châu Đốc, mẹ không chịu vì đã hứa thương ba...".
Năm đó tôi 12 tuổi. Lần đầu tôi nghe mẹ nói nhiều chuyện về ba như vậy. Chuyện tình yêu của ba mẹ nhiều trắc trở và kết thúc không có hậu vì ba ra đi quá sớm. Mẹ tôi đã ở vậy nuôi anh em tôi. Nhiều người muốn chắp nối nhưng mẹ không ưng ai cả. Và anh em chúng tôi đã lớn lên ở xứ cồn ấy trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...
Mãi sau này lớn lên, lấy chồng, sinh con tôi mới hiểu hết cái cực nhọc của mẹ khi một mình nuôi 4 đứa con sau khi ba tôi chết mất xác trong một lần bị chìm ghe ở Bắc Mỹ Thuận. Vậy mà hồi nhỏ, hở một cái là tôi giận dỗi, cằn nhằn, trách móc sao mẹ không cho anh em tôi cuộc sống sang giàu như đám bạn trong lớp.
Giờ tôi chỉ thèm được ăn cơm hến với mẹ mà có được đâu...