Ban tổ chức cho biết, phần lễ sẽ có sự tham gia dâng lễ vật của 4 tỉnh: Điện Biên; Nghệ An; thành phố Hải Phòng và thành phố Đà Nẵng.
Lễ rước kiệu của 6 xã vùng ven về Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 8/3 năm Nhâm Thìn (tức ngày 29/3/2012) có sự tham gia của các đoàn Ngoại giao, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam và Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.
Đây là hoạt động có ý nghĩa cộng đồng và giá trị nhân văn sâu sắc nhằm tuyên truyền, quảng bá cho Hồ sơ khoa học “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phần hội được tổ chức gắn với Chương trình “Du lịch về cội nguồn” năm 2012 của 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai; vinh danh Di sản “Hát Xoan Phú Thọ” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và một số hoạt động khác như: Chương trình Liên hoan “Hát Xoan và dân ca Phú Thọ”; tổ chức các điểm hát Xoan; triển lãm ảnh “Các di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương ở Việt Nam”,… cùng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc của 5 tỉnh tham gia góp giỗ năm 2012.
Thời gian tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Thìn – 2012 diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 5/3 đến ngày 10/3 năm Nhâm Thìn (tức từ ngày 26/3 đến 31/3/2012) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven.
Việc tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam.