<<<< Clip thú ăn thịt tăng lực man rợ và ám ảnh cái chết loài khỉ
Liên quan đến sự việc một thành viên mạng xã hội facebook có nick Quang Nguyen Van (tạm dịch là Nguyễn Văn Quang) đăng tải hàng loạt hình ảnh diễn tả việc "tra tấn", giết hại 2 con voọc chà vá chân xám một các dã man, làm cộng đồng mạng hết sức phẫn nộ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề dưới góc độ pháp luật, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh (Quốc Tử Giám, Văn Chương, Đống Đa, TP. Hà Nội).
Theo Luật sư Truyền, hành vi giết voọc được những thanh, thiếu niên trong ảnh xem như một trò giải trí và đã đưa lên mạng như một hình thức khoe chiến tích là rất đáng lên án.
“Hành vi trên không những gây ra sự phản kháng rất lớn đối với người xem, thể hiện sự coi thường pháp luật, mà đây còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về Bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam và xâm phạm đến quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ” – Luật sư Truyền nói.
Cũng theo Luật sư Truyền, hiện nay pháp luật Việt Nam đã có một hệ thống các quy phạm tương đối hoàn chỉnh điều chỉnh nhằm bảo tồn các loài động vật quý hiếm.
Cụ thể là tại khoản 3, Điều 5 Nghị định số: 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ quy định “Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm” nghiêm cấm những hành vi sau đây: Khai thác thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật;
Hình ảnh bắt khỉ hút thuốc của nam thanh niên khoe trên mạng xã hội...
Vận chuyển, chế biến, quảng cáo, kinh doanh, sử dụng, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trái với quy định tại Nghị định này và quy định hiện hành của pháp luật.
Người nào giết động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm có thể bị phạt tiền từ 50-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. |
Tại Điều 7, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13/11/2008 có quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học, gồm: Săn bắt, đánh bắt, khai thác loài hoang dã trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ việc vì mục đích nghiên cứu khoa học; lấn chiếm đất đai, phá hoại cảnh quan, hủy hoại hệ sinh thái tự nhiên, nuôi trồng các loài ngoại lai xâm hại trong khu bảo tồn;
Xây dựng công trình, nhà ở trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; xây dựng công trình, nhà ở trái phép trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn;
Điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khoáng sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi trồng thuỷ sản quy mô công nghiệp; cư trú trái phép, gây ô nhiễm môi trường trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn;
Săn bắt, đánh bắt, khai thác bộ phận cơ thể, giết, tiêu thụ, vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; quảng cáo, tiếp thị, tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Luật Đa dạng sinh học năm 2008 cũng nghiêm cấm nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo trái phép loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen;
Nghiêm cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại; Tiếp cận trái phép nguồn gen thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất trong khu bảo tồn.
Từ những cơ sở đó, Luật sư Truyền cho rằng, hành vi săn bắt, tra tấn và giết con voọc của nam thanh niên trên, trong trường hợp có đủ căn cứ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 190 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi.
Cụ thể, điều 190. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Với hành vi này, nam thanh niên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng nêu rõ, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.