70 - 80% học sinh học ở trung tâm ngoại ngữ
Đại diện của một trường dạy ngoại ngữ thiếu nhi cho biết: “Thực tế nhiều năm trở lại đây, số lượng học sinh tiểu học tham gia các khóa học của trường khá đông, chiếm khoảng 80% trong tổng số học viên”. Còn một trường Anh ngữ chuyên về luyện thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế thì số lượng học sinh THPT đăng ký tham gia chiếm ưu thế, tương đương khoảng 70% trong tổng số học viên của trường.
Bà Lê Thúy Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Thái Bình, TP. HCM, cho biết: “Không tự tin trong giao tiếp, phát âm sai thế nên trong tiết học giáo viên (GV) chủ yếu sử dụng kỹ năng đọc rồi kéo theo học sinh (HS) cũng phát âm sai, chẳng nghe, chẳng nói được gì ngoài vài câu đơn giản giới thiệu tên, tuổi…”.
Một nghiên cứu của Sở Khoa học - Công nghệ TP. HCM về thực trạng giao tiếp qua dạy và học tiếng Anh trong nhà trường phổ thông tại TP. HCM trong năm 2007 cho thấy sau khi hoàn thành bậc THCS, HS không thể kể lại được một câu chuyện khoảng 100 từ như yêu cầu của chương trình. Còn ở bậc THPT thì có tới 78% HS yếu 2 kỹ năng nghe nói.
Mới đây, Hội đồng Anh tiến hành một cuộc khảo sát về trình độ tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế của HS 20 nước trong khu vực châu Á. Kết quả cho thấy HS Việt Nam xếp thứ 8/20 về khả năng đọc và viết, nhưng lại xếp thứ 18/20 về khả năng nghe nói.
Nhiều GV, cán bộ quản lý làm việc lâu năm trong lĩnh vực giáo dục đều cho rằng nguyên nhân ở chương trình, GV, điều kiện dạy và học… Một chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nhìn nhận: “Vài năm trở lại đây, chương trình giảng dạy môn tiếng Anh dù đã được điều chỉnh, biên soạn theo hướng thúc đẩy HS phát triển đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhưng chưa thực sự hiện đại, mức độ cập nhật chưa cao. Mỗi đơn vị bài học chưa cho phép HS thực hành giao tiếp, tái sử dụng nhằm khắc sâu và tạo phản xạ tự nhiên…”. Bà Lê Thúy Hòa còn cho rằng: “Nội dung đề thi tập trung kiến thức ngữ pháp và dịch là chủ yếu vì vậy HS chả thể tiến bộ”.
Tiến hành khảo sát cả GV và học sinh lớp 6
Theo ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, năm học này, Bộ bắt đầu thí điểm dạy tiếng Anh theo Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đối với lớp 6. Bộ sẽ tiến hành khảo sát cả GV lẫn học sinh. Về tài liệu học tập, các trường có thể dùng sách giáo khoa của Bộ nhưng có thể dùng sách khác với điều kiện bộ sách đó đã được Bộ thẩm định và cho phép sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên, phụ huynh nhiều trường tiểu học tại TP. HCM vẫn không an tâm với chương trình tiếng Anh trong trường.
Chị Nguyễn Thị Hoa, phụ huynh Trường tiểu học Phan Văn Trị, Q.1, cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 1 chương trình tiếng Anh tăng cường của trường. Nhưng thật tình mà nói, tôi không thật sự an tâm về chất lượng giảng dạy, nhất là về GV và môi trường học. Còn nếu làm phép so sánh thì cá nhân tôi nhận thấy trung tâm ngoại ngữ bên ngoài vẫn dạy tốt hơn vì họ dạy chuyên, chú trọng nhiều kỹ năng nghe nói. Vào tối các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, tôi đều cho con học thêm Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ. Cháu rất thích thú và luôn muốn đi học ở trung tâm. Về phần tôi thì cũng yên tâm hơn về việc học tiếng Anh của con”.
Nhiều phụ huynh hiện nay vẫn mong muốn cho con vào các lớp tăng cường tiếng Anh (8 tiết/tuần) với lý do con em họ được học tiếng Anh nhiều hơn. Song phần đông phụ huynh vẫn cho con đi học ở trung tâm vì không tin nếu chỉ học ở trường, con họ có thể giao tiếp được.
Anh Nguyễn Tùng Nam, phụ huynh HS Trường tiểu học Tân Trụ, Q.Tân Bình, tâm sự: “Con tôi năm nay học lớp 4 nhưng thực tình mà nói, ở trường học một lớp hơn 40 HS vậy thì làm sao có thể học tốt được. Ngay cả việc phát âm có sai chăng nữa thì GV cũng không tài nào phát hiện và sửa được. Một năm nay, tôi cho con học Anh văn ở trung tâm, cháu hoàn toàn tự tin trong giao tiếp, có kỹ năng hơn vì cháu được học và trò chuyện nhiều với GV”.
Khi được hỏi, ngành giáo dục cần làm gì để phụ huynh yên tâm cho con em học tiếng Anh tại trường mà không cần phải học thêm bên ngoài, phần đông phụ huynh đều khẳng định phải giảm sĩ số lớp, GV đạt chuẩn và phải có kỹ năng nghe nói tốt.